Thursday, April 16, 2015

Bốn mươi năm Quốc hận, nỗi đau còn đó

Quang Dương (Danlambao) - Thấm thoát mà đã bốn mươi năm, bốn mươi năm kể từ cái ngày oan khiên nghiệt ngã 30/4/75, ngày đau thương bi hận, ngày toàn thể miền Nam nước Việt, tức nước Việt Nam Cộng Hoà bị xâm lăng và cưỡng chiếm trắng trợn bởi bạo quyền cộng sản miền Bắc.

30 tháng 4 năm 75, ngày toàn thể người dân miền Nam ngậm ngùi xót xa để tang cho một quê hương, một tổ quốc thân yêu đã không còn. Miền Nam đã bị mất trong tủi hờn uất nghẹn thương đau, ngập đầy máu và nước mắt. Những ai là người dân của nước VNCH ngày ấy chắc không thể nào quên thảm cảnh kinh hoàng của đồng bào ở các tỉnh thành, nhất là ở các tỉnh miền Trung, khi phải bỏ hết nhà cửa tài sản ruộng nương, bồng bế gồng gánh dắt díu nhau chạy trốn đoàn quân xâm lăng hung hãn từ phương Bắc.

Thảm cảnh 30/4/75: Bao nhiêu người dân Miền Nam đã chết cho vừa một tham vọng điên cuồng?



Khởi sự từ trung tuần tháng 3/75 khi lệnh triệt thoái vùng cao nguyên thuộc quân đoàn II được ban hành, đồng bào hai tỉnh Pleiku và Kontum đã vội vã hòa nhập theo những chiến sĩ quân đội quốc gia rút về miền duyên hải. Cuộc triệt thoái và di tản do gấp rút, thiếu sự chuẩn bị và do áp lực của cộng quân đã là một thất bại to lớn, gây tổn thất nặng nề về sinh mạng, vật chất và tinh thần cho toàn thể quân dân miền Nam. Từ đó, bắt đầu những chuỗi ngày đau thương nghiệt ngã khi các tỉnh, thành, thị xã lần lượt bị thất thủ. 

Vô cùng thảm thương cho người dân là với đầu trần chân đất, tay xách nách mang, già trẻ lớn bé bất kể, do quá hiểu và quá sợ cộng sản nên đã hoảng hốt trốn chạy bằng mọi cách, phần lớn là đi bộ, làm sao cho càng tránh xa giặc thù càng tốt. Khối lượng quá đông người đã tạo lên sự tắc nghẽn giao thông và là mục tiêu xạ kích vô tội vạ của quân địch. Thật nghẹn ngào, xót xa, não lòng trước cảnh tượng con mất cha vợ mất chồng, xác chết không kịp chôn, vết thương không thuốc men cứu chữa, gia đình tứ tán mỗi người một phương trong lúc đạn thù của bọn Cộng phỉ mang tiếng là bộ đội giải phóng trút vãi hàng loạt lên đầu lên cổ dòng người di tản ở các quốc lộ và tỉnh lộ, điển hình là liên tỉnh lộ 7B. Ngày tận thế, đại lộ kinh hoàng, núi xương sông máu không ở đâu xa mà đã xảy ra trong hai tháng đen tối nhất từ giữa tháng 3 đến cuối tháng 4 năm 75 cho tất cả người dân miền Nam.


