Monday, April 13, 2015

Công an có 'quyền' cho 203 phạm nhân 'tự tử'

HÀ NỘI (NV) - Đó là “chỉ tiêu” mà Quốc Hội Việt Nam xác định tại “Dự thảo nghị quyết về phòng, chống oan sai trong hoạt động tố tụng hình sự.” Dự thảo nghị quyết này còn nhiều chỉ tiêu bất nhân khác.


Vài vết tích trên thi thể ông Ngô Thanh Kiều - người mà lúc đầu, công an Phú Yên cho là bị bệnh chết. Vì áp lực dư luận, hệ thống tư pháp CSVN phải thừa nhận ông chết do bị tra tấn để ép nhận tội. (Hình: Internet)

Cuối tuần qua, Ủy Ban Thường Vụ của Quốc Hội Việt Nam tiếp tục thảo luận về những vấn đề có liên quan đến tình trạng hệ thống tư pháp Việt Nam (bao gồm các ngành: Công An, Kiểm Sát, Tòa An) truy tố, kết án nhiều người vô tội, tra tấn nghi can ép họ nhận tội, để xảy ra nhiều trường hợp tử vong bất thường khi đang bị tạm giữ, tạm giam.

Tình trạng này vốn đã trở thành một vấn nạn nghiêm trọng, khiến công chúng phẫn nộ nên năm 2013, Quốc Hội của chế độ tuyên bố, “phòng chống oan sai” sẽ là “một trong những nhiệm vụ trọng tâm” của họ. Quốc Hội CSVN đã thành lập một đoàn công tác đặc biệt để kiểm tra về “oan, sai” trong việc áp dụng các qui định pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và bồi thường thiệt hại cho người bị hàm oan.

 Tuần qua, Đoàn công tác đặc biệt đã điều trần trước Ủy Ban Thường Vụ của Quốc Hội Việt Nam, theo đó, từ 1 tháng 10 năm 2011 đến 30 tháng 9 năm 2014, tại Việt Nam có 226 nghi can chết khi đang bị tạm giữ, tạm giam. Bộ Công An báo cáo, những nghi can này đều chết do “bị bệnh” hoặc “tự sát.”

Trong buổi điều trần vừa kể, đoàn công tác đặc biệt xác nhận, từ 1 tháng 10 năm 2011 đến 30 tháng 9 năm 2014, hệ thống tư pháp Việt Nam đã bắt oan, giam oan, kết án oan 71 người vô tội. Cụ thể, Công an Việt Nam đã phải “đình chỉ điều tra” 31 bị can do họ không phạm tội, trả tự do cho 12 bị can do “hết thời hạn điều tra nhưng không chứng minh được bị can có tội. Ngành Kiểm Sát đã “đình chỉ điều tra” 9 bị can do họ không phạm tội. Ngành Tòa Án đã tuyên bố 19 bị án vô tội dù bản án đã có hiệu lực.

Sau khi nghe điều trần và thảo luận về những vấn đề có liên quan đến tình trạng hệ thống tư pháp Việt Nam liên tục tạo ra oan sai đối với các công dân vô tội, Ủy Ban Thường Vụ của Quốc Hội CSVN đã thảo luận để chuẩn bị ban hành một “Nghị quyết về phòng, chống oan sai trong hoạt động tố tụng hình sự.”

Dự thảo của “Nghị quyết về phòng, chống oan sai trong hoạt động tố tụng hình sự” có đề ra một số “chỉ tiêu” làm nhiều người chưng hửng.

Ví dụ hệ thống tư pháp Việt Nam phải “giảm ít nhất 10% một năm các trường hợp chết do tự sát và không để xảy ra trường hợp bị đánh chết tại nơi giam giữ.” Nếu theo “chỉ tiêu” này thì năm nay, công an Việt Nam đừng để số phạm nhân “tự tử” tại các trại tạm giữ, trại tạm giam, trại giam vượt quá con số 203 người là đã “hoàn thành chỉ tiêu” mà Quốc Hội Việt Nam... đề ra đối với việc “phòng chống oan sai.”

Dự thảo của “Nghị quyết về phòng, chống oan sai trong hoạt động tố tụng hình sự” của Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội CSVN còn đặt định một số “chỉ tiêu” khác như hệ thống tư pháp Việt Nam phải “giảm ít nhất 1% một năm các trường hợp bắt, tạm giữ hình sự sau đó chuyển sang xử lý hành chính (bắt oan, giam oan),” “giảm 10% một năm số vụ tạm đình chỉ điều tra để chống bỏ lọt tội phạm (nhận hối lộ để tha tội phạm),”...

Khi Ủy Ban Thường Vụ của Quốc Hội của chế độ thảo luận về dự thảo nghị quyết vừa kể, một số thành viên của ủy ban này đã thấy không ổn. Ông Phan Trung Lý, chủ nhiệm Ủy Ban Pháp Luật của Quốc Hội Việt Nam, bảo rằng, tại sao nhân mạng vốn là điều quan trọng mà lại đặt chỉ tiêu về nhân mạng.

Ông Lý cho rằng, muốn chống oan sai, lẽ ra phải yêu cầu hệ thống tư pháp thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật, đặc biệt là những qui định liên quan đến tố tụng (thủ tục bắt giữ, truy tố, xét xử), chứ không thể cho phép “ít nhất 5% hay 10%” được. Theo nhận vật này, một người chết khi đang bị giam đã “thành chuyện,” thành ra không thể tính phần trăm.

Còn ông Huỳnh Ngọc Sơn, phó chủ tịch Quốc Hội thì bảo rằng, chỉ cần có một vụ oan sai là đã có tội lớn với dân, xã hội đã rúng động xã hội. Thậm chí số vụ oan sai có thể không phải là 71 như đã phát hiện, thành ra không thể nhận định “oan sai không nhiều” vì chỉ có “0,02% tính trên tổng số vụ án.” (G.Đ)
04-13- 2015 3:00:34 PM

No comments:

Post a Comment