Wednesday, May 27, 2015

Nắng hạn, thiếu ăn ở miền núi Nghệ An

Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam
Theo RFA-2015-05-26  
Một ngôi nhà tạm gọi là khang trang của người ở miền núi Nghệ An
Một ngôi nhà tạm gọi là khang trang của người ở miền núi Nghệ An-RFA

Thành phố Vinh, Nghệ An được xếp vào diện thịnh vượng và sầm uất bậc nhất Việt Nam, là nơi có mặt của những tập đoàn khách sạn, dầu khí, lương thực, địa ốc thuộc hàng mạnh nhất Việt Nam. Nhưng cách Vinh không xa, những huyện miền núi Nghệ An buồn và đẹp đến nao lòng bởi đời sống còn mang dáng dấp nguyên thủy với những con người tưởng chừng mới bước ra từ thế giới cổ sơ. Họ không những lạc hậu mà còn nghèo đói.

Cái đói giáp hạt ám ảnh cuộc đời

Một người tên Hồng, hiện sống tại huyện Quì Châu, chia sẻ: “Thường thường hay hết lúa hết gạo, mùa tháng giêng, tháng hai, tháng ba mùa giáp hạt thì thiếu ăn, mọi ngày thì hay thiếu ăn, lúc này gạo cũ thì hết nhưng gạo mới chưa có, lúc này đói nên mong cứu trợ về..”

Theo ông Hồng, không riêng gì Kỳ Sơn rơi vào cảnh thiếu ăn vào mùa giáp hạt mà các huyện Con Cuôn, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Thanh Chương…, nói chung là các huyện miền núi ở đây đều gặp cảnh đói đến xanh da vào mùa giáp hạt. Nếu như trước đây, sự đói nghèo còn ít rõ nét bởi ai cũng khó khăn như nhau thì hiện tại, sự đói nghèo hiện hình rất rõ. Bởi những người có thế lực, những gia đình có người làm trong bộ máy chính quyền trở nên giàu có nhanh chóng, bù vào đó, những gia đình thuộc diện dân đen ngày càng khó khăn, vất vả.

Thường thì một năm, thời gian an toàn nhất về lương thực của mỗi gia đình ở các huyện miền núi kéo dài từ tháng Giêng đến tháng Tám âm lịch. Bởi đây là khoảng thời gian thời tiết tương đối thuận lợi để sản xuất. Nhưng nghiệt nỗi, với bà con nghèo ở các huyện miền núi, đây là thời gian đói. Cái đói có nhiều nguyên nhân, trong đó có hai nguyên nhân chính là Tết và mùa Đông.

Nghĩa là khoảng thời gian từ tháng Giêng đến tháng Tám, mọi người quần quật làm việc ngoài đồng để có hạt lúa dự trữ cho mùa Đông và Tết. Khi mùa Đông đến, cũng là mùa mà mọi người vừa lo tránh lũ, vừa lo chăm chuốt cái nhà, cánh cửa để phòng khi gió máy, bão bùng. Mùa này ngoài đồng cũng chẳng có gì để làm, đi rừng cũng không được bởi sợ lũ quét, sợ đất lở, sợ sốt rét rừng… Chính vì mọi việc đều co cụm trong nhà, không thể đi làm thêm bên ngoài để mua thức ăn nên lượng gạo, mắm dự trữ trong nhà tiêu hao rất nhanh.

Mùa Đông trôi qua, bà con nông dân lại ra đồng để vỡ đất, lên rừng kiếm củi, lên rẫy để gieo trồng, lượng lương thực dự trữ càng ngày càng vơi đi nhiều hơn bởi phải đợi đến tháng Ba, tháng Tư âm lịch mới đến mùa thu hoạch, mới có hạt lúa mới để mà lấp bụng. Và khi mùa Đông vừa trôi qua, cũng là mùa Tết đến. Nếu như trước đây, khi Tết đến, cùng là cảnh nghèo như nhau, người ta chỉ cần gói vài chiếc bánh chưng, in vài chục chiếc bánh bột nếp và cả xóm rủ nhau mổ thịt một con lợn để chia nhau ăn Tết. Việc chia thịt lợn không làm mọi người phải loay hoay xoay tiền trả ngay tại chỗ mà được ký sổ, đến mùa thu hoạch lúa qui ra ký để trả.

Cách làm này vừa đỡ gây khó khăn cho người dân lại vừa tạo ra không khí Tết vui vẻ, ấm áp, xóm làng có nhau, đảm bảo đủ lương thực đến mùa giáp hạt. Nhưng hiện tại, người ta không thể làm thế bởi có muốn làm cũng không được. Thời đại kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, nhìn chung bên ngoài xã hội là một mặt bằng kinh tế tuy không giàu có cho mấy nhưng mức độ chi tiêu luôn cao ngất và đồng tiền trượt giá liên tục.


