Monday, April 13, 2015

Sự phán xét của lịch sử


Gửi cho BBC
-1 giờ trước
Ảnh chụp tháng 12 năm 2014 ở TP. HCM
Gợi lại chuyên xưa một chút, ví dụ như nếu được chọn một trong hai lực lượng Tây Sơn hoặc nhà Nguyễn thống trị Việt Nam, bạn chọn bên nào?
Tôi nhận thấy đa số chúng ta tự nhiên vẫn thiên lệch hơn trong tình cảm với triều đại Tây Sơn, khi họ ghi dấu ấn với lịch sử chống ngoại xâm của người Việt bằng việc đánh đuổi quân Thanh khỏi miền Bắc.
Và có lẽ cũng một phần do chúng ta phải học về chiến công đó trong trường nhiều hơn, nên ta dễ dãi quên đi họ là những nhà quản trị đất nước khá tồi. Rõ ràng là kinh tế yếu kém không đủ sức chống lại sự kiên trì bào mòn của nhà Nguyễn, pháp trị kém để triều đình rối ren không tập trung đủ hiền tài mà kháng cự quân đội đối phương. Chưa kể họ không nhạy bén để nhận ra sức mạnh thực sự của thời đại của các cường quốc phương Tây, trong khi đối thủ của họ là nhà Nguyễn biết vận dụng triệt để và đánh bại họ.
Cho đến nay, sử Việt Nam vẫn ghi nhận công lao quân đội Tây Sơn trong việc dẹp loạn nam bắc phân tranh và lớn nhất đánh tan quân Thanh, nhưng việc bình xét cũng chỉ dừng lại tại đó.
Còn nhà Nguyễn thì sao? Có một sự bất công không hề nhỏ cho đế chế này trong sử Việt Nam đương đại. Nguyên do chủ yếu là khi Việt Nam chuyển sang hình thái xã hội mới đáp ứng yêu cầu giành độc lập cho nước nhà, chính thể Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà (VNDCCH) non trẻ cần phải xác định tính chính danh của nó bằng cách phủ nhận những giá trị của chính thể cũ. Cộng với sự khắc nghiệt của chiến tranh đã thu hẹp thêm nhận thức về công lao của triều đại này đối với Việt Nam, họ dễ bị quy chụp dựa trên hoạt động thất bại vào thời suy vong.
Chính nhà nước Việt Nam hiện nay đang có nhiều hội thảo để khẳng định công lao của triều đại phong kiến này, nhất là việc mở rộng và định hình cho lãnh thổ Việt Nam đương đại, từ cương vực phía bắc đến đồng bằng phì nhiêu miền nam, ra tận Trường Sa, Hoàng Sa. Nhưng chỉ tiếc thay nhà Nguyễn lại sớm ngoảnh mặt với phương Tây và quay về thuần phục Trung Hoa, để rồi phải hoạ mất nước.
Quay lại thực tại, đã có quá nhiều sách báo và vô vàn nghiên cứu chi tiết cuộc chiến Việt Nam rồi, tôi không muốn nhắc lại ở đây. Tôi chỉ muốn các bạn tự vấn lại những vấn đề sau.
Dù là quốc gia hay cộng sản thì giấc mơ bỏng cháy của cả dân tộc Việt Nam là được thống nhất lãnh thổ và không còn sự can dự của người nước ngoài. Nhưng thay vào cuộc tổng tuyển cử là những cuộc khủng bố đẫm máu dành cho người cộng sản dưới điều luật 10-59 của Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) bảo trợ bởi người Mỹ sau khi hất cẳng Pháp. Đẩy Việt Nam hiện lên trên bản đồ thế giới với những trận chiến tàn khốc nhất nhì lịch sử thế giới cận đại.
Tác giả nói ngày 30/4 là dịp thành tâm nghĩ về những người đã ngã xuống trong cuộc chiến
Ở phía ngược lại, chính phủ VNDCCH đã không để bất cứ đồng minh nào tham chiến thay. Họ chỉ nhận viện trợ, cố vấn quân sự hoàn toàn nằm trên vĩ tuyến 17, họ hoàn toàn tự lực cánh sinh chiến đấu mặc dù phải chịu đựng tổn thất cực lớn. Thế nhưng dù với sức mạnh quân sự áp đảo, VNCH và đồng minh vẫn không thể đánh bại đối thủ trên chiến trường thì họ làm sao có thể giành thế thượng phong trên bàn đàm phán. VNCH không tự chiến đấu thì làm sao có thể giành quyền tự quyết cho họ. Hiệp định Paris 1973 là một ví dụ cay đắng cho tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu khi người Mỹ đơn phương quyết định điều khoản hoàn toàn bất lợi cho VNCH. Cái câu “thua một trận đánh nhưng thắng cả cuộc chiến” là điều chúng ta đáng phải suy ngẫm, học tập từ người cộng sản.
