Le Nguyen (Danlambao) - Hơn ba thập kỷ trước vào ngày 05/02/1985 ban bí thư trung ương đảng cộng sản Việt Nam ra quyết định số 52 lấy ngày 21/06 hằng năm làm ngày báo chí Việt Nam, là ngày ra đời của tờ báo Thanh Niên do Nguyễn Ái Quốc sáng lập ngày 21/06/1925. Qua quyết định số 52 của đảng cộng sản Việt Nam chon ngày 21/06 làm ngày báo chí Việt Nam là hành động áp đặt trắng trợn, phủ nhận công lao của các bậc tiền bối, các cây đa cây đề của ngành báo chí, xứng đáng là ông tổ của nghề làm báo Việt Nam, khai mở nền báo chí khai phóng ra đời trước tờ Thanh Niên khá lâu... có tờ lâu hơn nửa thế kỷ như tờ Gia Định Báo ra đời ngày 15/04/1865 do ông Trương Vĩnh Ký (Petrus Ký) làm chủ nhiệm và ông Huỳnh Tịnh Của (Paulus Của) làm chủ bút.(1)
Ngoài ra còn có nhiều tờ báo lẫy lừng phong phú từ nội dung đến hình thức ra đời trước tờ Thanh Niên của ông Nguyễn Ái Quốc, là một trong cả trăm bí danh, bút danh của chủ tịch Hồ Chí Minh. Những tờ báo ra đời trước tờ Thanh Niên gồm có tờ Gia Định Báo, Nông Cổ Mín Đàm, Đăng Cổ Tùng Báo, Đông Dương Tạp Chí, Nam Phong Tạp Chí, Lục Tỉnh Tân Văn, Nữ Giới Chung... của các nhà báo, nhà làm văn hóa, làm khoa học, làm văn học nghệ thuật, làm văn hóa văn chương... góp công không nhỏ vào nền báo chí lúc còn phôi thai như các ông chủ báo tư nhân Petrus Trương Vĩnh Ký, Paulus Huỳnh Tịnh Của, Gillbert Trần Chánh Chiếu, ông Nguyễn Chánh Sắt, ông Nguyễn Văn Vĩnh, Ông Phạm Quỳnh, Bà Sương nguyệt Ánh...
Mãi đến 15 năm sau ngày 21/06/1985, nhân 75 năm Ngày báo chí VIệt Nam vào năm 2000, hội nhà báo Việt Nam có khả năng, có một số hội viên hiểu chuyện, thông thạo lịch sử báo chí cảm thấy xấu hổ về chuyện áp đặt, tiếm danh của đảng, nhà nước Việt Nam nên đề nghị bộ chính trị đổi Ngày Báo chí Việt Nam thành Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam và được ban chấp hành trung ương đảng chuẩn thuận.
Những ai đọc lịch sử báo chí Việt Nam đều thấy, việc đảng chọn ngày ra đời của tờ Thanh Niên làm Ngày Báo Chí Việt Nam là chuyện tiếm danh thô bỉ khá lộ liễu dễ bị “thế lực thù địch” lợi dụng nói xấu nên đảng đã “tài tình luồn lách” đổi thành ngày Báo Chí Cách mạng Việt Nam cho đảng ta có vẻ đàng hoàng hơn! Thế nhưng sự sửa đổi, điều chỉnh Ngày báo chí Việt Nam thành Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam của trung ương đảng cộng sản Việt Nam đã hợp lý, chính xác chưa?
Ai cũng biết cách mạng là thay đổi cái cũ bằng cái mới tốt đẹp hơn và tờ báo Thanh Niên cùng với người sáng lập ra tờ báo có thực hiện được chức năng bỏ cũ làm mới báo chí và thay đổi tư duy tầm nhìn, nâng cao nhận thức của người dân Việt Nam. Báo Thanh Niên có tập cho người dân thói quen đọc “nhật trình” tiếp cận nền khoa học kỹ thuật, thơ phú, văn chương, triết học bằng chữ Quốc Ngữ thay cho chữ Hán-Nôm theo lối mòn “trung quân ái quốc” rằng tử nói thế này, tử nói thế kia, tử dạy thế này, tử dạy thế kia?