Bao nhiêu người đã chết, đã bị thương, đã mất đi cuộc sống yên lành, mất tài sản, mất người thân, cha mẹ, vợ chồng, con cháu, anh chị em vào những tháng ngày đau thương đó? Con số chắc chắn phải rất lớn, không phải hàng chục mà là hàng trăm ngàn người. Nhưng đấy mới chỉ là số thương vong và mất mát khởi đầu. Địa ngục trần gian chỉ thật sự mở ra khi tất cả người dân miền Nam bắt đầu bị lùa vào một nhà tù khổng lồ, chịu sự kềm kẹp, đày đọa, giam hãm, kiểm soát, theo dõi đến từng bước chân, từng tiếng nói mà trong đó mạng sống con người không bằng con vật. Quân, cán, chính, tu sĩ, trí thức, nhà giáo, văn nghệ sĩ, thương gia và ngay cả dân thường đều bị tước đoạt hết quyền công dân và chịu chung số phận trầm luân bi đát: Hoặc bị tập trung cải tạo vô thời hạn (thực sự là tù khổ sai biệt xứ), hoặc bị xua đuổi đi kinh tế mới (thực sự là bị đày đi khai hoang), hoặc bị ép buộc từ bỏ khả năng chuyên môn và nghề nghiệp đang có để lao động chân tay cực khổ, tài sản thì bị niêm phong, tịch thu, cướp đoạt trắng trợn. Song song với thủ đoạn triệt hạ nhân sự, nguồn vốn, bọn Cộng còn áp dụng những chính sách kinh tế thắt cổ chẹn họng, hộ khẩu tem phiếu, đổi tiền, ngăn sông cấm chợ, chận đường soát xe mục đích để cho người dân Nam lúc nào cũng bị đói khát, bệnh tật, tối ngày lo lắng cho miếng ăn cái mặc, không còn sức đâu mà suy nghĩ hay chống đối. Tội nghiệp, thân xác con người lại tiếp tục ngã xuống nơi những nhà tù, trại giam, rừng sâu núi thẳm, đồng hoang suối vắng hay ngay cả trong từng ngõ hẻm, con phố vì kiệt sức, đói khát, bệnh tật hoặc vì quá uất ức mà phải tự vẫn.

 

Không thể ngồi yên chờ bị chết dần, chết mòn, chết nhục, và với truyền thống kiêu hùng, một số chiến sĩ VNCH đã không chịu khuất phục, đã kết hợp với nhau thành những tổ chức phục quốc, sử dụng vũ lực chống lại bạo quyền hầu hy vọng có thể xoay lại thế cờ. Không may vì thế cô sức yếu nên các anh đã hoặc hy sinh đền nợ nước hoặc bị giam tù nhiều năm. Tuy không thành công nhưng các anh đã anh dũng viết tiếp những trang sử bi hùng sau cùng cho quân lực VNCH và được mọi người dân vô cùng thương kính tưởng tiếc.

Cũng không thể chịu bó tay sống đời nô lệ, sống kiếp ngựa trâu, đồng bào đã liều mình tìm cách thoát ra khỏi đất nước để may ra, trong mười đường chết có một đường sống. Thời gian đầu sau ngày chiếm trọn miền Nam, bọn cộng còn đang loay hoay lạ nước lạ cái, chưa có kinh nghiệm, nên việc tuần tra canh gác các cửa sông, cửa biển, cổng trạm biên giới còn lơ là lỏng lẻo nhờ đó việc vượt thoát có đôi phần dễ dàng. Tuy nhiên, vì đó là lúc ban đầu nên số lượng người bỏ nước ra đi chưa đông. Khi chuyện vượt biên vượt biển tìm tự do đã trở thành phổ biến, lên đến cao trào “người người vượt biên, nhà nhà vượt biên, đến cái cột điện mà có chân cũng vượt biên” vào cuối thập niên 70, đầu thập niên 80 thì mạng sống con người bị xem như cỏ rác. Vô số thân xác người dân miền Nam lại ngã xuống thảm thương ở các mương rạch, cửa sông cửa biển, đường rừng lối mòn dưới những loạt đạn dã man tàn ác của bọn công an bộ đội do lệnh của cấp trên hoặc do chúng muốn giết người đoạt của. Đó là chưa kể biết bao nhiêu người đã chết vì đói khát, bệnh tật hoặc bị cường khấu, hải tặc cưỡng hiếp giết hại, bắt đi mất tích.


Tổng cộng có bao nhiêu người đã chết trên đường vượt biên vượt biển sau khi cộng sản chiếm đoạt miền Nam thật không ai biết được chính xác, nhưng chắc chắn con số đó phải lên đến hàng trăm ngàn. Điều nghiệt ngã là thân nhân còn ở lại trong nước của những người bạc mệnh chỉ dám đau đớn để tang và thương nhớ âm thầm chứ không thể tỏ lộ công khai. Khi chuyện vượt biên vượt biển lắng dần vì các các trại tị nạn tại các nước cho tạm dung đóng cửa, không nhận thêm người thì đồng bào đành phải chấp nhận ở lại cái nhà tù khổng lồ mà sống trong đói khổ, mòn mỏi, mất hết tự do, mất hết nhân phẩm, sống mà như đã chết. Trải qua mấy thập niên cho đến bây giờ, Mạng sống người dân dưới chế độ cộng sản vẫn rẻ mạt, rẻ hơn bèo và vẫn tiếp tục bị coi thường, bị trấn áp, đe dọa, bắt giữ, tra tấn, thậm chí bức tử. 

