NHA TRANG 15-4 (NV) .- Tuy ngửa tay xin nhà cầm quyền trung ương cấp gạo cứu đói cho dân, nhà cầm quyền tỉnh Khánh Hòa lập dự án xây dựng khu hành chính “cho gần dân” và đã được chấp thuận.
Trụ sở UBND tỉnh Khánh Hoà nằm trên đường Trần Phú, con đường đẹp nhất Nha Trang. (hình: Đất Việt)
Điều nghịch lý dân đói cần cứu giúp gấp nhưng trong khi đó vẫn xây trụ sở hoành tráng cả ngàn tỉ đồng của tỉnh Khánh Hòa vừa được nhìn thấy qua một bản tin trên tờ Đất Việt hôm Thứ Tư 15/4/2015.
Theo tờ Đất Việt, nhà cầm quyền trung ương đã chấp thuận cấp chi tỉnh Khánh Hòa một ngàn tấn gạo để cấp phát cho dân một số địa phương đang điêu đứng vì nạn hạn hán trầm trọng bất ngờ, mùa màng thất bại vì không có nước.
Theo nguồn tin trên “Cùng với việc hỗ trợ gạo cứu đói, Khánh Hòa cũng được hỗ trợ 66 tỷ đồng kinh phí chống hạn và hỗ trợ người dân mua giống lúa.”
Theo tờ Đất việt, vào thời điểm này, tỉnh Khánh Hoà đang phải đối phó với tình hình khô hạn hết sức nghiêm trọng. Diện tích bị ảnh hưởng do hạn hán là gần 5,360ha. Diện tích lúa vụ Hè Thu 2015 không sản xuất được do không có nước tưới sẽ khoảng 13,648 ha/18,380 ha.
Để địa phương có nguồn nước ổn định phục vụ cấp nước đa mục tiêu, phù hợp với tình hình biến đổi khí hậu, hạn hán ngày một gay gắt cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhà cầm quyền trung ương “đã xem xét và cho ý kiến về việc bố trí kinh phí hơn 500 tỷ đồng đầu tư xây hồ chứa nước Hố Mây, hồ chứa nước Sông Cạn, Trạm bơm Ba Cẳng; đồng thời chỉ đạo các Bộ, ngành sớm bố trí 233 tỷ đồng triển khai xây dựng dự án Hồ chứa nước Tà Rục, huyện Cam Lâm”.
Trong khi dân chúng điêu đứng vì hạn hán, mất mùa dẫn đến thiếu đói, không thấy tin nào cho hay nhà cầm quyền tỉnh xuất ngân sách tỉnh ra giúp dân. Chỉ thấy tin tỉnh Khánh Hòa “đang xúc tiến những bước đầu tiên của việc xây dựng khu trung tâm hành chính mới tri giá hàng ngàn tỷ.”
Theo tin đã được công bố, dự án “Khu đô thị hành chính” của Khánh Hoà “có quy mô tổng diện tích 126 ha; bao gồm 2 phần: Phần diện tích khoảng 35 ha để đầu tư xây dựng Khu trung tâm hành chính mới cho 101 đơn vị với diện tích xây dựng khoảng 146,000 m2; phần còn lại khoảng 91 ha để đầu tư xây dựng đô thị, công viên, cây xanh, quảng trường. Tổng mức đầu tư dự án Khu đô thị hành chính dự kiến là 5,534 tỷ đồng, trong đó, tổng chi phí đầu tư cho khu trung tâm hành chính mới là 2,788 tỷ đồng.”
Hồi đầu Tháng Tư, đã có tin ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng “đồng ý về nguyên tắc áp dụng hình thức Hợp đồng Xây dựng-Chuyển giao (BT) để thực hiện dự án Khu trung tâm hành chính tỉnh Khánh Hòa.”
Theo đó, “dự án này sẽ không sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Khánh Hòa tiếp thu ý kiến các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường và Nội vụ, chịu trách nhiệm toàn diện làm rõ, quản lý chặt chẽ tài sản nhà nước sử dụng để hoàn vốn cho Hợp đồng BT, lựa chọn nhà đầu tư theo thẩm quyền và thực hiện theo quy định pháp luật”.
Phản ứng trước hành động của nhà cầm quyền tỉnh Khánh Hòa hoặc quyết định của ông thủ tướng, một số chuyên viên và đại biểu quốc hội của chế độ cho rằng hình thức hợp đồng “xây dựng – chuyển giao” mà không tốn ngân sách nhà nước chỉ là cách nói đẹp của chuyện đổi đất lấy nhà mà không qua đấu thầu công khai. Nói khác, đây là một trong những cách toa rập để tham nhũng.
Theo ông đại biểu quốc hội Nguyễn Hữu Đức được phỏng vấn trên tờ Đất Việt hồi Tháng 10-2014, hành động “đổi chác” như thế là “nhập nhèm lấy tài sản của nhà nước coi đó là của địa phương rồi chuyển cho tư nhân”.
Ông Nguyễn Hữu Đức còn dẫn một số luật lệ, chỉ thị chống tham nhũng lãng phi, chỉ thị về tiết kiệm, quản lý công để nói rằng “...như vậy là trong giai đoạn từ năm 2015 trở đi sẽ không còn những trụ sở hành chín hxa hoa, lãng phí nữa”.
Nhưng trên thực tế, người ta đã thấy mọc lên những “khu hành chính” hoành tráng như những lâu đài tân kỳ của những nước kinh tế phồn thịnh, dân giầu nước mạnh. Hiện một số tỉnh như Lai Châu, Bình Dương, Đà Nẵng đã có những khu vực hành chính vĩ đại như thế và các tỉnh khác đang có những dự án tương tư.
Không phải chỉ riêng Khánh Hòa là dân đói mà vẫn xây dinh thự công quyền hàng ngàn tỉ, tin tức cho hay những tỉnh khác cũng từng có dân đói rách cần phát gạo như Quảng Ngãi, Hà Tĩnh, Quảng Nam. Những tỉnh đã có dự án xây rồi như Bình Dương, Lâm Đồng, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Thuận.
Có dự án là có cơ hội tư túi, móc ngoặc. Theo ông Phạm Sĩ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, muốn tránh thì phải đấu thầu công khai, đấu thầu bán đất riêng và đấu thầu xây dựng riêng.
Nếu gộp 2 gói thầu này vào làm một chắc chắn sẽ thất thoát tiền nhà nước, thiếu minh bạch dẫn tới tiêu cực, tham nhũng”. Ông Liêm nói. (TN)
04-15-2015 7:14:30 PM
No comments:
Post a Comment