2015-04-13
Hàng nghìn công nhân Công ty Pouyen Việt Nam (TP HCM) đã xuống đường tuần hành phản đối quy định bảo hiểm mới trong 5 ngày qua. 31/3/2015-RFA
Vùng lên hỡi những nô lệ ở thế gian
Vùng lên hỡi ai cơ khổ bần hàn...
Đó là lời của bài Quốc tế ca, bài hát chính thức của tất cả những người cộng sản trên toàn thế giới. Bài hát này vẫn được cất lên trong những buổi lệ long trọng tại Việt nam, nơi mà quyền lực của đảng cộng sản là một thực tế tối thượng. Trong những thước phim tuyên truyền của đảng người ta thường nghe giai điệu bài ca này, cùng hình ảnh cờ đỏ búa liềm trên nền những đám đông công nhân đình công, biểu tình đòi quyền sống.
Tuần lễ đình công của công nhân
Không có Quốc tế ca, cũng không có cờ đỏ búa liềm trong cuộc đình công của hơn 100 ngàn công nhân tại các khu công nghiệp phía Nam, và kéo dài sang tuần qua của 3500 công nhân tại Long An.
Quan sát các cuộc đình công của công nhân, Lê Huy Canh viết trên trang blog Tuzo:
Năm nay, và tới đây, chúng ta sẽ chứng kiến một tình thế khó khăn đối với các nhà lãnh đạo, với đảng cs. Sự tụt hậu của nền kinh tế so với khu vực, nợ nần, đổ vỡ của các doanh nghiệp nhà nước, đời sống quá nghèo khó của đại bộ phận những người lao động trong nhiều chục năm qua; con đường cổ phần hóa DNNN buộc phải diễn ra, những cuộc đình công nổ ra, lan rộng trong những ngày qua sẽ ngày càng làm rõ ràng hơn tình thế có tính bi kịch đó.
Công nhân đã đình công để phản đối Bộ luật bảo hiểm xã hội của nhà nước Việt nam, không cho họ lãnh tiền một lần sau khi nghỉ việc. Blogger Hiệu Minh viết bài Lan man về sổ hưu, trong đó ông phân tích cách mà người công nhân ở Mỹ hưởng tiền bảo hiểm xã hội của mình. Kết thức bài viết Hiệu Minh kêu gọi nhà nước Việt nam nên trả lại cho người lao động quyền quản lý và tiêu xài tiền bảo hiểm của mình. Hiệu Minh là người sống và làm việc nhiều năm ở Mỹ, đất nước sản sinh ra ngày quốc tế lao động 1/5.
Trang blog Bauxite Việt nam bình luận rằng Luật pháp đã tước đi chút quyền cuối cùng của họ: quyền lựa chọn. Vậy thì họ phải chiến đấu vì sự sống, vì cái bụng thiêng liêng. Đảng yên tâm đi, đừng nhọc công tìm kẻ xúi bẩy, kẻ cầm đầu. Kẻ cầm đầu là cái đói.
"Sự tụt hậu của nền kinh tế so với khu vực, nợ nần, đổ vỡ của các doanh nghiệp nhà nước, đời sống quá nghèo khó của đại bộ phận những người lao động trong nhiều chục năm qua; con đường cổ phần hóa DNNN buộc phải diễn ra, những cuộc đình công nổ ra, lan rộng...làm rõ ràng hơn tình thế có tính bi kịch đó
"-Lê Huy Canh
Trên trang blog Bauxite Việt nam người đọc cũng gặp bài của Thạc sĩ Nguyễn Tiến Trung, người tù chính trị vừa được trả tự do. Anh đặt vấn đề tại sao đảng cộng sản cầm quyền ở Việt nam tự xưng là đại diện của giai cấp công nhân mà công nhân lại có ít quyền lợi đến mức phải đình công như vậy? Anh đề cập thêm chuyện nhà nước do đảng lãnh đạo thường xuyên nhấn mạnh lợi thế của Việt nam trên cuộc cạnh tranh thế giới hiện nay là công nhân giá rẻ, và câu hỏi đặt ra là hóa ra những người công nhân Việt nam lại là những người bị bóc lột rất nặng nề.
Nguyễn Tiến Trung viết rằng công đoàn thì chẳng đại diện gì cho công nhân cả.