Ai gây nên cảnh nồi da xáo thịt, nô lệ ngoại bang, hiểm họa diệt vong?

Tưởng niệm ngày Quốc Hận 30/4/75,tưởng nhớ tổ quốc VNCH, ở đây xin không đề cập đến chuyện giỏi hay dở của một quân lực,chuyện đúng hay sai của một chiến lược quân sự, một quyết định điều binh khiển tướng vào thời điểm ngặt nghèo, vào tình thế gần như là bó tay. Xin hãy nhìn vào nguyên nhân gốc rễ của vấn đề. Ai là kẻ thực sự tạo ra cảnh nồi da xáo thịt? Ai là thủ phạm gây nên nông nỗi đoạn trường? Nếu không có tham vọng điên cuồng của những tên chủ chốt đảng cộng sản tại Bắc Việt. Nếu không có những cái đầu mê muội chỉ biết cúi cúi và cái lưng chỉ biết khom khom, cúc cung tận tụy vâng lệnh quốc tế cộng đảng, xích hóa, bần cùng hóa, mê muội hóa và nô lệ hóa dân miền Bắc đồng thời hèn hạ nhận viện trợ súng đạn, khí tài quân sự, tiền bạc, lương thực của hai thế lực cộng sản đầu sỏ Liên Xô và Trung Cộng cùng các nước chư hầu để xua quân xâm lăng miền Nam thì làm gì có cuộc chiến huynh đệ tương tàn Bắc-Nam. Và cũng làm gì có chuyện người dân vốn cùng máu đỏ da vàng, chung một tổ quốc của miền này lại căm thù giết hại người ở miền kia mà vẫn rêu rao là đi giải phóng! Thật là ngu xuẩn, thật là mù quáng mà cũng thật là hiểm độc. 


Bài học lịch sử bao nhiêu đời đã chỉ rõ kẻ thù truyền kiếp của dân tộc Việt Nam là bọn bá quyền phương Bắc, tức là những vua chúa của nước Tàu ngày xưa và đám chóp bu Trung Cộng bây giờ. Bọn chúnglàm gì có lòng nhân đạo thương người, giúp đỡ dân tộc khác một cách vô vị lợi.Cũng làm gì có chuyện một thế giới đại đồng của người vô sản, làm theo khả năng hưởng theo nhu cầu. Bọn chúng chỉ lợi dụng tính háo danh tham lợi của những tên đầu sỏ đảng CSVN và sự ngây thơ cả tin của dân chúng miền Bắc để lăm le tìm cơ hội tiêu diệt hoặc đồng hóa người Việt và chiếm trọn giải giang sơn hình chữ S hầu làm bàn đạp thôn tính cõi Đông Nam Á rồi thống trị toàn thế giới. Những kẻ xuẩn ngốc trong đảng CSVN, tiền thân là đảng cộng sản Đông Dương và sau đó là đảng Lao Động VN bày đầu là Hồ Chí Minh tự nguyện chui đầu vào rọ, làm tay sai cho cộng sản quốc tế, cho Trung Cộng cho Liên Xô. Bọn chúng những tưởng chế độ cộng sản là thiên đường, hoặc tưởng là có thể lợi dụng thế lực đang lên của khối Xã Hội Chủ Nghĩa để mưu đồ trục lợi riêng tư, nhẫn tâm triệt hạ các đảng phái không cùng phe cánh, thủ tiêu, bán đứng các nhân sĩ, trí thức, người yêu nước chân chính hầu độc quyền làm vương làm bá nước Nam. Nhục nhã cho chúng là mạt cưa gặp mướp đắng, bọn chóp bu TC đã nắm thóp chúng. TC đã thả con tép bắt con bắt con cá chép,lợi dụng ngay đám VC đang cầu cạnh mình để gài mưu mô thâm hiểm dùng người Việt giết người Việt và đưa đảng CSVN vào thế phải vĩnh viễn lệ thuộc đảng CSTQ hầu sai khiến bọn cõng rắn cắn gà nhà đem hết giang sơn tổ quốc về dâng nộp cho chủ . Để đổi lấy viện trợ và sự giúp đỡ, che chở trong chiến tranh, CSVN đã phải chấp nhận những điều kiện về nhượng đất nhượng biển, những đặc quyền kinh tế, khai thác khoáng, lâm và hải sản trước và cả sau khi thực hiện được dã tâm chiếm trọn miền Nam. Do đã phóng lao phải theo lao nhất là để thoả mãn tham vọng điên cuồng muốn chiếm đoạt miền Nam với bất cứ giá nào, đảng CSVN đã răm rắp đồng ý tuân theo tất cả những đòi hỏi của quan thầy TC. 

