Tuesday, June 23, 2015

Quân đội Trung Quốc còn lâu mới đọ được Mỹ

(TNO) Trung Quốc đã và đang chứng tỏ vị thế của mình tại khu vực tây Thái Bình Dương. Tuy nhiên, nếu xét trên phạm vi toàn cầu, quân đội Trung Quốc còn lâu mới thực sự có đủ "tầm" để trở thành đối trọng về mặt quân sự với Mỹ, theo bài viết trên Reuters.

 Quân đội Trung Quốc còn lâu mới đọ được Mỹ
Máy bay trinh sát Y-8 của quân đội Trung Quốc – Ảnh: Reuters

Trong bài bình luận đang trên Reuters ngày 22.6, ông David Axe, biên tập viên mảng an ninh quốc gia của website medium.com, cho rằng tiềm lực quân sự của Trung Quốc đang ngày càng lớn mạnh, thậm chí đủ sức qua mặt Mỹ trong trường hợp 2 bên xảy ra giao chiến trên khu vực “sân nhà” của Bắc Kinh.

Tuy nhiên, Axe cũng đánh giá sức mạnh của quân đội Trung Quốc “chưa đạt đến phạm vi toàn cầu”, và Trung Quốc chỉ là “con hổ giấy” khi phải đối mặt với các xung đột xảy ra cách xa phạm vi biên giới lãnh thổ nước này.

Trung Quốc và chiến lược “chủ động phòng vệ”

1

Chiến đấu cơ J-10 của không quân Trung Quốc – Ảnh: Reuters

Sách trắng quốc phòng công bố hôm 26.5 của Bắc Kinh nhấn mạnh chiến lược “chủ động phòng vệ” với phương châm “chỉ phản đòn trong trường hợp bị tấn công”, đồng thời úp mở mục tiêu dời trọng tâm các cuộc xung đột ra xa khỏi đại lục, từ khu vực biên giới phía tây sang vùng biển phía đông.

Tuy nhiên, nhìn chung, chiến lược quân sự mới của Trung Quốc không thay đổi quá nhiều so với trước đây, tức là Bắc Kinh vẫn chỉ chú trọng xây dựng lực lượng lục quân, và trang bị vũ khí chủ yếu nhằm phục vụ mục đích phòng vệ tầm ngắn, theo Reuters.

Có thể dễ dàng nhận ra điều đó khi trong thực tế, Bắc Kinh đang sở hữu số chiến đấu cơ với 1.500 chiếc (chỉ sau Mỹ với 2.800 chiếc), nhưng số máy bay tiếp nhiên liệu trên không chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Tương tự, Hải quân Trung Quốc, với khoảng 300 tàu chiến các loại (chỉ thua Mỹ với 500 tàu chiến các loại), đang chỉ có… 6 tàu hậu cần để tiếp tế nhiên liệu và nhu yếu phẩm. Trong khi đó, hải quân, không quân và lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ có khoảng 500 phương tiện tiếp nhiên liệu và 30 tàu hậu cần.

2

Một tàu tiếp tế của hải quân Trung Quốc, số tàu này chỉ đếm được trên đầu ngón tay – Ảnh: Reuters

Điểm mạnh trong chiến lược của Trung Quốc là có thể dễ dàng triển khai lực lượng quân đội, bao gồm cả không quân và hải quân, đến vị trí cần thiết tại một số khu vực nhất định với thời gian rất ngắn nhằm “lấy lượng bù chất”, điều mà quân đội Mỹ không thể thực hiện được vì đang phải chia quân ra đồn trú khắp thế giới.

Hồi năm 2008, viện chính sách RAND (trụ sở tại bang California, Mỹ) từng công bố bảng phân tích số liệu cho thấy trong trường hợp xung đột trên không Trung – Mỹ nổ ra tại khu vực gần quần đảo Đài Loan, mỗi máy bay Mỹ sẽ phải “giáp lá cà” với ít nhất 3, thậm chí 10 chiến đấu cơ Trung Quốc.

