Sáng 13/5 Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cùng với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội thảo ‘Góp ý cho Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật doanh nghiệp và hoàn thiện pháp luật về đầu tư kinh doanh’.
Một câu hỏi được đặt ra trong suốt buổi hội thảo là làm thế nào để doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh?
Cùng một vấn đề
Cũng hôm 13/5 báo Tuổi trẻ đưa tin Đảng ủy khối doanh nghiệp trung ương đã công bố cuộc vận động ‘Hiến kế đổi mới cơ chế, chính sách tạo động lực phát triển doanh nghiệp và kinh tế đất nước’.
Mục đích cuộc vận động là nhằm phát huy trí tuệ, sức sáng tạo của cán bộ, người lao động trong xã hội, góp ý tưởng đột phá, tạo động lực phát triển doanh nghiệp và kinh tế đất nước.
Hai sự kiện này tuy khác nhau nhưng có chung một vấn đề là tìm giải pháp giúp thúc đẩy doanh nghiệp phát triển.
Nếu ví doanh nghiệp như một cái cây thì môi trường pháp lý doanh nghiệp chính là khoảnh đất nơi gieo trồng. Cái cây chỉ phát triển lớn mạnh khi chất đất màu mỡ nhiều dinh dưỡng.
Câu hỏi đặt ra là lâu nay hệ thống các quy định pháp lý liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp đã thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động chưa?
Đây là vấn đề đã được quan tâm từ lâu và thực tế nhiều chướng ngại pháp lý đã được tháo gỡ, nhiều quy định pháp luật tiến bộ đã được áp dụng tạo môi trường thông thoáng cho doanh nghiệp đầu tư kinh doanh.
Nhưng có một vấn đề mặc dù cũng đã được chỉ ra từ lâu song lại không được đánh giá đúng mức tính nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến hoạt động bình thường của doanh nghiệp, làm mất đi sự lành mạnh của môi trường đầu tư kinh doanh.
Vấn đề được chỉ ra dưới đây giống như vi chất dinh dưỡng còn thiếu khiến cho cái cây doanh nghiệp phát triển méo mó ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng lớn mạnh.
Vòng lao lý
Có một sự thật là doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam lâu nay rất khó thoát ra khỏi một vướng mắc pháp lý.
Đầu tiên phải kể đến là thủ tục phá sản doanh nghiệp. Mấy năm qua đã có hàng trăm nghìn doanh nghiệp đóng cửa dừng hoạt động nhưng thử hỏi có bao nhiêu doanh nghiệp làm thủ tục phá sản?
Một bài báo trên báo Tuổi trẻ có tiêu đề ‘Rất ít doanh nghiệp yêu cầu tuyên bố phá sản’ cho biết:
"Có một sự thật là doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam lâu nay rất khó thoát ra khỏi một vướng mắc pháp lý"
"Ngày 13-9-2013, Tòa án nhân dân tối cao trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật phá sản sửa đổi. Một trong những điểm đáng ngạc nhiên là sau chín năm thi hành luật (từ năm 2004 đến 2013), có hàng trăm ngàn doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể nhưng mới chỉ có 83 doanh nghiệp được tòa án tuyên bố cho phá sản."
Cụ thể hơn bài báo cho biết: Riêng trong năm 2012 số doanh nghiệp dừng hoạt động và giải thể là 54.261 (có 44.906 doanh nghiệp dừng và 9.355 giải thể) nhưng trong chín năm thi hành Luật phá sản tòa án thụ lý tổng số 336 đơn yêu cầu tuyên bố phá sản.
Đã ra quyết định mở thủ tục phá sản 236 trường hợp, trong đó tòa quyết định tuyên bố phá sản 83 trường hợp, còn 153 vụ việc chưa ra quyết định tuyên bố phá sản. Con số này được cho là bất thường so với thông lệ quốc tế.
Như thế có thể thấy số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục phá sản rất ít ỏi so với tổng số doanh nghiệp đóng cửa dừng hoạt động.
Phá sản để giải thoát
Trong khi thủ tục phá sản thực ra là chế định pháp lý tiến bộ giúp giải thoát trách nhiệm cho các doanh nhân khỏi các vướng mắc pháp lý, làm sạch bản thân khỏi các khoản nợ để có một khởi đầu mới.
Nhưng lâu nay ở Việt Nam mọi người nhìn sai về tình trạng phá sản cho đó có dấu hiệu tội phạm. Trong khi sự phá sản bản chất là mất khả năng trả nợ khi đến hạn và nghĩa vụ trả nợ đơn thuần chỉ là quan hệ pháp luật dân sự.
Trong quan hệ pháp luật dân sự thì khi hết tài sản không còn gì nữa thì con nợ cũng được giải thoát trách nhiệm, chứ không lẽ bắt họ làm nô lệ?
Chúng ta thấy là có rất nhiều bản án tuyên người này phải trả tiền cho người kia nhưng do không có tiền để trả thì cũng thôi chứ cơ quan thi hành án có bắt bỏ tù được ai đâu?
