Theo Người Việt -04-14- 2015 4:14:02 PM
Lê Tuấn
(Bài viết cho mục Hồi Ức 30 Tháng Tư và Ðời Tị Nạn)
Trước năm 1975, tôi là sĩ quan bộ binh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Từ ngày ra trường đến ngày mất nước, 30 Tháng Tư 1975, biên cương là nhà và ít khi tôi có dịp về thăm cha mẹ. Mỗi lần tôi được vài ngày phép về, mẹ tôi mừng mừng tủi tủi và nói: “Con lớn rồi sao không lập gia đình, ưng cô nào cha mẹ cưới cho, có cháu nội cha mẹ vui.”
Trong tù cải tạo. Cảnh trong phim Vượt Sóng của đạo diễn Hàm Trần. (Hình: Internet)
Tôi chỉ cười hề hề và nói: “Từ từ mẹ ạ,” và tôi giải thích cho mẹ tôi hiểu: “Con bây giờ ở nơi tiền tuyến, từng giây, từng phút đối diện với quân thù không biết việc gì xảy ra cho con, độc thân thì quá dễ chẳng liên lụy với ai cả, nếu có vợ có con thì thật là phiền phức, cảnh vợ góa, con côi tội lắm, hơn nữa con và vợ con chỉ gần nhau vài ngày một năm thì đâu có hạnh phúc, chỉ gây thêm cảnh kẻ nhớ người mong, mẹ ạ.” Nghe tôi giải thích, mẹ tôi lặng thinh.
Thế rồi ngày 30 Tháng Tư năm 1975 ập đến đem tang tóc cho cả miền Nam Việt Nam. Ðơn vị tôi lúc đó chạy về Thủ Ðức, sau khi nghe lệnh đầu hàng, tôi rất bàng hoàng và buồn bã trước cái cảnh chia tay giữa đồng đội đã từng sống chết bên nhau, chia nhau từng mẩu thuốc, bây giờ mỗi người tự lo liệu lấy. Khi mọi người đi hết còn lại một mình tôi đứng ngoài hàng hiên một ngôi nhà ngói cũ xưa.
Tôi rút khẩu colt 45 định kết liễu đời mình cho xong thì nghe tiếng gọi: “Anh Tuấn vào đây thay quần áo kẻo nguy hiểm lắm.” Tôi quay lại thấy một thiếu nữ đứng bên cửa, không hiểu sao cô lại biết tên tôi, thì ra tôi còn mặc bộ quân phục, cấp bậc và bảng tên còn nguyên vẹn. Cô đưa cho tôi bộ thường phục và đôi dép. Tôi thay quân phục và cô đem khẩu colt 45 ném xuống giếng bên cạnh nhà. Tôi cảm ơn cô và vội vàng hòa với dòng người di tản về Saigon, về đến nhà mới hay mình mặc áo đàn ông nhưng quần đàn bà.
Nghe tin phải trình diện cải tạo vào sáng mai, chiều hôm đó tôi gấp bộ đồ và đôi dép, đạp xe lên Thủ Ðức để trả lại và cám ơn cô vào khoảng 4 giờ chiều. Cô mời tôi vào nhà và nói: “Cha mẹ em đi Biên Hòa thăm người bà con mới chết, có một mình em ở nhà thôi.”
Tôi và cô nói chuyện đến 6 giờ chiều vẫn chưa thấy cha mẹ cô về, chúng tôi hỏi thăm nhau gia cảnh và đủ thứ chuyện, cô rất lo lắng cho số phận của các sĩ quan đi trình diện cải tạo ngày mai, cô cho tôi địa chỉ và tên họ “Tô Mỹ Phương” cái tên sao mà đẹp quá, tôi nói đùa: “Bộ em là cháu nội của Tô Ðông Pha hay là Tô Ðịnh?” Cô trả lời, “em hổng biết.” Sau cùng trời chuyển mưa, tôi tạm biệt ra về, trong lúc chia tay mắt cô ứa lệ và không hiểu tại sao mà chúng tôi ôm nhau rồi hôn nhau, trong lúc đó tay tôi đụng hẹ vào ngực cô (bên ngoài áo và chỉ vô tình thôi nhé). Cô nói với tôi: “Nụ hôn đầu tiên.”
