Friday, April 3, 2015

Loạn chiêu trò ‘kê’ giá trong thị trường nhà đất Việt Nam

HÀ NỘI (NV) - Chỉ sau 1 đến 2 ngày khai trương và bán hàng trăm căn nhà chung cư, với chiêu tạo cơn sốt và “kê” thêm tiền chênh lệch, có khi lên đến cả chục tỷ đồng, giới “cò đất” chia nhau sống khỏe.


Phần lớn khách hàng bất đắc dĩ phải mua nhà với giá cao. (Hình: Tiền Phong)

Theo truyền thông Việt Nam, “kê” giá bán là “bệnh nan y” của thị trường bất động sản (BĐS) Hà Nội và ngày càng có xu hướng lan rộng.

Tờ Tiền Phong cho hay, nghe thông tin mở bán dự án chung cư tòa C của Vinaconex 2 tại khu đô thị Golden Silk, quận Hoàng Mai, có mức giá quảng cáo chỉ từ 18 triệu đồng/m2, ông Ngô Thanh Tùng, 42 tuổi, hăm hở đến xem. Tuy nhiên, khi đến xem nhân viên môi giới đưa ra mức cao hơn từ 1.5 đến 2 triệu đồng/m2 so với giá gốc của chủ đầu tư.

Ông Tùng nhẩm tính, với một căn chung khoảng 60m2, số tiền người mua phải trả thêm khoảng 120 triệu đồng. “Nói là giá nhà giảm, mua giá gốc nhưng thực tình người mua nhà chẳng bao giờ được mua với giá gốc từ chủ đầu tư đưa ra,” ông Tùng thất vọng.

Tương tự như vậy, hiện tượng giá chênh lệch đã xuất hiện ở hàng loạt dự án từ bình dân tới trung cấp, thậm chí cả cao cấp. Một số chủ đầu tư kỳ vọng lợi nhuận cao hết mức có thể, nên đã giao cho các nhà môi giới tự do đẩy giá cao.

Chẳng hạn, dự án chung cư Linh Đàm vừa mở bán mức chênh khoảng 40-50 triệu đồng/căn, thậm chí có căn đẹp hướng mặt hồ chênh lệch lên tới 300 triệu đồng/căn.

Thực tế, việc “kê” thêm giá bán hay “bán nhỏ giọt” là chiêu trò của không ít chủ đầu tư BĐS tại Việt Nam. Mỗi đợt tung hàng ra thị trường, họ chỉ bán với số lượng nhất định để các đơn vị thứ cấp và nhà đầu tư gom lại. Tới khi bán cho người muốn mua thì mức giá đã bị đẩy lên.

Về phía người mua nhà, tuy có quyền từ chối, song với thị trường thì hầu hết đều phải “cắn răng” để mua được nhà.

Giải thích về hiện tượng “kê” giá đang diễn ra tại nhiều dự án BĐS ở Việt Nam, ông Phạm Đức Toản, đại diện EZ Việt Nam, cho rằng, “Đây là hệ quả từ bản chất chi phí ngầm trong BĐS tại Việt Nam. Bởi để xin và thực hiện một dự án, các doanh nghiệp phải chi rất nhiều chi phí ngầm không thể kể tên, không có hóa đơn chứng từ. Vì vậy, việc họ ‘kê’ thêm giá là để lấy lại nguồn thu bù lấp các chi phí ngầm đó.”

Trả lời báo Tiền Phong, ông Trần Ngọc Quang, tổng thư ký Hiệp Hội BĐS Việt Nam cho rằng, đây là điều đáng lo ngại. Tuy nhiên, “Trên thực tế thị trường không thể tránh khỏi những nơi môi giới không chuyên nghiệp, do đó như các hàng hóa khác, người mua cũng cần có sự thông thái khi lựa chọn,” ông Quang biện minh.

Để loại bỏ hoàn toàn việc “kê” giá BĐS, theo ông Quang cần phải có sự xử phạt nghiêm của các cơ quan quản lý nhà nước, cũng như sự tẩy chay của người mua với các tổ chức, cá nhân làm việc này. (Tr.N)

04-03-2015 2:20:13 PM

No comments:

Post a Comment