Ông Nguyễn Thiện Nhân, người quan sát cuộc đình công của 3500 công nhân tại Long An thì nói về tổ chức được coi là đại diện cho quyền lợi của người lao động Việt nam là công đoàn như sau:
“Công đoàn ở Việt nam thì họ tê liệt, họ đâu có một sức mạnh nào để mà bảo vệ quyền lợi của công nhân. Họ làm việc trên sự quản lý của Tổng liên đoàn lao động và trực thuộc Chính phủ. Chính phủ thì vướng sự lãnh đạo của đảng cộng sản, thì làm gì có tiếng nói độc lập để bảo vệ quyền lợi của công nhân.”
Một cây bút quen thuộc trên các trang blog là Thiện Tùng nhắc lại lời nói của ông tổ của những người cộng sản là Karl Marx rằng giai cấp lao động phải vùng lên đánh đổ những nhà tư bản, và kết cục là tất cả đều sụp đổ, sụp đổ. Thiện Tùng viết rằng đáng ra phải có công đoàn, mà là công đoàn độc lập để làm cầu nối giữa giới chủ và những người làm công, từ đó công ty rồi xã hội mới phát triển được.
Câu chuyện về công đoàn độc lập cho đến hôm nay vẫn là giấc mơ cho những nhà hoạt động dân sự Việt nam, vì nhà nước do đảng cộng sản lãnh đạo vẫn cương quyết không chấp nhận.
Ông Nguyễn Phú Trọng là ai?
Câu chuyện thứ hai được nhiều blogger bàn đến trong tuần này là việc người đứng đầu đảng cộng sản Việt nam Nguyễn Phú Trọng đi Trung quốc.
Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn viết rằng cứ mỗi lần nghe tin một vị lãnh đạo Việt nam nào đó đi Trung quốc thì ông lại thấy lo sợ. Một nhà báo Việt nam cũng chia sẻ nỗi sợ của Giáo sư Tuấn trên mạng xã hội. Và nỗi sợ lần này của họ rất cụ thể, đó là thõa thuận cùng nhau khai thác dầu khí giữa Việt nam và Trung quốc tại vịnh Bắc bộ.
"Công đoàn ở Việt nam thì họ tê liệt, họ đâu có một sức mạnh nào để mà bảo vệ quyền lợi của công nhân. Họ làm việc trên sự quản lý của Tổng liên đoàn lao động và trực thuộc Chính phủ. Chính phủ thì vướng sự lãnh đạo của đảng cộng sản, thì làm gì có tiếng nói độc lập để bảo vệ quyền lợi của công nhân"-Nguyễn Thiện Nhân
Thõa thuận này cũng nằm trong thông cáo chung giữa ông Nguyễn Phú Trọng và người đồng nhiệm Trung quốc là ông Tập Cận Bình, bên cạnh những điều không có gì mới như là tình hữu nghị và sự lãnh đạo của đảng cộng sản. Giáo sư Tuấn viết là thõa thuận này nhắc mọi người nhớ đến những dự án có sự tham gia của người Trung quốc mà công luận lo ngại như là Bauxite Tây Nguyên, khu công nghiệp Vũng Áng. Ông kết luận là như thế thì tương lai dân tộc này sẽ còn chìm trong bóng tối rất lâu.
Nhân chuyến đi của ông Trọng sang Trung quốc, Giáo sư Nguyễn Hưng Quốc nhắc lại lời của Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng quốc phòng Việt nam trong đoàn quan chức của ông Trọng. Ông Thanh đã từng nói rằng ông rất lo ngại vì ở Việt nam hiện nay đi đâu ông cũng thấy người ta ghét Trung quốc, ông cho rằng như thế rất nguy hại cho dân tộc.
Giáo sư Nguyễn Hưng Quốc lại thấy rằng hóa ra đảng cộng sản Việt nam lại không đại diện cho quan điểm đó của người Việt nam.
Một điều khác cũng được Giáo sư Tuấn lưu ý, là trong lời mời ông Tập sang Việt nam, ông Trọng lại đại diện cho cả nhà nước và chính phủ Việt nam nữa. Giáo sư Tuấn viết rằng sự lẫn lộn, nhập nhằng giữa độc đảng và Nhà nước, và sự nhập nhằng đó thậm chí làm cho người trong hệ thống cũng đôi khi quên mình là ai!