Đường phố ở thành phố Vinh (RFA)

Giới quan chức giàu có ăn chơi xa xỉ, đẩy thị trường đến chỗ quay cuồng, vòng xoáy đồng tiền liên tục tăng tốc. Đây cũng là lúc mà kẻ giàu hay người nghèo gì rồi cũng cuốn theo vòng xoáy đồng tiền, quần quật làm lụng. Chính vì vậy, những tập tục, thói quen vừa mang hồn vía xưa cũ lại vừa đỡ gây tốn kém dần mất đi. Người ta không còn đủ thời gian và bình tĩnh để ngồi lại gói một chiếc bánh chưng Tết hay rủ nhau mổ lợn cho đỗ tốn kém. Trong một nghĩa nào đó, vì sĩ diện, người ta mua sắm vượt quá khả năng chi tiêu cho ngày Tết để khỏi xấu mặt. Và hậu quả của chuyện này là cứ đến mùa giáp hạt lại đói, lại ngửa tay nhận mấy ký gạo còm từ nhà nước.

Đói khổ là chuyện riêng, tham nhũng là công thức chung

Một người khác tên Hùng, sống ở Quì Châu, buồn bã chia sẻ với chúng tôi: “Đói khổ, nghèo nàn, năn cơm độn, không có khái niệm bữa ăn sáng đâu! Ngày mùa thì đi làm nông, hết mùa lại đi hái măng, xuống đồng bằng, thị xã để đi làm phụ hồ. Nói chung là trẻ em ở đây không có bữa ăn sáng đâu. Nghèo lắm!”.

Theo ông Hùng, mức thu nhập hiện tại của người dân miền núi Nghệ An rất thấp, cả ngày làm thuê cuốc mướn cũng chỉ được trả 120 ngàn đồng, cao nhất cũng chỉ 150 ngàn đồng. Tuy thu nhập thấp nhưng cũng không phải dễ kiếm ra chỗ để làm bởi ai cũng nghèo, cũng đi kiếm việc làm thuê như nhau.

Phần đông người trong độ tuổi lao động tìm ra Hà Nội, vào Sài Gòn để làm thuê, những người ở nhà toàn người già và trẻ con. Nhưng những người lao động chính trong nhà vào Nam, ra Bắc làm thuê cũng bữa được, bữa mất nên người ở nhà cũng tự cày xới để kiếm chén cơm. Và phần đông những người cày xới ở nhà đều rơi vào thiếu thốn, đói khổ, đôi khi phải chờ đến bàn tay cứu tế, cứu trợ.

Cũng theo ông Hùng, chuyện cứu tế, cứu trợ, nếu nhìn từ những gói quá của chính phủ hay của các nhà hảo tâm, các nhà tài trợ thì nó rất lớn, rất y nghĩa. Nhưng khi về đến tay người dân, nó chỉ còn bé tẹo bởi người ta đã chấm mút từ bên trên, từ khi gạo xuất kho.

Cái lối làm việc chung của các cơ quan nhà nước khi phân phát gạo cứu trợ, cứu tế thường là ghi tên người nhà cán bộ vào diện cứu trợ mặc dù họ không hề đói khổ. Mà số lượng nhà cán bộ thì lúc nào cũng đông đúc, họ cố gắng moi trí nhớ để ghi mặc dầu nhiều gia đình đói đang đứng trước mặt họ mà không phải bà con họ hàng thì họ vẫn quên mất.

Chính vì gói cứu trợ phải gánh quá nhiều miệng ăn nhà cán bộ nên nó trở nên nhỏ lẻ, chẳng đâu vào đâu. Đó là chưa nói đến chuyện trước khi chia, ông cán bộ, bà thư ký, chị bí thư đoàn cũng chấm mút gần hết trong đó, số chẵn các vị chia nhau, số lẻ các vị dành cho dân. Chính vì vậy mà con số 1.560 tấn gạo của chính phủ có nhân lên gấp mười lần thì dân đói vẫn cứ đói.

Bởi đói khổ, khó khăn, thiếu ăn thiếu mặc là chuyện riêng của mỗi cá nhân, mỗi gia đình, còn tham nhũng là công thức hoạt động chung của guồng máy nhà nước. Giờ biết làm sao?! Nói đến đây, ông Hùng lắc đầu.

Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.

http://www.rfa.org/vietnamese/reportfromvn/droug-foo-shorta-in-nghean-05262015175203.html/05272015-droug-foo-shorta-in-nghean.mp3

No comments:

Post a Comment