VietTuSaiGon— 05/26/2015 - 15:57
Trong một cuộc họp báo, ông Nguyễn Kim Khoa - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh Quốc hội CSVN cho rằng, Trung Quốc đưa ra quy định cấm đánh bắt cá ở biển Đông là hoàn toàn vô lý, không có giá trị với Việt Nam. Do vậy, ngư dân vẫn đánh bắt cá bình thường ở biển Đông.
“Ngư trường đó thuộc chủ quyền, lãnh thổ của Việt Nam. Do vậy, chúng ta phải tuyên truyền cho ngư dân được biết để họ tổ chức đánh bắt cá bình thường”, ông Nguyễn Kim Khoa - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh nói.
Theo ông Khoa, lực lượng chức năng ngoài nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát thì phải đảm bảo cho ngư dân hoạt động trên ngư trường thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh Quốc hội cũng phân tích rõ việc Mỹ có những phản ứng mạnh mẽ đối với hành động phi pháp của Trung Quốc - đơn phương cải tạo bãi đá, bãi cạn ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
“Việc Mỹ tăng tường lực lượng quân sự sau khi Trung Quốc cải tạo một số đảo ở Trường Sa của việt Nam là việc cạnh tranh của các nước lớn trên khu vực châu Á Thái Bình Dương. Việc góp phần ổn định trong khu vực là trách nhiệm chung của các nước”, ông Nguyễn Kim Khoa phân tích.
Theo Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh - nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng - đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương, trên biển Đông những khu vực thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam, ngư dân có quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên kể cả dưới nước lẫn mặt biển. Qua việc ngư dân đánh bắt cá trên biển đã góp phần bảo vệ chủ quyền của Việt Nam ở biển Đông.
Lời khẳng định chắc như đinh đóng cột của ông Khoa và ông Rinh làm tôi nhớ đến chuyện đi coi phim hồi nhỏ. Hồi đó, ở quê chưa có điện, hiếm lắm, cả xã mới có một vài nhà giàu có sắm cái tivi đen trắng, chạy ắc-qui để coi. Muốn đi coi thì thắp đèn dầu rủ nhau năm bảy đứa mà đi cho khỏi sợ ma, sợ rắn rết…
Thỉnh thoảng, đội chiếu phim thuộc trung tâm văn hóa huyện về sân hợp tác xã, bán vé chiếu phim võ hiệp Hồng Kông hoặc phim tình cảm Liên Xô, phim võ thuật Liên Xô. Chủ yếu là phim Liên Xô. Và thường thì những đêm như thế, sân hợp tác xã chật kín người bởi thanh niên, ông già, bà già, con nít từ xã khác kéo đến cộng với xã có sân hợp tác, có khi lên đến cả ngàn người đứng ngồi chen chúc lên màn ảnh rộng làm bằng vải sô trắng.
Thường thì mấy ông già hay nấp sau lưng mấy cô gái để coi, có lẽ do chiều cao hạn chế, cũng có lẽ do kinh nghiệm, đứng sau lưng mấy cô này nếu không thơm mùi nước hoa dỏm, xà bông thơm thì cũng thơm mùi bồ kết, khác với đám thanh niên loi choi đứng ngồi không yên hay đám các bà già nhiều khi tóc còn bốc mùi khói rạ, thậm chí mùi gàu lâu ngày không gội…
Tôi nhớ lần đó, tôi và thằng Nhân cùng xóm đi coi phim, không có tiền mua vé, hai thằng chui rào, bị vũ trang rượt, mỗi thằng chảy tản ra một hướng rồi chui vào đám đông, chạy lòng vòng, len lỏi vào bên trong, coi như an toàn. Mà phải phục thằng Nhân là con ma xó, cả một rừng người, nó len lỏi một hồi tìm ra tôi, nó nói: “Coi chi cái phim Liên Xô này chán bỏ mẹ, đi chọc ông Bảy Tài với tao!”. Tôi chưa hiểu gì thì nó nắm tay tôi dắt đi.
