Thursday, April 16, 2015

30 Tháng Tư, một ngày khó quên

Theo Người Việt-04-14-2015 4:11:49 PM
Vô Danh
(Bài viết cho mục Hồi Ức 30 Tháng Tư và Ðời Tị Nạn)

Mỗi năm cứ đến ngày 30 Tháng Tư tôi lại có những cơn ác mộng trong đêm dài mặc dù giờ đây đã bốn mươi năm sau cái ngày định mệnh đó.

Tháng Tư năm 1975 tôi là một sinh viên y khoa năm thứ 5, vừa thi xong cuộc thi tuyển nội trú vào các bệnh viện Saigon và và đã chọn để đi làm nội trú 6 tháng đầu tiên tại bảo sanh viện Từ Dũ. Chiến trường miền Nam như dầu sôi lửa bỏng với những tin buồn từ khắp các mặt trận cùng với những cảnh tan rã xảy ra ngay tại chính Ðại Học Y khoa Saigon, khi thầy cô kẻ ở người đi trong số những vị giáo sư. Hàng ngũ sinh viên cũng rời rạc, có người vẫn đi thực tập, có người thì không còn thấy mặt ở trường. Lúc đó vì chưa chính thức nhận nhiệm sở mới và vì nhà tôi gần sát bệnh viện Bình Dân nên tôi vẫn ngày đi bộ qua bệnh viện giúp khám bệnh, phụ mổ với các anh lớp trên và các bác sĩ còn lại.


Bên trong bệnh viện Grall, Sài Gòn, ngày 1 Tháng Năm, 1975. (Hình: Getty Images)

Ðến ngày 30 Tháng Tư, sau khi nghe lời Ðại Tướng Dương Văn Minh trên đài truyền thanh, gia đình tôi gồm ba mẹ và tôi không nói được lời nào mà chỉ cùng quay mặt đi mỗi người một hướng để khóc, và cứ thế mà tìm việc gì làm cho quên thời gian. Tôi lại đi bộ qua bệnh viện để hy vọng làm được chút gì giúp những bệnh nhân vì nghĩ rằng mình còn khỏe mà còn buồn thế này thì người bệnh sẽ buồn gấp bao lần. Thật vầy, không khí trong bệnh viện hỗn loạn vì ngoài những bệnh thường lệ như viêm ruột dư, thủng bao tử, tắc ruột,... còn những bệnh nhân bị thương tích do súng đạn, chuyển về từ những bệnh viện tỉnh đã hết bác sĩ... Làm việc đến gần tối thì tôi phải về vì đường sá bắt đầu mất an ninh, có những đám hùa theo những người mới lên, quàng chiếc khăn đỏ lên cổ, lấy được vài khẩu súng, bắn lia lịa lên trời để làm oai! Ðó là những tên gọi là cách mạng 30! Sau đó có thông cáo trên đài phát thanh là tất cả các sinh viên phải về trường trình diện ngày 1 Tháng Năm.

Sáng 1 Tháng Năm, đến trường thì tôi cảm thấy buồn hơn nữa vì thiếu một số thầy và một số bạn. Sau đó đến lúc giới thiệu ban hiệu trưởng mới gọi là Ủy Ban Quân Quản của trường, toàn là những người trong rừng ra, chỉ cần là cán bộ, chứ không cần là bác sĩ. Từ sự đổi chủ đó, từ từ ló dạng một số người cũng là sinh viên của trường, của lớp, nhưng bây giờ mới biết là họ có gia đình cách mạng, là những người nằm vùng trước đây để hoạt động cho cộng sản. Họ bắt đầu hô hào này nọ và thiết lập ngay một hình thức kiểm soát chặt chẽ ngay trong lớp.

Việc đầu tiên là phải làm sao thay đổi sự suy nghĩ của mọi người, do đó tất cả các lớp về chuyên môn bị ngừng để nhường cho những giờ nhồi sọ về chính trị trong suốt mấy tuần lễ. Cứ sáng là tôi đạp xe đạp (vì hết xăng để đi xe gắn máy) vào những rạp hát lớn trong Chợ Lớn để học về chính trị trong suốt 4 giờ do các đảng viên giảng theo lối một chiều và đến trưa 2 giờ lại về trường chia thành những tổ nhỏ chừng 10 người, ngồi la liệt dưới đất để bàn thảo, học tập và cần nhất là “nhất trí” với những điều gì đã được cán bộ nói khi sáng. Lúc đầu vì ngây thơ, nên cũng có khi tôi đặt câu hỏi này nọ, nhưng cuối cùng đều được giải thích theo một luận điệu “tất cả những gì mình thắc mắc đều đúng nhưng đó chỉ là hiện tượng còn bản chất thì khác và bản chất thì luôn luôn tốt.” Giờ đây sống ở xứ người 37 năm, tôi vẫn chưa thấy được bản chất đẹp đó và có lẽ khi nhắm mắt cũng chưa thấy vì bản chất cộng sản thì làm sao tốt đẹp được!

