(NLĐO) - Hình ảnh những chiếc xuồng thô sơ, chở khẳm người và hàng hóa qua sông bằng xuồng đu dây, ở khắp các xã thuộc huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng, khiến ai chứng kiến cũng phải giật mình kinh khiếp
Bởi, đã có quá nhiều tai nạn thảm khốc từ những sự việc tương tự xảy ra... Sao họ liều dữ vậy?!
“Không liều không được”
Câu trả lời “không liều không được” được hầu hết người dân đưa ra khi tiếp xúc với chúng tôi tại bến đò qua con sông Đại Bình, ở thôn 13 xã Lộc Thành qua thôn 9 xã Tân Lạc (huyện Bảo Lâm). Những người dân này chia sẻ, tất cả cũng chỉ vì hai chữ tiết kiệm, cho cuộc sống mưu sinh thường nhật, nên đành phải liều.
Anh Trần Minh Sang (39 tuổi) là người dân thôn 2 xã Lộc Thành nhưng rẫy lại nằm ở thôn 9 xã Tân Lạc, đã hơn 20 năm phải qua lại bằng xuồng đu dây, cho hay, trước đây mọi người thường qua sông bằng xuồng nhỏ có người chèo qua sông. Tuy nhiên, khi nhà nào cũng có xe máy thuyền chèo không kham nổi, chủ các bến đò đã “sáng tạo” ra chiếc xuồng lớn hơn và kéo bằng dây như bây giờ, để hòng chở được nhiều khách và xe…
Nín thở mỗi khi qua sông theo kiểu này
Và cũng theo anh Sang, anh và mọi người trong xóm đều biết rằng, kiểu xuồng đu dây rất nguy hiểm nhưng vẫn phải đi. Bởi, nếu đi đường vòng cũng phải mất hơn 10km, với cả giờ đồng hồ di chuyển; còn qua xuồng đu dây thì nhanh cấp kỳ. “Nông dân nghèo, có cách tiết kiệm được không ít thời gian, tiền bạc khi di chuyển, thì thử hỏi ai không dùng”, anh Sang, thẳng thắn.
Ghi nhận của phóng viên, chuyện đánh đu với số phận trên những chiếc xuồng đu dây qua sông còn diễn ra ở khu vực cầu treo Đankia (thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng). Cầu này hiện đang bị nghiêng và ván gỗ mục nát, người dân phải tìm cách qua bên kia sông bằng xuồng đu dây; hay ở điểm cầu tổ dân số 15, xã Phù Mỹ, huyện Cát Tiên (Lâm Đồng) đi huyện Tân Phú (Đồng Nai) và ngược lại chỉ bằng những chiếc phao do người dân tự chế; rồi điểm cầu Đắc Lua (Đồng Nai) đi Cát Tiên (Lâm Đồng)…
Thống kê của huyện Bảo Lâm, trên dòng sông Đại Bình nơi nối liền hai xã Lộc Thành và Tân Lạc (huyện Bảo Lâm) có tới 6 chiếc cầu bắc ngang nhưng người dân lại phải đi xuồng, vì cầu xuống cấp. Trong đó, nguy hiểm nhất là 3 điểm cầu đi bằng xuồng “đu dây” qua sông thuộc địa phận thôn 7 và thôn 13 của xã Lộc Thành qua địa phận thôn 9, xã Tân Lạc và điểm cầu treo K’Giảo qua thôn 15.
Tai nạn đã có, nhưng chính quyền không vội
Qua tìm hiểu những chiếc xuồng đu dây, cái nào mới nhất cũng đã có tuổi thọ mười năm, đặc biệt, có chiếc tuổi thọ lên đến 30 năm. Trọng lượng những chiếc xuồng này chỉ có thể “cõng” tối đa khoảng 1,5 tấn, nhưng khi chuyên chở thì thường gấp đôi, gấp ba. Nguy hiểm hơn, những chiếc xuồng này không được trang bị để đảm bảo an toàn cho người qua sông, không hề có lan can chắn hay phao cứu sinh. Tai nạn rình rập là điều dễ dự báo.
“Trận mưa đầu mùa đợt tháng 3 vừa rồi, trong một chuyến qua sông do nước chảy mạnh xuồng chở quá tải khiến dây đu bị đứt, dẫn đến xuồng lật úp. Gạch, xi măng trên thuyền đổ đầy người tôi khi lật nhưng rất may không trúng chỗ hiểm và may hơn nữa do bơii lội rành nên tôi đã may mắn thoát chết. Hú hồn!”. Anh Nguyễn Văn Tùng (34 tuổi) người từng gặp nạn ở bến đò đu dây Đắc Lua, vẫn còn bàng hoàng nhớ lại.
Nếu ai đó đã từng chứng kiến cảnh tượng khi con nước trên sông Đại Bình lên cao, phải thả xuồng trôi tự do theo dòng nước rồi từ từ kéo dạt vào bờ mới thấy hết độ nguy hiểm. “Năm nào cũng vậy, khi mùa nước chảy xiết cũng là lúc xảy ra không ít những vụ xuồng lật úp, xe máy và người chìm nghỉm xuống sông. Cũng may không xảy ra những điều đáng tiếc…”, anh Tùng, cho biết. Theo anh Tùng, phải chi mỗi chỗ bến đò đu dây được xây dựng một cái cầu đàng hoàng thì người dân sung sướng, cảm ơn biết mấy.
Mong mỏi của người dân đã gấp lắm rồi, nhưng khi trao đổi với phóng viên, ông Trương Hữu Hiệp, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Lâm Đồng, lại cho hay: “Trên địa bàn tỉnh hiện nay có 100 cây cầu yếu và xuống cấp, không đảm bảo an toàn giao thông, trong đó có 22 cây cầu (chủ yếu là cầu treo, xuồng dây qua sông). Trước mắt, tỉnh Lâm Đồng đã có chủ trương lập dự án đầu tư thay thế, sửa chữa trong những năm tới nhằm cải thiện đời sống người dân…”.
Sợi sắt 6 buộc tạm bợ trên gốc cà phê sắp bung gốc rất nguy hiểm
Ông Hiệp còn cho biết thêm, riêng trong năm 2015, UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt đầu tư thay thế 9 cầu treo trên địa bàn. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên đến nay vẫn chưa có cây cầu nào được thi công trong khi cao điểm mùa mưa lũ đang đến gần.
Để tránh những tai nạn thương tâm có thể xảy ra trong tương lai, mong rằng những chiếc cầu đã và sắp được đầu tư xây dựng, nhằm xóa xuồng đu dây không còn cứ mãi nằm trên giấy như những gì các cơ quan chức năng đang tiến hành - anh Sang, ao ước.
16/06/2015 14:27
Bài, ảnh: Đình Thi
No comments:
Post a Comment