Riêng cá nhân ông Nguyễn Ái Quốc, tự Hồ Chí minh cũng chẳng để dấu ấn, mẫu mực đạo đức nào của một nhà báo đáng để cho hậu thế học hỏi làm theo, ngoài việc phân thân kiểu “tề thiên” như cùng lúc vừa làm Già Thu giữ chức tổng biên tập báo Việt Nam Độc Lập vừa viết báo, viết tài liệu huấn luyện cán bộ ở hang Pắc Bó, vừa nhập vai Hồ Chí Minh sáng tác Nhật Ký Trong Tù ở nhà tù bên Tàu(?)... Tiếp theo sau đó là ông Quốc giả dạng Trần Dân Tiên viết Những Mẫu Chuyện Về Đời Hoạt Động Của Hồ Chủ tịch và giả danh cán bộ đi công tác cùng, kể chuyện Vừa Đi Đường Vừa Kể Chuyện để tự bốc thơm cá nhân mình, cùng với việc 4 năm viết di chúc bôi xóa như bản nháp của học trò tập làm văn... vẫn được báo chí “cách mạng” ca tụng tài năng cao tận đỉnh trời!
Trong thời đại thông tin bùng nổ mọi sự đã rõ, tờ báo Thanh Niên và người sáng lập ra nó trong thời gian phôi thai đến lúc trở thành phổ biến cũng không tạo nên phong trào làm thành thói quen cho một bô phận người dân đủ mọi thành phần từ trí thức khoa bảng đến anh đạp xích lô... đọc “nhật trình” mở rộng tầm nhìn, nâng cao kiến thức bao quát về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội mở ra phong trào nữ giới, đề cao vai trò phụ nữ, nam nữ bình quyền, nâng cao dân trí cho đến ngày cả nước bị cộng sản Nga-Tàu nhuộm đỏ Việt Nam như các tờ báo Gia Định Báo, Nông Cổ Mín Đàm, Đăng Cổ Tuần Báo, Đông Dương Tạp Chí, Nam Phong Tạp Chí, Lục Tỉnh Tân Văn, Nữ Giới Chung... đã làm được.
Còn tờ Thanh Niên của ông Nguyễn Ái Quốc, ngoài việc làm công cụ tuyên truyền, làm nhiệm vụ chính trị do đảng cộng sản Việt Nam giao phó chứ không làm được nhiều việc bổ ích nâng cao trình độ dân trí tác động vào sự thay đổi nhận thức của người dân như các ông tổ nghề làm báo Việt Nam như Petrus Trương Vĩnh Ký, Paulus Huỳnh Tịnh Của, Nguyễn Văn Vĩnh, Thượng Chi Phạm Huỳnh, Lệ Thần Trần trọng Kim...
Cụ thể là các công trình nghiên cứu của các tờ báo, nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu... ra đời trước, cùng thời lẫn sinh sau đẻ muộn so với tờ Thanh Niên và người sáng lập báo Nguyễn Ái Quốc đều có nhiều tác phẩm hoặc câu nói trở thành danh ngôn để đời, vượt thời gian góp phần tích cực cho cuộc “cách mạng tư tưởng” từ những năm 60S của thế kỷ 18 cho đến ngày Việt Nam Cộng Hòa bị cộng sản Bắc Việt cưỡng chiếm gồm có: Đại Tự Điển An Nam-Pháp (Grand Dictionnaire Annamit- Francais) của ông trương Vĩnh Ký; Đại Nam Quốc Âm Tự Vi của Huỳnh Tịnh Của; Văn Ngôn Tập Giải (Recuel du Langage Fleuri) Gilbert Trần Chánh chiếu; Lịch Sử Học Thuyết Voltaire của Thượng Chi Phạm Quỳnh; Chỉnh Đốn Lại Cách Cai Trị Dân Xã của Nguyễn Văn Vĩnh; Một Cơn Gió Bụi của Lệ Thần Trần Trọng Kim...
“...Đọc tài liệu lịch sử chúng ta thấy, báo chí Việt Nam ra đời trong hoàn cảnh đặc biệt mang tính cách mạng triệt để từ chữ tượng hình Hán - Nôm chuyển sang chữ quốc ngữ với mẫu tự Latin, nó hoàn toàn mới từ hình thức đến tư tưởng và những nhà báo tiên phong của Việt Nam đến từ nhiều nguồn gốc xuất thân khác nhau nhưng tất cả có cùng chung mẫu số là lòng yêu nước.