Sau những tuần lễ học tập ở trường thì đến những tuần đi lao động như đào mương ở Củ Chi để làm theo nguyên tắc “tam cùng” với nhà nông (cùng ăn, cùng ở, cùng làm). Mình đi làm mà phải mang theo gạo mình đi nấu và mang theo muối mè đi ăn. lần đầu tiên, tôi biết thế nào là bị đỉa cắn!

Sau những tháng ngày bị hành xác như vậy, tôi đến bệnh viện Từ Dũ để làm nội trú tức là sinh viên năm cuối và sẵn sàng để đảm nhiệm các công việc của một bác sĩ điều trị. Bệnh viện bị một số cán bộ gọi nhau là bác sĩ nhưng thật sự có những người chỉ nhờ khả năng chiến đấu trong mật khu mà lên chức bác sĩ chứ thật ra không có một căn bản tối thiểu về y khoa. Chính khi làm việc tại đây qua một thời gian, tôi mới thấy những sự bất công của chủ nghĩa cộng sản.

Từ thuốc men đến sự chữa trị, cái gì cũng dành cho cán bộ đảng viên còn người dân thì bị từ chối. Có những lần, có sản phụ bị nhiễm trùng, sốt hậu sản nhưng không được cho trụ sinh tốt vì sợ thiếu phải để dành cho cán bộ. Phòng sanh thì được điều hành bởi một bác sĩ chắc xuất phát từ y công, rồi với thành tích được học bồi dưỡng lên thành y sĩ và cuối cùng thành bác sĩ, nên căn bản về y học rất yếu, viết chữ thường cũng không xuôi. Khả năng sản khoa rất yếu làm xảy ra bao nhiêu tai nạn khi dùng những thủ thuật giúp sản phụ khi sanh, cứ đòi các bác sĩ cũ dạy cho mổ lấy con nhưng vì kỹ thuật mổ không có nên cũng có bất trắc xảy ra. Vị này chỉ làm một thứ rành là “nạo thai” vì đó là việc chính của bà ta khi còn trong bưng. Bà ta đề nghị các nội trú phải làm công việc đó nhưng đám nội trú chúng tôi đều từ chối vì lý do nhân đạo và tôn giáo.

Còn có những chỉ thị là khi sản phụ sanh xong hoặc khám thường niên phụ khoa, để hạn chế sinh đẻ, cứ đặt vòng mà không cần chờ sự đồng ý của bệnh nhân! Mỗi sáng khi ra giao ban sau một ngày trực, các nội trú đều lên tiếng phản đối, hoặc chỉ trích những việc làm không đúng của những bác sĩ ngoài bưng về nhưng đều bị nói khéo là coi chừng có tư tưởng phản cách mạng và có thể bị phiền phức. Thế là một vị giáo sư lớn tuổi còn ở lại làm việc hoặc những bác sĩ cũ tại bệnh viện lại đứng ra bênh vực cho các sinh viên nội trú. Tôi nghĩ làm việc cực tôi không ngại nhưng bị bắt buộc làm những việc không đúng với lương tâm và y lý của người thầy thuốc thì không chịu được và từ đó tôi có ý định đi vượt biên nhưng vì lúc đó ba tôi dù đã gần 70 tuổi nhưng vì thuộc đảng phái chính trị nên phải đi học tập đã nhiều tháng mà không có tin gì nên tôi cũng cố sống qua ngày để chờ đến khi ba tôi về.

Bảy tháng sau ba tôi được về vì lý do sức khỏe, nhưng phải đi trình diện phường khóm mỗi tháng và anh rể tôi là bác sĩ thiếu tá biệt phái làm tại bệnh viện Chợ Rẫy đi học tập thì biệt vô âm tín không biết sống chết ra sao. Hai năm sau mới có tin là anh bị bắt vào Chí Hòa vì cộng sản nói biệt phái tức là CIA của Mỹ, do đó không được học tập và bị đi tù đến năm 1978 được thả ra thì anh bị ung thư máu, anh qua đời để lại chị tôi và ba cháu nhỏ.. Sau những sự việc tang thương đó trong gia đình, chúng tôi nhất định ra đi và đến ngày 28 Tháng Chín năm 1978 thì bố mẹ tôi, chị tôi và ba cháu nhỏ cùng cha mẹ chồng, cô em chồng với cậu con và tôi xuống Mỹ Tho để vượt biên.