Đơn cử một ví dụ khác nữa trong suốt thời kỳ chiến tranh, tại sao VNCH không xâm lược miền Bắc? Vì họ hiền hơn? Không, chỉ đơn giản là họ không làm được trước sự chặt chẽ của miền Bắc. Bao nhiêu đợt xâm nhập đều bị đánh bật hoặc tiêu diệt tại chỗ.
VNCH là một chính thể được dựng lên sau, có ưu thế hơn hẳn về kinh tế quân sự và được bao đồng minh hùng mạnh giúp đỡ với những khoản viện trợ khổng lồ. Nhưng họ không thể làm được điều họ mong muốn là trở nên một quốc gia cường thịnh và thống nhất Việt Nam. Thay vào đó là nền chính trị lỏng lẻo, kinh tế phập phù lệ thuộc vào chiến phí, tổ chức quân đội yếu kém… thì bạn tiếc gì một chính thể như vậy. Trong khi người Mỹ là kẻ thực dụng, họ thuyết phục được Trung Hoa quay sang chống liên bang Xô Viết thì đương nhiên họ phải nhả miêng xương này ra thôi, sao họ phải mãi ném người, tiền vào cái túi không đáy này được.
Đến giờ chúng ta vẫn tiếc rẻ cho nhà Tây Sơn. Vậy tại sao chúng ta không công tâm với nhà nước hiện tại của Việt Nam, một nhà nước đã chấm dứt sự chiếm đóng của Pháp và sự can dự của Mỹ.
Họ đã làm được việc cả Nguyễn Huệ và Nguyễn Ánh từng thành công. Nếu lấy những tiêu chí thụ hưởng vật chất xã hội và quyền lợi chính trị của bộ phận nhỏ thị thành ra để đánh giá thành công hay thất bại trong mô hình xã hội thì đó là một tiêu chí bất công. Vì những cái bất cập hiện tại là ngoài việc duy ý chí của chế độ này. Nó còn do những di sản tiêu cực của lịch sử Việt Nam, từ những thói quen xấu chung của người Việt, cho đến sự cạnh tranh quốc tế gay gắt. Sự thụ hưởng vật chất là điều không sớm hay muộn mà thôi, nếu một quốc gia làm tốt khâu quản trị kinh tế. Chính cái quyền tự quyết vận mệnh quốc gia mới là cái di sản đáng giá nhất mà người cộng sản để lại cho Việt Nam, mỗi khi nghĩ về dịp 30/4 thống nhất Việt Nam.
Dù sao hiện tai, tôi cũng không tán thành những lễ kỷ niệm xa hoa vào ngày 30/4 hàng năm làm gì. Tôi nghĩ rằng nên thành tâm nghĩ về những người đã ngã xuống trong cuộc chiến là đủ.
Dù người thành kẻ bại, thì tất cả đã chết vì một mục tiêu chung đó là sự toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam. Phải chăng đến lúc chữ "kẻ địch" nên thay bằng “đối phương” là được rồi.
Ở vị trí nào đi nữa thì cách thu phục lòng người tốt nhất há chẳng phải là tôn trọng người đối lập với mình chăng. Cay cú hay tự phụ đều là tâm lý của kẻ nhược tiểu. Lịch sử nhân loại đã chọn Việt Nam làm nút thắt khốc liệt nhất của hai dòng ý thức hệ đối lập. Dân tộc Việt Nam đã vượt qua được bằng nỗ lực không tưởng. Do đó không có lý do gì mà ta lại phải nhìn về 40 năm trước bằng tâm lý nhược tiểu nữa.
Hãy ngẩng đầu lên, bắt tay và nhìn về phía trước đi.
Bài viết nêu quan điểm riêng của tác giả, sống tại Sài Gòn và làm việc tại Malaysia cho một công ty dầu khí đa quốc gia. Bài được gửi tới BBC sau khi BBC mời độc giả tham gia viết bài vở, đóng góp tư liệu, chia sẻ thông tin, cảm nghĩ về sự kiện 30/04/1975 về địa chỉ vietnamese@bbc.co.uk.

No comments:

Post a Comment