Wednesday, May 27, 2015

Nghệ An: Chính quyền chuyển đất của dân thành đất công ích

Mảnh đất khai hoang đã 35 năm của bà Nguyễn Thị Lan (xóm 18A, xã Nghi Liên, TP.Vinh, Nghệ An) xảy ra sự cố, gia đình mới tá hỏa khi biết UBND xã đã âm thầm chuyển thành đất “công ích” tự bao giờ.

Đất gia đình khai hoang, địa phương cho là đất công ích. Ảnh: Q.Đ - V.H

Doanh nghiệp tự ý thi công trên đất dân

Theo đơn gửi báo Lao Động, năm 1980, gia đình bà Nguyễn Thị Lan về sinh sống tại xóm 18A, xã Nghi Liên và đã khai hoang mảnh đất khoảng 600m2, sử dụng trồng rau màu đến nay. Tháng 2.2015, một số công nhân tự ý đào hố trồng cột điện và kéo dây trên mảnh đất mà không trao đổi gì với gia đình, nên bà Lan yêu cầu đình chỉ. Đến ngày 22.4, bà Lan nhận được giấy mời lên làm việc với UBND xã Nghi Liên. Tại đây bà mới biết có dự án làm đường điện của Cty xăng dầu hàng không Vinh. Đại diện đơn vị thi công đề nghị hỗ trợ 5 triệu đồng để được dựng cột, kéo đường dây điện qua phần đất của bà, nhưng bà Lan không đồng ý. Ngày 5.5, tại buổi làm việc thứ hai, phía thi công chấp nhận đền bù, hỗ trợ 10 triệu đồng. Bà Lan đề xuất nguyện vọng không muốn đường dây điện đi qua phần đất của mình, thì ông Lê Văn Phượng - Chủ tịch UBND xã dọa sẽ “có biện pháp giải quyết”, mà theo bà Lan là cưỡng chế. Bà Lan bức xúc vì chính quyền xã làm sai quy trình lại còn dọa dân.

Ngày 7.5, làm việc với PV Lao Động, ông Nguyễn Văn Cảnh - Phó Chủ tịch UBND xã Nghi Liên - công nhận các nội dung trình bày của bà Lan là đúng. Phần đất nói trên là đất bà Lan khai hoang để trồng màu và hiện nay vẫn tiếp tục sản xuất. Tuy nhiên, ông Cảnh cho rằng mảnh đất đó thuộc diện “không được cấp sổ đỏ” và hiện trên bản đồ đo đạc không thể hiện bà Lan là chủ sử dụng đất, cũng như bà Lan “không có giấy tờ chứng minh” đất đó là của mình. Ông Cảnh cho rằng diện tích đất của bà Lan là đất “do xã quản lý”, “đất công ích”. PV đề nghị cung cấp bằng chứng phần đất nói trên là đất công ích và lý do không được cấp sổ đỏ, mặc dù pháp luật đã quy định đối với trường hợp đất sử dụng từ trước 15.10.1993 (và nay là 1.7.2004) được xem xét cấp sổ đỏ, nhưng ông Nguyễn Văn Cảnh vẫn khăng khăng là mình đúng. “Đối với đất khai hoang là đất ở thì chúng tôi mới xem xét cấp sổ đỏ, còn đất nông nghiệp thì không” - ông Cảnh nói.

Đổ lỗi cho nhau

Lý do đơn vị thi công đào đất mà không trao đổi với gia đình, ông Cảnh cho rằng bản đồ không thể hiện là đất của bà Lan nên không quy chủ được, và do đơn vị thi công không biết, nên đơn vị này đã xin nhận khuyết điểm với gia đình. Ông Cảnh cho biết trước khi thi công, Cty xăng dầu hàng không, điện lực... đã có trao đổi với xã, và đây là công trình phục vụ công cộng. Tuy nhiên, ông Cảnh cho biết không có quyết định thu hồi đất, với lý do “đất do xã quản lý nên không cần ban hành quyết định thu hồi đất”. Ông Cảnh thừa nhận ông Lê Văn Phượng có nói với bà Lan là nếu gia đình không đồng ý thì địa phương sẽ cưỡng chế. “Nhưng để cưỡng chế được cũng phải qua nhiều thủ tục” - ông Cảnh nói - “Hiện nay, việc thi công trên phần đất bà Lan đang tạm dừng, sắp tới chúng tôi sẽ làm đúng quy trình, có thông báo với gia đình”.

Trao đổi qua điện thoại, ông Nam, người đại diện cho đơn vị thi công cho biết nguyên nhân của việc đào đất mà không thông báo với gia đình bởi vì “chúng tôi đã nhờ địa phương, nhưng địa phương xác nhận đó là đất vô chủ, đất an ninh quốc phòng”. Ông Nam cho biết sau khi có kiến nghị của bà Lan thì ông đã chấp nhận bồi thường, hỗ trợ “thoáng” cho gia đình. Ông Nam nói thêm: “Nếu gia đình không chấp nhận thì chúng tôi sẽ chuyển hướng đường dây. Khi đó sẽ phải thay đổi thiết kế”.

Tác giả bài viết: QUANG ĐẠI - VIỆT HÒA
Nguồn tin: Báo Lao Động

No comments:

Post a Comment