Đa số các nhà báo, nhà văn, nhà thơ, nhà dịch thuật, nhà biên khảo... làm văn hóa văn chương, làm văn học nghệ thuật đều biểu lộ hành động cách mạng, thể hiện tư tưởng yêu nước chống sự đô hộ của thực dân Pháp từ trực tiếp đến gián tiếp với thiện chí, khả năng giới hạn có được của mình và thuở sơ khai những người vừa làm báo vừa phổ biến tư tưởng yêu nước, tư tưởng cách mạng lẫn hoạt động cách mạng theo đúng nghĩa cách mạng là thay đổi cái cũ bằng cái mới tốt đẹp hơn trong hoạt động báo chí.
Chúng ta thấy, những người viết báo có tinh thần cách mạng, yêu nước tiêu biểu như các ông Lệ Thần Trần Trọng Kim, Phan Kế Bính, Tản Đà Nguyễn Khắc Hiến, Tú Xương Trần Tế Xương, Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến, Hồ Biểu Chánh, Phú Đức Nguyễn Đức Nhuận, Hải Lượng Dương Quảng Hàm, Phan Khôi, Nguyễn Công Hoan, Sào Nam Phan Bội Châu, Tây Hồ Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Khái Hưng Trần Khánh Dư, Nhất Linh Nguyễn Tường Tam, Hồ Hữu Tường... và tất cả tên tuổi lớn của thời kỳ đầu của nền báo chí Việt Nam đã để lại nhiều công trình nghiên cứu, biên soạn, dịch thuật, trước tác, sáng tác... mang tính học thuật khai phá chân chính cho hậu thế, thật sự đồ sộ đáng ngưỡng mộ...”(2)
Thế nhưng tờ Thanh Niên và cá nhân người sáng lập Nguyễn Ái Quốc chẳng để lại được gì đáng kể ngoài những công trình vớ vẩn mang tính hư cấu, bịa đặt phục vụ mục đích tuyên truyền chính trị phản động của đảng cộng sản Việt Nam. Lối làm báo của ông Quốc đã để lại hậu quả cho đội ngũ nhà văn nhà báo mang danh cách mạng nhưng chẳng có tư tưởng cách mạng chi cả, chỉ hì hục xếp chữ làm ra những tác phẩm minh họa ca ngợi lãnh tụ, ca ngợi đảng, chế độ đề cao điều ác chống lại điều thiện, phản lại chức năng báo chí, phản lại đường hướng sáng tác văn học nghệ thuật chân chính của loài người văn minh phục vụ nghệ thuật, phục vụ nhân sinh...
Tính từ ngày ông Nguyễn Ái Quốc cho ra mắt tờ Thanh Niên cũng gần một thế kỷ và được đảng ưu ái chọn làm Ngày Báo Chí việt Nam rồi trang trọng nâng cấp lên thành Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam thì lực lượng làm báo cho đảng, nhà nước cộng sản Việt nam có hùng hậu, phương tiện báo nói, nghe, nhìn có đa dạng, phong phú hơn nhưng cung cách làm báo theo cách ông Quốc rèn luyện, chỉ dạy cũng không có gì... thay đổi:
“...người làm báo phải có lập trường chính trị vững vàng, chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì việc khác mới đúng được. Muốn vậy, người làm báo cách mạng luôn không ngừng phải học tập, rèn luyện bản lĩnh chính trị, tác phong đạo đức nghề nghiệp để đáp ứng tốt nhiệm vụ mà Đảng và Chính phủ giao phó...”(3) vẫn không có bước đột phá nào để gọi là mới, là báo chí cách mạng.
Báo chí được gọi là cách mạng của đảng nhà nước cộng sản Việt Nam qua thời gian dài tồn tại, phát triển thật ra không có cách mạng chi cả, nó vẫn hoạt động báo chí theo bài bản của ông Quốc, nghĩa là vẫn tuyên truyền thêu dệt cái tốt, cái thành tích ảo không có thật và bản chất vẫn hung hăng như các tên Hồng vệ binh của Mao, là viết “vung xích chó” giàn hàng hàng lớp lớp mác lê kề vào cổ kết án, kích động, vu khống dựng lên kẻ thù tưởng tượng để trấn áp, dập tắt những tiếng nói khác với cương lĩnh của đảng, khác với chủ trương, đường lối của nhà nước.