Sau khi chiến tranh chấm dứt, những ưu đãi mà CSVN dành cho TC đã dần dần lộ rõ ra. Đất đai sông biển, hải đảo của tổ tiên bao năm gầy công tạo dựng lần lượt bị TC ngang nhiên chiếm cứ. Đường biên giới phía Bắc bị vẽ lại theo hướng có lợi cho TC theo hiệp ước biên giới Việt-Trung ngày 30/12/1999. Tài nguyên thiên nhiên bị TC mặc tình khai thác, những hợp đồng khế ước nếu có chỉ là hình thức. Dân Tàu tự do ra vào nước Việt như chính nước của chúng và chúng toàn quyền thiết lập những khu vực sinh hoạt, doanh trại, thành phố của riêng chúng ngay trên đất Việt, tại những nơi hiểm yếu quan trọng mà thẩm quyền Việt Nam không được ngó ngàng tới. Hàng hóa Tàu, cả hàng giả lẫn hàng độc hại, không phải đóng thuế, tự do tràn ngập thị trường VN, làm lũng đoạn nền kinh tế thương mại đồng thời đầu độc dân Việt cho chết dần. Ngư dân VN đánh cá tại hải phận nước mình bị tàu hải giám TC bắt giữ, đánh đập, đòi tiền chuộc,thậm chí bị sát hại, ngư cụ bị phá hủy, tàu thuyền bị đâm thủng, phóng hỏa nhiều lần mà chính quyền CSVN không dám lên tiếng phản đối. TC nghêng ngang đem hàng trăm tàu đủ loại hộ tống kéo giàn khoan dầu khổng lồ HD-981 vào hải phận VN thăm dò dầu khí ngày 2/5/2014 thì CSVN chỉ dám đưa tàu hải cảnh đến canh chừng lấy lệ và dùng ngoại giao lên tiếng qua loa. TC xấc xược công bố 90% vùng biển Đông là của chúng qua bản đồ đường lưỡi bò 9 đoạn do chúng tự vẽ bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, bất kể công ước về luật biển quốc tế cùng bất kể chúng không có chứng cứ lịch sử về chủ quyền thì CSVN im thin thít, không dám nhúc nhích. CSVN phải câm họng vì há miệng mắc quai, bởi công hàm Phạm Văn Đồng ngày 14/9/1958 đã công nhận hải phận 12 hải lý của TC, hàm ý công nhận cả hai quần đảo HS và TS là của TC như trong bản tuyên ngôn về lãnh hải và tuyên bố về chủ quyền các quần đảo mà TC đưa ra ít ngày trước đó. Năm 2014 chính phủ và nhân dân Phi Luật Tân đề nghị VN cùng đứng đơn khởi tố TC ra tòa án quốc tế thì CSVN nhát sợ, không dám tham gia. Đó là không kể đến việc CSVN đã ngậm hột thị, hiểu là làm ngơ khi TC tấn công và chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa ngày 19/1/1974 lúc đó do hải quân VNCH trấn giữ và những sự yếu hèn, nhục nhã, không dám phản ứng gì của CSVN khi hải quân TC nã súng thảm sát 64 bộ đội hải quân VN tại đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa ngày 14/3/1988. Còn nhiều lắm những sự nhượng bộ, ưu đãi, thậm chí tỏ thái độ khiếp sợ thần phục TC của các cán bộ quan chức CSVN trong khắp các lãnh vực chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hóa, xã hội… Người dân Việt căm giận phẫn uất biểu tình chống bọn TC xâm lược bành trướng thì lại bị chính công an dân phòng của nước mình đàn áp triệt hạ. 

