Những tai nạn từ trên trời rơi xuống như vụ sập cần cẩu, rơi thanh sắt... xảy ra liên tục từ đầu tháng 5 đến nay khiến người dân bất an mỗi khi ra đường. Vì đâu nên nỗi?
Chưa bao giờ công tác an toàn lao động (ATLĐ) trong thi công xây dựng lại đáng báo động như hiện nay. Sau tai nạn giao thông là tai nạn do thi công xây dựng, tăng về cả số lượng lẫn tính chất phức tạp.
Gì cũng có, tai nạn vẫn cứ xảy ra
Ngày 5-5, vụ sập cần cẩu trên công trình thi công cầu Hồng Ngự 2 (Đồng Tháp) làm chết 3 mẹ con. Dư luận còn chưa hết bàng hoàng, ngày 10-5, thanh sắt dài 10 m tuột cáp cẩu rơi ở tuyến đường sắt ga Hà Nội - Nhổn vào thời điểm có nhiều phương tiện lưu thông trên đường. Sáng 12-5, một thanh sắt từ công trình trên cao của dự án đường sắt đô thị Hà Nội rơi xuống trúng một ô tô 4 chỗ. Chưa đầy 12 giờ sau, một chiếc cần cẩu trong công trường thi công tuyến đường sắt ga Hà Nội - Nhổn lại bất ngờ đổ xuống 2 nhà dân bên đường.
Hiện trường vụ cần cẩu dự án đường sắt trên cao đổ sập ra đường, đè lên nhà người dân chiều 12-5 Ảnh: NGUYỄN HƯỞNG
Trước đó, cũng có nhiều tai nạn tương tự, thậm chí chết người ở khắp các công trình xây dựng trên cả nước và ở cả dự án đường sắt trên cao Hà Nội. Sau các tai nạn, các cơ quan chức năng tổ chức họp giải quyết, xử lý, kiểm điểm, quy trách nhiệm; cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục có công văn cảnh báo, nhắc nhở về ATLĐ… Tất cả đều làm đúng trình tự, thủ tục nhưng tần suất xảy ra tai nạn lại nhiều hơn, thậm chí trên cùng một địa bàn, một công trình và cùng cả nguyên nhân. Người dân không còn yên tâm khi đi trên những con đường có công trình đang thi công bởi trước đây chỉ thấy hiểm họa lơ lửng trên đầu, còn bây giờ đã có nhiều cái chết thực sự từ trên trời rơi xuống.
Vấn đề ATLĐ trong xây dựng đã được nhà nước quan tâm nhiều. Tham mưu cho Chính phủ có Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), Bộ Xây dựng, các bộ quản lý xây dựng chuyên ngành. Về quy chuẩn - tiêu chuẩn, Việt Nam đã có QCVN 18-2014, hàng chục quy chuẩn và hàng trăm tiêu chuẩn kỹ thuật về ATLĐ. Tất cả các luật về lao động, đầu tư xây dựng cũng có nội dung về quản lý an toàn bảo hộ lao động. Trên thực tế, công trường nào cũng có cán bộ chuyên trách an toàn, kỹ sư nào đứng công trường đều phải có đủ chứng chỉ, cả thợ lái cũng phải có bằng cấp đào tạo, xe máy nào cũng đủ giấy kiểm định về an toàn, hạng mục thi công nào cũng phải có biện pháp an toàn được duyệt… Rồi đủ cơ quan nhà nước thanh tra, kiểm tra về an toàn nhưng cần cẩu vẫn sập, sắt thép vẫn rơi, người đi đường vẫn cứ phải sợ chết và các cơ quan cấp trên có trách nhiệm quản lý vẫn tiếp tục la lối hoặc ban hành các văn bản “có cánh”. Phải chăng thuốc đã lờn hay chưa đủ liều lượng?
Do con người, đừng đổ thừa khách quan
Nguyên nhân đầu tiên dễ thấy là đã có quy chuẩn về ATLĐ trong xây dựng nhưng chẳng mấy ai thực hiện, từ chủ đầu tư đến đơn vị thi công, đơn vị thanh tra, kiểm tra; từ công trình trung ương đến công trình địa phương. Chẳng hạn, giới hạn vùng nguy hiểm, từ chu vi xây dựng công trình ra ít nhất 5 m, từ vị trí cẩu vận chuyển (tải bị rơi) ra ít nhất 7 m, đều không được thực hiện. Ở các nước trên thế giới, đề phòng rủi ro vật rơi từ trên cao hoặc cần cẩu bị gãy sập, khoảng cách an toàn này được kiểm soát rất kỹ.
Nguyên nhân thứ hai là việc xử lý khi xảy ra tai nạn lao động không đến nơi đến chốn, không phân tích kỹ nguyên nhân, chỉ mô tả hiện tượng. Đặc biệt, không xử lý nghiêm trách nhiệm cá nhân, đơn vị trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra tai nạn do thiếu ATLĐ. Lẽ ra phải hình sự hóa các tai nạn nghiêm trọng chết người hoặc xảy ra ở các dự án quan trọng, nhóm A, các công trình cấp đặc biệt, cấp 1. Sau mỗi tai nạn về ATLĐ trong xây dựng, Bộ Xây dựng cần có thông báo công khai về nguyên nhân, kết quả xử lý trên mạng thông tin điện tử của bộ.
Nguyên nhân thứ ba là sự phân công chưa rõ ràng, khoa học trong quản lý nhà nước về ATLĐ trong xây dựng giữa các bộ. Nên giao Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm quản lý thống nhất về an toàn trong thi công xây dựng, Bộ LĐ-TB-XH chỉ quản lý về lao động và thanh tra, kiểm tra công tác sức khỏe bảo hộ lao động là chính. Bài học về xử lý chậm vụ sụp giàn giáo Vũng Áng - Hà Tĩnh có phần do nguyên nhân này.
Ngoài ra, còn nhiều nguyên nhân khác như năng lực, phẩm chất của chủ đầu tư, trách nhiệm từng vị trí và chức danh trên công trường… Có điều, nói gì thì nói, phải nhận thức được rủi ro và hậu quả khá cao từ những tai nạn đến từ an toàn trong xây dựng, phải dấy lên lương tâm và trách nhiệm của những người quản lý.
Nhà thầu, BQL dự án phải bị xử lý
Bức xúc về những tai nạn liên quan đến an toàn lao động xảy ra trong thời gian qua, luật sư Lê Nguyễn Quỳnh Thi (Đoàn Luật sư TP HCM) cho rằng ngoài những cá nhân, tổ chức quản lý lao động công trình chịu trách nhiệm, cơ quan chức năng cần rà soát năng lực của nhà thầu thi công, nhà thầu giám sát thi công cũng như ban quản lý (BQL) dự án xem có bảo đảm được thi công công trình lớn trong điều kiện nghiêm ngặt hiện nay tại các đô thị hay không. Bởi vì, với điều kiện chật chội, hạn hẹp, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân, bắt buộc các biện pháp an toàn phải khác biệt và có yêu cầu cao so với những điều kiện bình thường. Những vụ việc vừa qua cũng cần xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các nhà thầu, BQL dự án. V.Thư
TS Phạm Sanh
No comments:
Post a Comment