Một cảnh lũ lụt ở Hà Tĩnh vào năm 2014 vừa qua- AFP
Những ngày cuối tháng Ba, các quan chức từ cấp tỉnh xuống cấp xã, cấp thôn của Thừa Thiên – Huế ăn mừng, ca hát, liên hoan kỉ niệm ngày thành phố và tỉnh này cắm cờ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa cũng là những ngày người dân tỉnh Thừa Thiên – Huế phải gồng mình chống chọi với mưa gió, lũ lụt. Trong mấy ngày gần đây, nếu tính trên tổng quan thì miền Trung, từ Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi, Quảng Nam cho đến Thừa Thiên – Huế, người dân nơm nớp lo sợ lụt lớn và những người dân sống ven sông phải đối diện với tổn thất, nỗi buồn. Trong khi đó, giới quan chức các tỉnh này tha hồ ăn chơi, mừng vui.
Kẻ khóc người cười
Chỉ riêng thành phố Đà Nẵng, mặc dù nông dân ở các quận Liên Chiểu, Hòa Vang, Cẩm Lệ phải chịu thất bát mùa màng vì mưa nhưng thành phố vẫn chi ra trên 10 tỉ đồng để tổ chức liên hoan toàn thành phố. Không khí ăn nhậu diễn ra khắp thành phố. Nhiều người nhắc đến một câu nói của Cố Bí thư thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh rằng “Đà Nẵng giàu nhất Việt Nam bởi Đà Nẵng nhậu nhiều nhất Việt Nam”.
Ở Quảng Nam, mỗi hộ dân (tức mỗi gia đình) được nhận có nhà 100 ngàn đồng, có nhà nhận thấp nhất là 25 ngàn đồng để ăn lễ. Trong thời gian này, tượng đài Mẹ Thứ với tổng kinh phí 416 tỉ đồng và nhà nghỉ cán bộ, còn gọi là nhà khách tỉnh, bảo tàng Quảng Nam với tổng kinh phí cả ba hạn mục gần 1000 tỉ đồng cũng được khánh thành hoành tráng mà theo một nhà báo trong nước là chương trình khánh thành tượng đài Mẹ Thứ làm “trời xúc động đổ mưa”. Trong khi đó, chính phủ vừa xuất cho tỉnh Quảng Nam trên hai ngàn tấn gạo để cứu đói. Nông dân Đại Lộc đứng ngồi không yên vì mùa màng bị lụt cuốn trôi.
Tại Quảng Ngãi, không khí ăn chơi không được phổ biến cho lắm nhưng các cơ quan vẫn tổ chức lễ rình rang trong lúc nông dân ven sông Vệ, sông Ba và sông Trà Khúc phải bưng mặt khóc vì mùa màng thất bát, dưa hấu bị ngập lụt, mất trắng.
Riêng tỉnh Thừa Thiên – Huế, một nông dân tên Hải, chia sẻ: “Lụt to lắm, hoa màu, đất khô hư hết, Quảng Phú, Quảng Thọ, đậu mè, khoai sắn hư hết, đậu phụng đó. Mùa ni là mùa chủ lực, đây là mùa lấy ngắn nuôi dài, ăn nhờ mùa ni đây. Lẽ ra người ta thu được chừng đó tiền trong mùa nhưng giờ lụt lấy đi mất.”
Theo ông Hải, năm nay có thể là một năm đói của nông dân các huyện Quảng Điền, Hương Trà và Phú Lộc bởi nước lũ đã ngập đúng ngay thì lúa trổ đòng, ngậm sữa. Và với cây lúa, chỉ cần một trận mưa nhỏ ngay dịp lúa trổ đòng, ngậm sữa cũng có thể khiến cho mất mùa, cả cánh đồng lép hạt. Trong khi đó, một trận mưa kéo dài hơn ba ngày dẫn đến ngập lụt toàn bộ lúa ở các cánh đồng chủ lực của các huyện này đã đe dọa an ninh lương thực của nông dân ở đây.
Các huyện ở đây sản xuất hai vụ lúa mỗi năm trên các đồng ruộng và hai vụ đậu xanh, đậu phộng mỗi năm trên các bãi bồi ven sông, thậm chí, một số xã thuộc huyện Quảng Điền được xếp vào diện “bãi ngang” chỉ có thể sản xuất được một vụ lúa duy nhất trong năm là vụ Đông Xuân. Như vậy, vụ Đông Xuân hiện tại là vụ chủ lực, quyết định lương thực cả năm của người dân.