3

Trực thăng UH-60 Blackhawk của quân đội Mỹ – Ảnh: Reuters

Không thể phủ nhận sự thật rằng Trung Quốc đang thực sự là đối trọng đe dọa đến tầm ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực bờ tây Thái Bình Dương. Tuy nhiên, như đã phân tích, chiến lược “chủ động phòng vệ” sẽ trở thành con dao 2 lưỡi khi Bắc Kinh phải “đá sân khách”, tức là càng tham chiến xa biên giới, quân đội Trung Quốc sẽ càng tỏ ra kém hiệu quả.

Đó là chưa kể đến việc Bắc Kinh có quá ít đồng minh, trong khi Mỹ đang duy trì hàng trăm cơ sở quân sự trên khắp thế giới và thường xuyên tổ chức tập trận, tuần tra cách vùng biển Trung Quốc chỉ vài dặm.

Hơn nữa, trong khi Mỹ đang triển khai lực lượng để tham chiến khắp nơi trên thế giới thì việc Trung Quốc “chủ động phòng vệ” khiến quân đội nước này thiếu kinh nghiệm chiến đấu. Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cho rằng các vũ khí tối tân mà Trung Quốc tự trang bị được hầu hết đều là “hàng nhái” thiết kế của Mỹ và các nước, và chất lượng tất nhiên không thể kiểm định.

Mỹ: Dùng sức mạnh để kiểm soát đối thoại

4
Chiến đấu cơ F-15E Strike Eagle của không quân Mỹ – Ảnh: Reuters

Như vậy, ít nhất trong thời điểm hiện tại, Trung Quốc sẽ không triển khai lực lượng quân đội ra phạm vi toàn thế giới. Tuy nhiên, không vì thế mà Washington có thể an tâm. Bắc Kinh từng tuyên bố sẽ chủ động tấn công nếu Đài Loan đơn phương tuyên bố độc lập. Bên cạnh đó, từ khoảng cuối năm 2014 đến nay, Trung Quốc liên tục có những động thái gây hấn trên khu vực Biển Đông và biển Hoa Đông.

David Axe cho rằng khi bị chạm đến quyền lợi, đây là những động thái của Bắc Kinh nhằm “hợp thức hóa” phương châm “chỉ phản đòn trong trường hợp bị tấn công” đã nêu trên. Cụ thể, trong tình huống xảy ra xung đột vũ trang giữa Trung Quốc với một hoặc nhiều nước láng giềng tại khu vực bờ tây Thái Bình Dương, Mỹ sẽ buộc phải tham chiến do muốn đảm bảo quyền tự do đi lại trên biển, cũng như có quan hệ đồng minh với Nhật Bản, Philippines, Đài Loan…

5

Hai tàu sân bay USS George H.W. Bush (trước) và USS Harry S. Truman của Mỹ – Ảnh: Reuters

Tuy vậy bí quyết của Mỹ hiện nay là vừa tìm cách tránh xung đột với Trung Quốc trên sân nhà của Bắc Kinh, vừa đảm bảo duy trì tầm ảnh hưởng mình ở khu vực bờ tây Thái Bình Dương. Điều đó có nghĩa là Mỹ muốn duy trì các cuộc đối thoại với Trung Quốc nhưng đi kèm là có vũ lực đe doạ đằng sau.

Trong bản báo cáo về sức mạnh quân sự của Trung Quốc do Bộ Quốc phòng Mỹ ban hành năm 2015, Washington nêu rõ “mong muốn xây dựng mối quan hệ tích cực với Bắc Kinh”, nhưng đồng thời nhấn mạnh “sẽ có cạnh tranh ở các lĩnh vực và Mỹ sẽ quản lý cuộc cạnh tranh này với Trung Quốc bằng sức mạnh của mình”.

Nhưng cách tiếp cận này cũng có điểm yếu, theo tác giả bài báo, vì tại khu vực duy nhất mà các hành động của Trung Quốc là mối đe dọa nghiêm trọng cho lợi ích của Mỹ, Washington đang phải đấu tranh để duy trì vị trí mạnh mẽ của mình. Còn Bắc Kinh đã xuất hiện với các mục tiêu chiến lược cùng các phương tiện quân sự đủ mạnh. Do vậy hãy chờ xem cuộc cạnh tranh này diễn ra như thế nào.

06-23- 2015

No comments:

Post a Comment