Vòng một hồi, gặp ông Bảy Tài đang đứng sau lưng mấy cô gái, nhướn người lên coi phim. Thằng bạn tôi không nói không rằng, rút ra hai cây gai bồ kết dài, đưa tôi một cây rồi ra hiệu làm theo nó. Tôi cũng chưa hiểu gì thì thấy ông Bảy Tài liên tục ễnh người về phía trước, coi như nguyên phần hạ bộ của ông chạm vào mông mấy chị đằng trước. Ban đầu, họ chỉ loay hoay tránh, sau đó họ chửi “đồ già dê!”. Ông Bảy Tài vẫn im lặng coi phim. Lúc này tôi cố nhìn xuống, xấy thằng bạn đang ngồi thụp phía sau ông Bảy Tài, còn ông thì mặc cái quần đùi lò xo.
Thằng này ngồi đợi lúc ông Bảy Tài nhướn người coi đoạn phim hấp dẫn thì dùng cái gai bồ kết đâm vào mông của ông, theo phản ứng tự nhiên, ông ễnh người về trước, đụng mấy bà chị... Đến lần thứ ba thì một thanh niên đứng bên cạnh mấy cô gái quay lại tát ông Bảy Tài một cái nghe “bốp”. Ông Bảy Tài choáng váng, chửi thề một hồi rồi hỏi đứa nào mới đánh ông. Ba cô gái đứng trước ông bỏ đi, nói vói lại: “Đồ già dê, hắn nói chi kệ hắn, lời nói gió bay mà!”.
Câu chuyện này tôi đã quên từ lâu, mãi cho đến lúc ông Khoa và ông Rinh phát biểu về vấn đề biển Đông và khuyên ngư dân cứ ra biển đánh bắt vì đây là ngư trường truyền thống của Việt Nam. Tự dưng, chuyện thằng Nhân đâm gai vào đít ông Bảy Tài lại hiện về. Ông giờ đã mất, thằng bạn cũng không còn sau một vụ thanh toán trong giang hồ. Nhưng cái hành vi đâm gai bồ kết vào mông ông Bảy già gần bằng ông nội của nó, tai thì nghễnh ngản làm tôi liên tưởng đến kiểu chọt kim của mấy ông quan Hà Nội mà thấy ớn lạnh.
Vì trong một nghĩa nào đó, biển Đông cũng giống như mấy cô gái đang tuổi xuân thì ngày ấy, luôn hấp dẫn và thơm tho. Ngư dân Việt Nam thì không hiểu gì về chính trị, hơn nữa họ ra biển là để kiếm cơm, cũng giống như ông Bảy Tài đi coi phim chứ không phải đi ve gái. Nhưng cái thằng mắc dịch bạn tôi, hắn cũng muốn chọc gái, cũng tới tuổi khám phá nhưng không biết cách, sợ người ta đánh nên mới mượn tay ông Bảy Tài, hậu quả thì miễn bàn rồi!
Trong chuyện này, ông Khoa và ông Rinh lại chơi trò giống thằng Nhân, dùng kim chích vào mông của ngư dân, khích tướng, nói dóc với họ để họ xông ra biển. Nhưng thử hỏi, có mấy người bị Trung Quốc đâm tàu, bắt nhốt, bị đánh đập thừa sống thiếu chết, mất sạch tài sản… Có ông Khoa hay ông Rinh nào lên tiếng, chia sẻ với họ không? Có nhà nước, chính phủ nào đứng ra giúp đỡ họ không? Hoàn toàn không! Nếu không muốn nói là tiếp tục lợi dụng họ bằng cách cho họ vay thêm tiền để đóng tàu lớn, rồi lại lao đầu ra biển vì cái đã mất, vì nợ nần…
Trong khi đó, trách nhiệm bảo vệ, gìn giữ lãnh hải không phải là của ngư dân, mà là của cảnh sát biển, bộ đôi biên phòng, hải quân và nói chung là của quân đội nhân dân Việt Nam. Bây giờ, ông Khoa và ông Rinh xúi dân xông ra đánh bắt, có khác nào thằng nhỏ nít ranh ngày xưa cầm kim chích vào mông ông già để ổng ểnh tới ểnh lui, để bị đám thanh niên xông vào đánh?! Không biết có nên coi lời nói của ông Khoa và ông Rinh là lời nói gió bay?! Và tại sao chuyên 5 hệ trong đến dân tộc, quốc gia mà các ông lại hành xử, nói năng nghe như trẻ con vậy?
VietTuSaiGon's blog
No comments:
Post a Comment