WASHINGTON (NV) .- Một số chiến hạm Trung Quốc bám theo tàu tuần tiễu của Hoa Kỳ khi đang đi vòng quanh khu vực quần đảo Trường Sa, nơi Trung Quốc đang gấp rút xây dựng 7 đảo nhân tạo.
Tàu tác chiến cận duyên USS Fort Worth tuần tiễn khu vực Trường Sa bị tàu chiến Trung Quốc đeo bám phía sau. (Hình: US Navy photo/Conor Minto)
Tờ báo của Hải Quân Hoa Kỳ hôm Thứ Tư vừa qua loan tin chiến hạm USS Fort Worth đã tới vịnh Subic Bay của Philippines để nhận tiếp liệu sau chuyến đi tuần tiễu 7 ngày trên biển Đông quanh khu vực quần đảo Trường Sa. Sau đó, tàu này sẽ quay về Singapore tham dự cuộc triển lãm quốc tế về trang bị quốc phòng tại đây.
USS Fort Worth là tàu tác chiến cận duyên (Littoral Combat Ship thường được gọi tắt là LCS) có căn cứ tại Singapore từng đi lòng vòng trên Biển Đông nhưng đây là lần đầu tiên nó tới sát khu vực Trường Sa, nơi được coi là điểm nóng ngày một gia tăng vì sự tranh chấp chủ quyền, theo báo Hải quân Mỹ.
Theo bản tin này, trong khi di chuyển trong vùng biển và không phận quốc tế gần khu vực Trường Sa mà Trung Quốc đang bồi đắp làm 7 đảo nhân tạo, chiến hạm Fort Worth đã cho máy bay trinh sát không người lái MQ-8B Fire Scout và trực thăng MH-60R Seahawk bay đi tuần thám.
“Chiến hạm USS Fort Worth đã gặp một số chiến hạm Trung Quốc và đều dùng các ký hiệu đối đáp về gặp bất ngờ trên biển CUES (Codes for Unplanned Encounters at Sea)” để tránh hiểu lầm, bản tin của Hải Quân Hoa Kỳ tường thuật.
Theo bản tin, một trong những chiến hạm Trung Quốc bám theo tàu USS Fort Worth là khu trục hạm Yancheng (Diêm Thành) thuộc lớp Jiangkail (Giang Khải) 54A trang bị hỏa tiễn điều khiển.
“Là một phần trong chiến lược tái cân bằng lực lượng sang Á Châu khi mang những chiến hạm có năng lực nhất đến khu vực Ấn Độ Dương - Á Châu – Thái Bình Dương, chiến hạm LCS từ nay hiện diện thường xuyên tại Đông Nam Á”. Đại tá hải quân hạm trưởng Fred Kacher phát biểu trên báo Hải Quân điện tử.
Ông nói “Những hoạt động nhưng chiến hạm Fort Worth vừa hoàn tất trên Biển Đông sẽ trở nên thường xuyên ở khu vực khi chúng ta sẽ có 4 tàu LCS được điều động tới đây trong những năm tới. Việc điều động nhiều tàu LCS đến Đông Nam Á nhấn mạnh sự quan trọng của khu vực đang ngày một gia tăng và giá trị mà sự hiện diện thường trực đem lại”.
Trên tạp chí thời sự chính trị National Interest, phó đô đốc Robert Thomas, tư lệnh Hạm đội 7 xác nhận có chuyện tàu chiến cận duyên USS Fort Worth tuần tiễu khu vực Trường Sa và bị chiến hạm Trung Quốc đeo theo canh chừng. Tuy nhiên, ông cho rằng chuyện các chiến hạm thuộc các lực lượng hải quân khác nhau gặp nhau trên biển là chuyện bình thường chứ không phải là “biến cố tiêu biểu”.
Chuyến tuần tiễu của USS Fort Worth tại khu vực Trường Sa diễn ra vào lúc báo WALL STREET Journal tiết lộ Bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ Ash Carter yêu cầu các cơ quan nghiên cứu các kế hoạch để gửi thêm chiến hạm, máy bay tuần tiễu đến khu vực đang tranh chấp trên biển Đông. Nguồn tin còn nói rằng các chiến hạm và máy bay Hoa Kỳ có thể tới bên trong phạm vi 12 hải lý của các nơi Trung Quốc đang xây dựng 7 đảo nhân tạo mà trong số đó, có thể có các phi trường cỡ lớn cùng với cảng biển.
Từ mấy tháng qua, tin tức liên quan đến các hoạt động Trung Quốc nạo hút cát đá lòng biển bồi đằp 7 bãi đá ngầm thành 7 đảo nhân tạo cỡ lớn ở quần đảo Trường Sa, gây quan ngại khắp nơi, không riêng gì hai nước Việt Nam và Philippines.
Không ảnh đưa ra chỉ cách nhau vài tháng cho thấy chúng từ những bãi đá ngầm dưới mặt nước đã trở thành những hòn đảo nhân tạo và các cơ sở, dinh thự, gồm cả phi trường đang được hối hả xây dựng. Từ diện tích khoảng 500 mẫu năm ngoái, nay chúng có tổng cộng diện tích lên đến 2,000 mẫu hay 800 hecta.
Theo WSJ viết tường thuật “Máy bay Hoa Kỳ đã bay sát các đảo nhân tạo đang được xây dựng, lập tức viên chức quân sự Trung Quốc đã gọi qua hệ thống truyền tin thông báo cho phi cơ Hoa Kỳ là đang tới gần vùng không phận chủ quyền của Trung Quốc. Đáp lại, phi công Hoa Kỳ nói họ đang bay trên không phận quốc tế”. (TN)
05-14-2015 4:25:14 PM
No comments:
Post a Comment