Báo Chí của đảng, nhà nước cộng sản Việt Nam tuy được ưu ái nâng cấp thành báo chí cách mạng nhưng vẫn làm công tác báo chí, viết lách theo kiểu cách như ông Hồ Chí Minh viết bài Địa Chủ Ác Ghê nhằm mục đích vu khống, bịa đặt tiêu diệt kẻ thù giai cấp, vô bằng vô chứng kết án bà Cát Hanh Long, Nguyễn Thị Năm - người đã đóng góp tích cực cho kháng chiến, là ân nhân của tầng lớp lãnh đạo đảng cộng sản đến nhờ vả, ăn dầm nằm dề trong trang trại của bà như Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Lê Đức Thọ, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh, Hoàng Hữu Nhân, Hoàng Tùng, Lê Thanh Nghị... Bài viết kết án, luận tội bà Cát Hanh Long có đoạn luận tội manh tính chất quy chụp vô lý, vô bằng vô chứng, độc ác như sau:
“Mụ địa chủ Cát-hanh-Long cùng hai đứa con và mấy tên lâu la...
...Tra tấn đánh đập hằng chục nông dân, nay còn tàn tật... Làm chết 32 gia đình gồm có 200 người đã chết hết, không còn một người... Chúng đã hãm chết hơn 30 nông dân... chúng đưa 20 trẻ em mồ côi về nuôi. Chúng bắt các em ở dưới hầm, cho ăn đói mặc rách, bắt làm quá sức lại đánh đập không ngớt. Chỉ mấy tháng, 15 em đã bỏ mạng...
...Trong cuộc phát động quần chúng, đồng bào địa phương đã đưa đủ chứng cớ rõ ràng ra tố cáo. Mẹ con Cát-hanh-Long không thể chối cãi, đã thú nhận thật cả những tội ác hại nước hại dân...
Viết không hết tội, dù chẻ hết tre rừng.
Rửa không sạch ác, dù tát cạn nước bể!”(4)
Chỉ cần đọc nhập đề thấy dòng chữ “Mụ địa chủ Cát Hanh Long...” là đã nhận ra thành kiến của người viết với đối tượng bị mổ xẻ cùng với các dòng chữ nối tiếp, xếp hàng nhảy múa xung phong như những nhát dao đâm thẳng xoáy sâu vào thân xác nạn nhân Cát Hanh Long và tác giả bài tố cáo tội ác “Địa Chủ Ác Ghê” cũng không cho bà biện hộ, đính chính những điều vô lý như đoạn tố cáo mẹ con bà “...hãm chết 30 nông dân...” rất vô lý vì bà dâm dục hơn “bác” nữa à... hãm đến độ gây ra chết người? Nếu như hai con bà Cát Hanh Long hãm chết người như tác giả C.B, tức là của bác Hồ lên án thì C.B đã gián tiếp lên án tội ác của bác đảng, vì hai con bà Cát Hanh Long là Nguyễn Hanh và Nguyễn Cát đều theo cách mạng. Nguyễn Hanh từng tháp tùng đoàn đại biểu chính phủ do các ông Nguyễn Lương Bằng, Trần Huy Liệu... vào Huế nhận ấn kiếm thoái vị của vua Bảo Đại. Nguyễn Cát là Trung đoàn trưởng của Sư đoàn 308...
Đọc đến hết bài kết án, luận tội C.B thấy dòng chữ ngọng nghịu, mang âm hưởng Tàu “...Mẹ con Cát Hanh Long không thể chối cãi, đã thú nhận “thật” cả những tội ác hại nước hại dân... Viết không hết tội, dù chẻ hết tre rừng... Rửa không sạch ác, dù tát cạn nước bể!” mới thấy rõ là báo chí cộng sản tự xưng là báo chí cách mạng, tính từ thời ông Quốc tự Hồ Chí Minh đến thời nay văn ngôn có tiến bộ trong sáng hơn người Tàu viết tiếng việt nhưng nội dung cũng không có gì thay đổi để gọi là cách mạng, vẫn là văn phong kiểu giàn giáo C.B “...Những kẻ chống phá... thành khẩn khai báo... cúi đầu nhận tội... xin được hưởng lượng khoan hồng của đảng, nhà nước...”
23/06/2015
_________________________________________
Chú thích:
1) https://vi.wikipedia.org/wiki/Ng%C3%A0y_B%C3%A1o_ch%C3%AD_c%C3%A1ch_m%E1%BA%A1ng_Vi%E1%BB%87t_Nam
No comments:
Post a Comment