Nhưng trong điều kiện thời tiết mưa gió, cộng thêm đập thủy điện Hương Điền xả lũ bất ngờ đã khiến các huyện liên đới bị ngập lụt nặng. Như vậy, vụ Đông Xuân sẽ bị mất trắng. Mặc dù đang là mùa Xuân nhưng người nông dân lại tắt mất hy vọng, phải trông chờ vào vụ Xuân Hè muộn trong khi vụ lúa này hằng năm có thể bị mất trắng do mưa bão đầu mùa vào tháng Tám. Và vụ lúa để gở gạt lại là vụ lúa đầy tai ương, rủi ro. Với những nông dân chỉ chuyên canh ruộng lúa, bãi biền trồng dưa, đậu mè thì sự thất thu của vụ Đông Xuân xem như sự thất bại của cả năm. Một năm đói khó đang chờ phía trước.
Trong khi người nông dân chạy đôn chạy đáo chống lũ, buồn bã và lo lắng, nhiều cán bộ Đoàn, cán bộ Đảng và giới quan chức địa phương cấp huyện ở đây lại thả sức liên hoan, ăn chơi. Đương nhiên số tiền mà họ dùng để ăn chơi, đàn đúm đều do thuế của nhân dân mà có. Đặc biệt ở các huyện nghèo, nguồn thuế chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Ông Hải nói rằng điều đáng buồn nhất là cùng một màu da, cùng một dân tộc với nhau nhưng người ta lại nở vui vẻ, ăn chơi trong lúc đồng bào vật vã chống chọi với thiên tai, nhân họa. Như vậy chẳng khác nào cảnh kẻ khóc người cười.
Thủy điện sẽ nói gì, làm gì?
Một người dân khác tên Phúc, ở xã Quảng Thành, huyện Quảng Điền, bức xúc: “Nó bị ngập ở ruộng đồng, có trôi đồ giống họ như heo, gà. Nước lên lút đồng thì phải hư chứ, thất thu khoảng 30% (tính tổng cộng, trong khi đó nông nghiệp số lãi chưa tới 30%). Nói chung là do họ xả đập cho bớt nước trong đập vì sợ. Rau, cải, hoa màu hư nhiều vì chỉ cần bị nước là hư.”
Theo Ông Phúc, vấn đề thủy điện Hương Điền xả lũ gây hư hại mùa màng không phải xãy ra lần đầu ở Huế. Trong các trận lụt nhiều năm trước, năm nào lũ lên một cách đột ngột, người dân không kịp trở tay cũng đều do thủy điện này xả lũ. Và trong bối cảnh xả lũ gây hư hại nặng như vậy, người nông dân chỉ biết cúi đầu khóc thầm chứ không thể thưa kiện được ai và cũng chẳng nhận được sự chia sẻ nào từ nhà máy thủy điện này.
Trong khi đó, ngay cả việc thủy điện này tồn tại và hoạt động, nó chẳng giúp được gì cho người nông dân ở các huyện nghèo, giá điện vẫn tăng đều đều. Trong khi đó, khi thủy điện xuất hiện, mỗi lần xả lũ của nó cũng là một lần người nông dân phải chống chọi với nhân họa, mất mùa, khó khăn.
Ông Phúc lắc đầu chua chát nói thêm với chúng tôi rằng làm một nông dân như ông, trời mưa cũng thấy lo lắng, trời nắng cũng thấy buồn, người ta xả đập thì cuốn cuồng, vội vã, khi mình bị mất trắng mùa với nỗi buồn não ruột thì người ta vẫn ung dung ngồi nhậu, ăn chơi đàn đúm. Trong khi đó, người ta đang sung sướng, hưởng thụ trên chính nỗi khổ của người nông dân. Lẽ ra họ phải trả công bằng cho người nông dân nhưng có vẻ như chuyện này khó mà xãy ra.
Một năm đói khổ lại đến với gia đình ông Phúc và nhiều gia đình hàng xóm của ông nói gần và ở cái xứ quê của ông khi nói xa một chút. Cái xứ mà theo ông là kẻ vui cười chơi lễ
cũng nhiều, người khóc buồn vì lụt cũng không ít trong lúc này.
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.
No comments:
Post a Comment