Thời gian cải tạo lúc ở Long Khánh, Phú Quốc, Hoàng Liên Sơn, khi quân Tàu đánh Lạng Sơn thì di chuyển về Vĩnh Phú. Cô thăm nuôi tôi cả thảy 10 lần, 6 lần ở trong Nam và 4 lần ở ngoài Bắc, lần cuối cùng cô thăm tôi là lúc tôi đang bệnh rất nặng, tôi phải nhờ bạn bè dìu ra và đem đồ thăm nuôi vào trại. Tối hôm đó, tôi hôn mê không còn biết cô đã tiếp tế những thứ gì. Theo bạn bè kể lại, tôi đã chết lúc gần sáng, sáng hôm sau cán bộ cho hai người đào huyệt và sau đó cho hai người khiêng tôi đem chôn, nhưng khi đến nơi huyệt còn nông quá phải cho đào sâu thêm. Họ đặt tôi nằm bên cạnh và cả bốn người cùng đào. Khi xong thì tôi hồi tỉnh lại, thở và chân tay cử động nhẹ. Cán bộ ra lệnh chôn nhưng bốn người bạn năn nỉ xin đem tôi về trại. Cán bộ quyết định chôn và nói: “Trước sau gì nó cũng chết, chôn để khỏi mất thì giờ.” Cả bốn người bạn năn nỉ mãi và cuối cùng tôi được khiêng về trại. Anh em lấy đồ tiếp tế của tôi gồm một ít sữa bột, vài ký gạo, thuốc tây, anh em cho tôi uống sữa và uống thuốc nhưng mất cả 3 tháng trời tôi mới tạm bình phục.
Khoảng 3, 4 năm sau tôi không thấy cô đến thăm, tôi buồn và đặt nhiều nghi vấn, tôi tự hỏi, có thể cô đã sang sông hay việc gì chẳng lành đã xảy ra... “Chết hay cô đã đi lấy chồng?”
10 năm sau tôi được tha về, việc đầu tiên là đi thăm mộ cha mẹ tôi đã qua đời khi tôi còn ở trong tù, hôm sau đạp xe lên Thủ Ðức thăm cô và gia đình cùng cám ơn cô đã thăm nuôi tôi. Vừa bước vào nhà, tôi thấy hình cô trên bàn thờ, lòng tôi quặn đau, nước mắt cứ tuôn trào, tôi khóc và khóc rất nhiều không nói nên lời. Mười phút sau tôi mới thưa chuyện được với cha mẹ cô và được ông bà cho biết, cô chết sau khi ra Bắc thăm nuôi tôi trở về đến Quảng Bình xe bị tai nạn, vì đường sá xa xôi khó khăn, khi gia đình biết tin ra đến Quảng Bình thì cô đã được chôn cất ở nghĩa trang. Ba năm sau, gia đình ra Quảng Bình để đem hài cốt về thì nghĩa trang đã bị giải tỏa để xây nhà cho cán bộ, không biết hài cốt để đâu?
Nghe kể đến đó, tôi lại khóc và thưa: “Thưa hai bác, vì con mà Phương chết, xin hai bác tha thứ cho con.” Ông bà cũng sẵn lòng thông cảm vì chuyện đã rồi.
Thời gian được tha về, thỉnh thoảng tôi đến thăm ông bà, sau mấy lần vượt biên thất bại, sau cùng tôi đi đường bộ sang Campuchia và Thái Lan. Năm 1987, tôi đến Hoa Kỳ, cố gắng học hành và có việc làm ổn định. Tôi đã lấy tên bài hát “10 năm yêu em và cũng là mãi mãi” của nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng để làm kim chỉ nam cho cuộc sống và thường giúp đỡ cha mẹ Phương hàng năm.
Tháng 5, 2010, tôi về hưu, trong lúc nhàn rỗi, tôi làm một chuyến du lịch Hồng Kông-Trung Quốc-Thái Lan-Việt Nam, lần này cũng như ngày ra tù, việc đầu tiên là đi thăm mộ cha mẹ tôi, hôm sau đi Thủ Ðức thăm cha mẹ Phương.
Nhiều năm xa cách, ông bà không nhận ra tôi, sau khi tôi giới thiệu mới nhận ra nhau, thế là trong nhà như có đám tang, chúng tôi ôm nhau khóc đến nỗi hàng xóm chạy qua xem có chuyện gì xảy ra.
Trong lúc ăn cơm, ông bà hỏi tôi gia cảnh, đời sống bên Mỹ và đủ thứ chuyện, sau cùng ông bà muốn đề nghị “tình chị duyên em” nghĩa là tôi cưới em của Phương là Tô Mỹ Phượng là dược sĩ. Tôi trả lời: “thưa hai bác, cho con suy nghĩ.”
Về đến Mỹ tôi suy nghĩ nhiều, Phương đã chung tình và hy sinh cả mạng sống để cho tôi được sống, vậy bây giờ tôi phụ tình sao? Hơn nữa 60 năm cuộc đời, bây giờ tôi đã lố 6 năm, vậy còn gì là đời nữa. Kính mong quý vị cho vài lời khuyên sao cho “tốt đạo đẹp đời,” đẹp lòng người chết và vui lòng người sống.
No comments:
Post a Comment