Và tháng tư lại đến
Ông Nguyễn Phú Trọng cuối cùng cũng chấm dứt chuyến thăm Trung quốc của ông, và người ta chờ đợi một chuyện chưa có tiền lệ là người đứng đầu đảng cộng sản này sẽ thăm chính thức nước Mỹ, nơi từng được đảng của ông gọi là thành trì của chủ nghĩa tư bản bóc lột.
Ông Trọng chắc chắn cũng sẽ gặp những cuộc biểu tình của những người cùng tiếng nói với ông, những người mà đảng cộng sản vẫn cho rằng họ đang ra sức hòa giải suốt mấy mươi năm sau khi cuộc chiến Việt nam kết thúc.
Tác giả Đỗ Kim Thêm lại nhận xét rằng công cuộc hòa giải mà đảng cộng sản khởi xướng cách đây gần 30 năm thực chất chỉ là mong muốn thu hút tiền bạc và của cải của người Việt ở hải ngoại mà thôi. Tác giả viết tiếp là Lý do chính là người Việt đã không có và sẽ không thể chia sẻ một quá khứ chung của lịch sử cận đại. Bốn mươi năm sau khi kết thúc chiến tranh, dân Việt vẫn còn bị phân chia. Người Việt cảm thấy chưa thuộc về nhau bởi vì họ đã sống và nghĩ không cùng trong một nhận thức về quan điểm đấu tranh. Đó là một gánh nặng trong lịch sử mà họ vẫn còn bị mang ít nhiều tổn thương.
Điều mà Đỗ Kim Thêm nhận xét như được minh họa bằng phát biểu gần đây của ông Nguyễn Thế Kỷ, nhân vật số hai của cơ quan tuyên truyền của đảng cộng sản. Ông Thế kỷ nói về văn học miền Nam trước năm 1975 rằng Ở miền Nam đã sinh ra một dòng văn học bị nô dịch phục vụ cho chính quyền tay sai bán nước, phục vụ cho bộ máy chiến tranh.
Cũng trong chiều hướng như thế, báo chí Việt nam đưa tin về bà Kim Phúc, cô bé bị bỏng nặng vì bom Napal năm xưa, trong đó nói rằng bà Kim Phúc đã xin đi định cư tại Canada. Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn lên tiếng nói rằng không phải bà Phúc xin đi định cư mà bà xin đi tị nạn, để thoát khỏi cái cảnh quanh năm suốt tháng làm vật tuyên truyền của đảng. Giáo sư Tuấn cho rằng những người cầm quyền ở Việt nam vẫn còn chưa chấp nhận hai chữ tị nạn, mặc dù chính họ đã gây ra làn sống thuyền nhân chưa có tiền lệ đó trong lịch sử dân tộc. Ông viết rằng thuyền nhân chính là một vết nhơ trong lịch sử Việt nam.
Trở lại với tháng Tư, nhưng suy nghĩ hướng về phía trước cho một tương lai của dân tộc Việt nam tác giả Đỗ Kim Thêm kết luận
Thế hệ hậu chiến không cần có một lý tưởng cầu toàn để canh tân đất nước, một ảo tưởng trí thức để thăng hoa bản sắc văn hoá hay các biện pháp xé rào để cứu Đảng, mà cần nhất là có một ý thức bừng tỉnh về sự tồn vong của dân tộc.
Sự bừng tỉnh đó cũng chính là mục tiêu mà những nhà hoạt động dân chủ trẻ tuổi trong nước đang hướng đến. Nhà báo Đoan Trang viết
Bạn biết đấy,những kẻ bắt nạt chúng ta không thích gì hơn là khi thấy chúng ta cứ im lặng để bọn họ tiếp tục bắt nạt. Một sự nhịn không có nghĩa là chín sự lành đâu các bạn.
Đó cũng là lời cuối mà chúng tôi xin mượn Đoan Trang để kết thúc cho bài điểm blog tuần này.
http://www.rfa.org/vietnamese/programs/ReadingBlogs/vn-endl-aprl-story-04132015052514.html/04132015-vn-endl-aprl-story.mp3
No comments:
Post a Comment