Bốn mươi năm đã trôi qua sau khi chiếm được miền Nam thử hỏi CSVN đã làm được gì cho nền độc lập tự chủ của đất nước hay chỉ càng ngày càng lệ thuộc nặng nề vào TC. Hết lớp nô thần này đến lớp thái thú khác một mặt tâng công bán nước, mặt khác bóc lột dân đen, vơ vét của cải, vinh thân phì gia, no ấm riêng mình. Cứ cái đà này, tương lai nước Việt Nam trở thành một tỉnh của TC đã không còn xa. Thật hổ thẹn cho dòng giống tiên rồng, con Hồng chác Lạc lại có những kẻ có mắt như mù, u mê ám chướng, đi cầu cạnh xin xỏ kẻ thù không đội trời chung của dân tộc để mưu đồ lợi ích riêng tư, như vậy có khác gì rước voi về giày mả tổ, mở cửa mời trộm cướp vào nhà? 

Bốn Mươi Năm Tưởng Niệm: Miền Nam Vẫn Mãi Trong Tim


Bốn mươi năm đã trôi qua nhưng những thảm cảnh của những tháng ngày quốc phá gia vong như vẫn đang hiển hiện trước mắt, những tiếng gào thét vật vã khóc than như vẫn vọng bên tai và những cảm xúc, ấn tượng vẫn còn ghê gai rùng mình kinh rợn. Thực sự con số 40 năm chỉ có tính cách tượng trưng cho một điểm mức thời gian tròn chẵn, chứ bất cứ ngày nào, giờ nào, lúc nào và ở đâu người dân miền Nam cũng canh cánh bên lòng mối hận mất nước và niềm ngậm ngùi tưởng nhớ đến những chiến sĩ VNCH, những đồng bào, những người thân đã hy sinh xương máu, thân mạng trong cuộc chiến bảo vệ tổ quốc và trong suốt thời gian bị tù đày tra tấn, hành hạ bạc đãi dưới gọng kềm cai trị sắt máu của chế độ phi nhân cộng sản. 

Và cũng thật ra miền Nam đã không thể chống lại sự xâm lăng của miền Bắc không phải vì người miền Nam không tài giỏi, không anh dũng. Người miền Nam chỉ không khát máu, không tham lam hiểm độc và không táng tận lương tâm. Người miền Nam sinh ra để sống trong yêu thương, trong hoà thuận, cùng phát triển đi lên trong tình tương thân tương ái. Người miền Nam sinh ra không phải để đi đánh nhau, nhất là đi xâm lăng, giết hại, cưỡng bức hoặc chiếm đoạt, nói gì đến chuyện tàn sát đồng bào ruột thịt của mình. Người miền Nam sinh ra cũng không phải để gian hùng, mưu mô, lừa gạt, chỉ biết có cá nhân mình mà bất chấp lương tri, đạo lý. Hãy đừng phán xét hơn kém qua sự thắng bại của một cuộc chiến, hay qua sự thay đổi của một chế độ. Sau bốn mươi năm, nay đã rõ đâu là phía bị cả dân tộc oán hận nguyền rủa, đâu là bên được mọi người tưởng tiếc nhớ thương. 

Dù sau này chế độ cộng sản không còn, mà chắc chắn sẽ không còn và dù nước Việt Nam có thay da đổi thịt, những con người của thời gian cũ có lần lượt đi vào dĩ vãng và được thay thế bằng những thế hệ trẻ hoàn toàn mới thì bản án, bản cáo trạng viết bằng máu, khắc bằng xương của những nạn nhân chế độ cộng sản VN vẫn còn mãi mãi và tội ác của đảng cộng sản VN vẫn phải được truyền đời nhắc nhở cho hậu thế để tất cả thường xuyên cảnh giác, ghê tởm và phỉ nhổ.

Tưởng niệm ngày Quốc Hận 30/4/2015


No comments:

Post a Comment