HẢI NINH 28/05/15 15:06
(GDVN) - Đã gần 20 ngày trôi qua nhưng Khách sạn Đỉnh Cao vẫn chưa hoạt động trở lại, hình ảnh Sa Pa thân thiện, mến khách đang bị hoen ố…
Khách du lịch bỗng trở thành “nạn nhân”
Dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 vừa qua, trên các trang web Agoda.com, booking.com, có khách sạn tại Sa Pa (Lào Cai) báo giá lên tới 46 triệu đồng/đêm/phòng khiến không ít người phải giật mình.
Ngay sau đó, Chủ tịch UBND huyện Sa Pa Trịnh Xuân Trường đã ký 8 quyết định xử phạt 8 khách sạn trên địa bàn đã đăng thông tin về giá phòng quá cao, gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh, thương hiệu du lịch Sa Pa.
Ngày 11/5/2015, nhiều du khách nước ngoài ngơ ngác trước màn "chào hỏi" của những người lạ mặt tại Khách sạn Đỉnh Cao (Sa Pa). Ảnh: Laodong |
Thông tin “xấu” trên chưa lắng xuống thì vào khoảng 11h ngày 11/5, 30 nhân viên khách sạn cùng toàn bộ 35 du khách Việt và người nước ngoài đang lưu trú tại Khách sạn Đỉnh Cao (Summit Sapa Hotel, thị trấn Sa Pa) đã bị khoảng 20 người đàn ông lạ mặt "ép" ra khỏi khách sạn.
Được biết, điều hành Khách sạn Đỉnh Cao là Công ty TNHH MTV Mai Anh. Năm 2008, Công ty Mai Anh thuê nhà đất của bà Trịnh Lan Phương trú tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội (chủ sử dụng thửa đất) để kinh doanh dịch vụ khách sạn.
Đến nay Công ty Mai Anh và Khách sạn Đỉnh Cao vẫn bị phong tỏa, ngừng hoạt động hoàn toàn. Ảnh: Hải Ninh |
Trong quá trình Công ty Mai Anh kinh doanh, người em trai ruột của bà Phương là ông Trịnh Hoài Nam nhiều lần có khiếu nại để đòi quyền lợi tại thửa đất và khách sạn. Đỉnh điểm của vụ tranh chấp là vào ngày 11/5, nhiều du khách ngoại quốc đã bị một số người lạ mặt "mời" ra khỏi khách sạn.
Sự việc trên, thêm một lần nữa làm xấu đi bộ mặt du lịch thân thiện của Sa Pa. Làm hoen ố hình ảnh, giảm đi tình cảm của du khách nước ngoài dành cho người dân Sa Pa.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, Công an thị trấn Sa Pa đã mời các bên liên qua đến làm việc. Trong Biên bản đề ngày 13/5/2015, Công an thị trấn Sa Pa ghi rõ: “Đề nghị những người không có trách nhiệm và quyền lợi ra khỏi khu vực khách sạn Đỉnh Cao (nơi xảy ra tranh chấp) để Công ty Mai Anh trở lại hoạt động bình thường”.
Tuy nhiên, suốt từ ngày 11/5 đến nay, khách sạn Đỉnh Cao bị phong tỏa toàn bộ, vì thế, công việc kinh doanh của Công ty Mai Anh bị đình trệ hoàn toàn.
Ngày 21/5/2015, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Trần Văn Trường, Trưởng Công an huyện Sa Pa cho biết: “Khi Công an huyện nhận được thông tin có nhóm người lạ mặt xuất hiện ở Khách sạn Đỉnh Cao, chúng tôi đã yêu cầu những người không có quyền lợi liên quan phải rút ngay và họ đã rút ngay ngày hôm sau.
Không có động thái gì ảnh hưởng đến an ninh trật tự. Hàng ngày anh em vẫn nắm tình hình, xác định không có vấn đề gì cả. Ông Nam “nằm” ở đấy là để đề nghị chính quyền giải quyết tranh chấp, chứ không có gì biểu hiện ra ngoài nên chúng tôi cũng không thể bắt được”.
Khôi phục quyền sử dụng đất cho người… chết
Trong đơn gửi Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, bà Trịnh Lan Phương cho biết: Đầu năm 2004, bà cùng ông Phạm Công Minh (nay đã chết), ở tổ 5C phường Pom Hám, thị xã Cam Đường (Lào Cai) cùng nhận chuyển nhượng chung một thửa đất diện tích 518m2 (hiện là nơi đang tranh chấp) tại thị trấn Sa Pa để cùng đầu tư xây dựng Khách sạn Đỉnh Cao.
Tòa án nhân dân huyện Sa Pa xác định, giao dịch chuyển nhượng giữa ông Nam và ông Minh không được UBND thị trấn vào sổ theo dõi và xác nhận. Ảnh: Hải Ninh |
Ngày 30/3/2005, Chủ tịch UBND huyện Sa Pa Hầu A Lềnh ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN QSDĐ) số AB494152 cho ông Phạm Công Minh và bà Trịnh Lan Phương.
Theo bà Phương, khi đang xây dựng được phần thô khách sạn, do kinh tế khó khăn, gia đình ông Minh bán lại toàn bộ tỷ lệ góp vốn (khoảng 30%) cho bà Phương. Như vậy, quyền sử dụng khu đất và tài sản trên đất lúc này thuộc toàn quyền bà Phương.