Cho nên thủ tục phá sản là nhằm giải thoát cho những người không còn khả năng trả nợ, bạch hóa và chấm dứt các mối quan hệ tài sản, chấm dứt các quyền và nghĩa vụ pháp lý cho các bên liên quan.
Hình sự hóa các vụ án kinh tế không phải là điếu hiếm hoi tại Việt Nam
Lâu nay mọi người cũng sai khi cho rằng ai bị phá sản là kém, sẽ bị mất uy tín danh dự. Mọi người không hiểu rằng hoạt động đầu tư kinh doanh vốn dĩ mang trong nó bản chất của sự rủi ro.
Không có gì đảm bảo được khi kinh doanh đều phải thành công sinh lời. Người thất bại trong kinh doanh là do tính toán không hết các yếu tố của thị trường vốn dĩ rất nhiều.
Nhưng cho dù thất bại thì họ cũng là người dũng cảm khi mạo hiểm sử dụng đồng vốn của mình. Khát vọng sinh lời xét tổng thể thì nó có ích lợi cho xã hội hơn là không làm gì cả.
Cho nên phá sản không có gì là xấu.
Ngược lại khi một doanh nghiệp bị thiệt hại do một doanh nghiệp khác phá sản cũng phải chấp nhận vì đó là quy luật công bằng của thị trường.
Doanh nghiệp bị thiệt hại cũng phải chịu sự rủi ro từ chính hoạt động đầu tư kinh doanh của mình vì đã đánh giá không đúng về năng lực của đối tác và diễn biến của thị trường.
Nếu nhận thức như vậy từ cả hai phía thì sẽ thấy chỉ có lợi khi một doanh nghiệp hoàn tất việc phá sản.
Được giải thoát khỏi những dây nhợ trói buộc người ta sẽ có sinh khí để có một khởi đầu mới.
Nan đề tòa án
Tòa án Việt Nam thay vì là một giải pháp tháo gỡ thì ngược lại nó lại là nỗi tai ương mà doanh nghiệp không muốn dính vào.
Thủ tục tư pháp thay vì là một phương thức bênh vực quyền lợi thì lại là mối rắc rối khiến doanh nghiệp hoảng sợ.
Người ta đã nói đến nhiều về tình trạng thời gian giải quyết án kéo dài, tình trạng làm tiền vòi vĩnh của các cán bộ tư pháp, và sự yếu kém ở khâu thi hành án.
Tháng 2/2014 Thời báo kinh tế Việt Nam Vneconomy có bài: ‘Thu hồi nợ: Vì sao xã hội đen ăn đứt thi hành án?’
Bài báo cho biết Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã khảo sát cho kết quả khiến nhiều người giật mình.
Đó là tỷ lệ thành công khi thuê xã hội đen thu hồi nợ cao đến 90% và thời gian chỉ từ 15 đến 30 ngày, trong khi đó nếu sử dụng phương án khởi kiện tại tòa và cơ quan thi hành án thì hiệu quả thu hồi chỉ khoảng 50% và thời gian kéo dài tới... 400 ngày.
Ngoài ra khi khởi kiện tại tòa án chủ nợ phải bỏ ra khoản chi phí bằng 20 - 30% khoản nợ và chưa kể tiền lót tay và các khoản chi phí không chính thức khác.
Những số liệu trên chỉ mang tính tham khảo nhưng đã cho thấy hệ thống tòa án không phải là nơi để doanh nghiệp và doanh nhân cậy nhờ khi có vướng mắc pháp lý.
Giải pháp cho doanh nghiệp
Những vướng mắc pháp lý là những mối dây nhằng nhợ rối mù trói buộc doanh nghiệp và doanh nhân.
Chính nó là nguyên nhân ngáng trở sự phát triển lành mạnh của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp và doanh nhân không thể hoạt động và phát triển lành mạnh khi các mối quan hệ pháp lý về tài sản, các quyền và nghĩa vụ dân sự không được giải quyết dứt điểm mà cứ bị đeo nặng bên mình.
Khi hệ thống quy định pháp lý chưa thông suốt khiến cho dòng chảy các mối quan hệ quyền và nghĩa vụ bị ách tắc.
Cũng có nghĩa là tài sản của doanh nghiệp và doanh nhân khi đưa ra lưu thông đã ở vào tình trạng bấp bênh không có khả năng được bảo vệ.
Khi mất niềm tin thì thị trường co cụm lại. Và đó là nguyên nhân khiến doanh nghiệp không thể lớn mạnh.
Người ta đã nói nhiều về một nền kinh tế thị trường phải được tương hợp với một hệ thống pháp luật bảo vệ tài sản.
Và vấn đề của doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam hiện nay là sớm được thoát ra khỏi các mối vướng mắc về pháp lý, đó chính là cách bảo vệ tài sản cho họ.
Nay để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, thay vì kỳ vọng đến sức sáng tạo hay ý tưởng đột phá thì ngược lại nên nhìn vào những vấn đề cũ đã được chỉ ra.
Từ đó đánh giá đúng mức tính nghiêm trọng của nó và dành nguồn lực thích đáng để giải quyết cho dứt điểm.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng và cách hành văn của tác giả, một luật sư ở Hà Nội.
No comments:
Post a Comment