Ðúng là “điếc không sợ súng” vì khi mình khổ quá thì ai nói gì mình cũng tin. Cứ nghe mọi người nói nào là ra đến hải phận quốc tế thì tàu các nước chờ sẵn để vớt, sướng lắm, mình cũng tưởng như vậy đến khi đụng thực tế thì khác hẳn. Tàu chúng tôi đi vì nặng quá (300 người) mà lại nhỏ nên chưa đi tới hải phận quốc tế đã bị gãy bánh lái, cứ phải để trôi theo dòng nước. Lần đầu tiên trong cuộc đời tôi mới sống gần cái chết như thế! Trên tàu không có gì ăn, không có đủ nước uống, không cả đủ chỗ ngồi, mặc dù là ngồi như cá mòi, nên tôi nhường gia đình ngồi trong và tôi lên boong tàu ngồi một góc bị sóng nhồi lên xuống, ói tại chỗ và mọi sự khác cũng tại chỗ, có lúc thấy mặt biển ngay sát mình và tay phải bám chắc vào thành tàu chỉ sợ bị văng ra ngoài biển và chung quanh hoàn toàn tối đen như mực. Lúc đó tôi nghĩ chắc sẽ tận số nhưng dù sao cả nhà cùng ra đi cũng được! Trên tàu vang vang những tiếng tụng kinh Phật Giáo lẫn những tiếng cầu kinh Công Giáo và rồi bao tàu đi qua dù thấy dấu hiệu SOS cũng chẳng thèm vớt!

Nhưng may thay vào lúc mọi người đã hết sức kiệt quệ và tuyệt vọng thì ở xa có một chiếc tàu thật lớn xuất hiện và đã thấy được dấu hiệu xin cứu vớt của tàu chúng tôi và đã trả lời bằng dấu hiệu là sẽ tiếp cứu. Họ cho một chiếc xuồng máy nhỏ đến gần để liên lạc và ba tôi vì là niên trưởng (73 tuổi) mặc dù rất yếu nhưng vì nói được tiếng Anh nên ra nói chuyện và biết được đó là một chiếc tàu chở dầu của một công ty Anh quốc tên là Wellpark. Sau khi biết tình trạng tuyệt vọng của tàu chúng tôi, họ quay về để xin phép chính phủ Anh cho cứu vớt và vì chiếc Wellpark có những thủy thủ đang học về hàng hải nên họ tôn trọng luật cứu người trên biển và đồng ý vớt cả tàu.

Thật là một phép lạ khi Ðức Mẹ và Phật Bà Quan Âm đã cùng nghe lời cầu xin của 300 kẻ khốn cùng trong giờ cận tử nghiệp! Vì tàu họ quá to và tàu mình quá nhỏ nên không thể tiến gần nhau vì tàu nhỏ sẽ bị lật, nên công việc cứu vớt cũng rất khó khăn, phải dùng những xuồng máy chở người đến gần tàu lớn và thòng dây xuống để kéo từng người lên, còn người già phải để vào những thúng lớn và kéo lên vì họ không có sức để bám vào dây kéo. Sau nhiều tiếng đồng hồ làm việc không nghỉ, thủy thủ đoàn của chiếc Wellpark đã đem được 346 người Việt Nam ra khỏi bàn tay tử thần. Ðó là ngày 2 Tháng Mười năm 1978.

Sau hai tuần lênh đênh trên biển chúng tôi được đưa tới Ðài Loan và bay thẳng về Luân Ðôn. Ðây là lần đầu tiên Anh quốc đón nhận người tỵ nạn từ Việt Nam sau khi chiến tranh chấm dứt. Từ khi đến bến bờ tự do và sinh sống tại Anh quốc tôi thấy những lời đồn đại về người Anh lạnh lùng, khó chơi, nhiều khi không đúng vì tôi thấy họ cũng mở hết tấm lòng ra để giúp đỡ những người tỵ nạn.

Chúng tôi được đưa về ở một trại lính cũ ngay khu giàu sang của London gọi là Kensington Barrack, giúp cho đi học tiếng Anh, giúp tiền sinh sống lúc đầu, giúp quần áo,... Riêng tôi vì trong chuyến hành trình đã bị mất hết giấy tờ, bằng cấp nhưng họ tin mình và cho học lại một năm không mất tiền và cho thi lại bằng tương đương đề thành bác sĩ bên Anh. Tôi ở lại đó một năm đi làm thêm và đến năm 1982 tôi gặp lại người bạn trai cũ từ bệnh viện Từ Dũ cũng vượt biên qua Mỹ, chúng tôi lập gia đình và từ đó định cư ở Mỹ.

Tôi học lại chương trình nội trú ở Chicago 3 năm, sau đó về lập nghiệp và hành nghề ở Quận Cam từ năm 1987. Tôi viết lên câu chuyện trên đây hy vọng là những thế hệ sau này thấy rõ là khi mất tự do dân chủ là mất hết và đó chính là động lực thúc đẩy con người bất chấp mọi hiểm nguy đi tìm lại tự do.

Khi có tự do thì dù chỉ có hai bàn tay trắng, nhưng với sự quyết tâm, kiên trì, siêng năng và nhất là sự che chở, giúp đỡ của các đấng thiêng liêng, chúng ta vẫn có thể thành công và khi thành công rồi lại phải nghĩ đến việc làm gì tiếp để giúp đỡ những thế hệ sau tiếp tục vươn lên thành những công dân tốt hầu giúp cho sự phát triển của quê hương thứ hai này nhưng cũng không bao giờ quên miền đất mẹ và sẵn sàng về giúp một khi có tự do và nhân quyền trở lại.

No comments:

Post a Comment