Ông Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND huyện Sa Pa cho biết, chưa cấp lại GCNQSDĐ cho bà Phương - ông Minh vì đang có khiếu nại từ ông Nam. Ảnh: Hải Ninh |
Khi ông Minh và bà Phương hoàn thiện thủ tục chuyển nhượng, đến ngày 26/9/2005, UBND huyện Sa Pa cấp lại GCNQSDĐ số AB494065 đối với thửa đất trên đứng tên một mình bà Trịnh Lan Phương.
Đến năm 2010, bà Phương làm thủ tục sang tên toàn bộ thửa đất cho con gái là bà Phạm Mai Anh. Ngày 08/12/2010, UBND huyện Sa Pa cấp GCNQSDĐ số BA 867658 đối với thửa đất trên đứng tên bà Phạm Mai Anh.
Thời gian gần đây, ông Nam có đơn khiếu nại, khởi kiện về việc cấp GCNQSDĐ đối với khu đất trên. Chứng cứ ông Nam đưa ra là tờ Giấy chuyển quyền sử dụng đất ghi nội dung ông Phạm Công Minh đồng ý chuyển phần quyền sử dụng thửa đất cho ông Nam.
Tài liệu này được ông Phạm Tiến Lập, Chủ tịch UBND thị trấn Sa Pa xác nhận. Tuy nhiên, tài liệu này có nhiều điểm mâu thuẫn và thiếu tính pháp lý.
Luật sư Nguyễn Văn Kiệm, Văn phòng Luật sư Phạm Sơn, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội phân tích: Thứ nhất, vào ngày 17/6/2013, Tòa án nhân dân huyện Sa Pa tiến hành lập Biên bản xác minh (nguyên đơn khởi kiện là ông Nam) ghi rõ: “Hồ sơ lưu trữ tại UBND thị trấn Sa Pa không thể hiện việc ông Phạm Công Minh và ông Trịnh Hoài Nam chuyển nhượng QSDĐ được UBND thị trấn Sa Pa vào sổ theo dõi và xác nhận”. Tức là việc chuyển nhượng này không có giá trị pháp lý, không được cơ quan chức năng thừa nhận.
Thứ 2, thời điểm 2005, chuyển quyền sử dụng đất phải được tiến hành thông qua thủ tục công chứng, việc Chủ tịch UBND thị trấn xác nhận là không đúng thẩm quyền, không có giá trị pháp lý.
Thứ 3, thời điểm 2005, chính ông Lập là người hoàn thiện thủ tục chuyển nhượng, sang tên QSDĐ thửa đất cho bà Phương thì không lý gì ông Lập lại ký tiếp giấy xác nhận sang tên thửa đất cho ông Nam.
Thứ 4, thửa đất đứng tên bà Phương nhưng bà lại không hề biết có sự việc "chuyển nhượng" trên diễn ra.
Ngày 20/2/2013, UBND tỉnh Lào Cai có Công văn số 76/UBND-NC với nội dung: Chỉ đạo UBND huyện Sa Pa thu hồi và hủy bỏ GCNQSDĐ số AB 494065 cấp cho bà Trịnh Lan Phương ngày 26/9/2005 và GCNQSDĐ số BA 867658 cấp cho bà Phạm Mai Anh ngày 08/12/2010 do cấp sai quy định.
Đồng thời, khôi phục lại GCNQSDĐ số AB494152 mang tên ông Minh – bà Phương để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan. Như vậy, mặc dù ông Minh đã chết nhưng UBND tỉnh Lào Cai vẫn yêu cầu khôi phục lại quyền sử dụng đất cho ông.
Ngày 23/1/2015, UBND huyện Sa Pa ban hành các quyết định hủy các GCNQSDĐ nói trên.
Trong lúc chờ cơ quan chức năng huyện Sa Pa giải quyết (chưa biết khi nào sẽ xong) thì Khách sạn Đỉnh Cao và Công ty Mai Anh bị ngừng hoạt động hoàn toàn, thiệt hại là không hề nhỏ. Ảnh: Hải Ninh |
Ngay sau đó, bà Phương đã hoàn thiện hồ sơ gửi UBND huyện Sa Pa (thông qua bộ phận 1 cửa) đề nghị cấp lại GCNQSDĐ theo chỉ đạo của UBND tỉnh nhưng đến nay UBND huyện vẫn chưa thực hiện và chưa có trả lời cho bà Phương.
Xác nhận sự việc này, ông Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND huyện Sa Pa cho biết đến thời điểm làm việc với phóng viên (21/5/2015), ông không nắm được thông tin bà Phương đã nộp hồ sơ làm thủ tục cấp GCNQSDĐ ở bộ phận 1 cửa của huyện. Sau đó, ông Trường xác nhận lại bộ phận 1 cửa và khẳng định, bà Phương đã nộp hồ sơ.
“Đến nay UBND huyện chưa cấp lại GCNQSDĐ theo chỉ đạo của tỉnh là do phía ông Nam có đơn khiếu nại, đồng thời PC45 Công an tỉnh cũng đang giải quyết vụ việc. Chúng tôi chờ kết luận từ PC45 để có hướng xử lý. Sau đây, chúng tôi sẽ có văn bản trả lời rõ cho bà Phương biết lý do vì sao chưa cấp”, ông Trường cho biết.
No comments:
Post a Comment