Hải Ninh, phóng viên RFA
2015-03-14
Lễ hội chém lợn ở làng Ném Thượng, xã Khắc Nam, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh vào trưa 24/02/2015 (mùng 6 Tết).Courtesy PNO
Một ngôi làng nhỏ ở Bắc Ninh bỗng dưng trở thành tâm điểm của sự chú ý của cả nước lẫn quốc tế sau khi lễ hội chém lợn của họ bị chỉ trích về sự dã man. Dư luận chia thành hai chiều, một phản đối muốn từ bỏ lễ hội còn một bên muốn duy trì truyền thống văn hoá từ lâu nay. Câu hỏi đặt ra bây giờ là liệu Việt Nam có nên giữ lại những lễ hội bị coi là phản cảm giống lễ chém lợn hay không. Nếu cấm lễ hội thì liệu có ảnh hưởng tới tự do tín ngưỡng và văn hoá của người dân và nếu giữ lại thì phải làm thế nào cho đỡ phản cảm.
Truyền thống văn hóa
Trong các đoạn video quay lại cảnh chém lợn ở giữa sân đình tại làng Ném Thượng ở Bắc Ninh hôm mùng 6 Tết Nguyên Đán, được đăng trên mạng, hai con lợn bị trói bốn chân, ép chặt trong chiếc xe cũi gỗ màu đỏ. Hàng trăm, hàng nghìn người vây quanh sân đình trong khi những người khác thực hiện nghi lễ chém.
"Trước kia, đó là những phong tục hèm nên làm ban đêm, nên những người ngoài cộng động không được tham gia. Còn hiện nay có cả người nước ngoài, người thành phố đến nhìn thấy thế người ta chỉ nhấn mạnh đến cái phản cảm cửa nó thôi rồi quy kết người dân là không đúng."-Ông Ngô Đức Thịnh
Anh Tiến, 33 tuổi, ở Bắc Ninh sống cách nơi tổ chức lễ hội chém lợn chỉ khoảng một cây số. Dù vậy, phải đến năm ngoái anh mới biết tới lễ hội ở ngôi làng này và năm nay anh quyết tâm tới tận nơi để xem cho biết chém lợn là thế nào. Trong sân đình làng Ném Thượng hôm đó là vô số người tò mò về lễ hội giống anh Tiến:
“Lúc đấy mình đến thì cũng đông người rồi. Thực ra nhiều người đến là vì báo đưa tin nên người ta tò mò. Có người còn nói là không xem được chém lợn thì không về cơ mà.”
Hàng năm cứ đến mùng 6 Tết âm lịch là dân làng Ném Thượng lại tổ chức lễ chém lợn. Theo truyền thuyết, vào cuối đời Lý, có một vị tướng tên là Lý Đoàn Thượng, đã chạy lên khu vực nay là làng Ném Thượng để đồn trú. Tại đây, ông đã tìm bắt và chém lợn để nuôi quân. Từ đó, người dân mở hội chém lợn hàng năm để tưởng nhớ vị tướng. Theo tín ngưỡng của người dân Bắc Ninh, máu lợn trong lễ hội này tượng trưng cho sự sung túc, khả năng sinh sản, sức sống tràn trề và mùa màng bội thu.
Khai mạc lễ hội cướp Phết Hiền Quan (Tam Nông, Phú Thọ)
Ông Ngô Đức Thịnh, giám đốc trung tâm nghiên cứu và bảo tồn văn hoá, tín ngưỡng Việt Nam, cho rằng sở dĩ những lễ hội như chém lợn, chọi trâu hay cướp cầu bị coi là dã man là vì nó được thực hiện giữa thanh thiên bạch nhật. Theo ông, cách thức tiến hành các nghi thức này không giống như truyền thống ngày xưa. Ông nói:
“Tôi có xem tài liệu của ông Toan Ánh là một người Bắc Ninh và ông viết bộ sách về phong tục Việt Nam và ông có trình bày hơi khác với việc diễn ra hiện nay. Trước kia, đó là những phong tục hèm nên làm ban đêm, nên những người ngoài cộng động không được tham gia. Còn hiện nay có cả người nước ngoài, người thành phố đến nhìn thấy thế người ta chỉ nhấn mạnh đến cái phản cảm cửa nó thôi rồi quy kết người dân là không đúng. Trước kia, hội chém lợn chỉ làm trong cộng đồng và chỉ làm buổi tối nhưng nay ta làm ban ngày làm giữa thanh niên bạch nhật thì nó rất phản cảm, nó phản lại tác dụng của lễ hội đó.”
Giải pháp
Những tranh cãi xung quanh lễ hội này bắt đầu nổ ra khi Tổ chức Động vật châu Á lên tiếng cho rằng lễ hội chém lợn của Việt Nam là tàn bạo nhất thế giới. Tổ chức này cũng kêu gọi dân làng Ném Thượng từ bỏ lễ tế động vật phản cảm này. Tuy vậy, mặc cho chỉ trích và kêu gọi, làng Ném Thượng vẫn tổ chức lễ hội chém lợn trong năm nay.
Ông Thịnh cho rằng chính việc dư luận và báo chí chỉ trích dân làng Ném Thượng là dã man, tàn bạo nên họ càng quyết tâm tổ chức chém lợn một lần nữa. Ông cho rằng có cách vừa giữ lại được truyền thống văn hoá, vừa giúp lễ hội này không bị coi là tàn bạo. Ông cho biết:
"Vận động cho người dân thấy đó là không nên làm và tự họ thay đổi chứ như hiện nay một cấp chính quyền ra lệnh đối với họ là không đúng với tinh thần tự chủ văn hoá của người dân."-Ông Ngô Đức Thịnh
“Thứ nhất xem lại cái gốc nó làm như thế nào. Nếu như có tục đó nếu như được làm bằng cách khác, nó không phản cảm như thế này. thứ hai, xem trong điều kiện hiện nay cái giao lưu trong nước cũng như quốc tế, toàn cầu hoá, xem các quy định có trái với quy định của luật đối với động vật hay gì không thì phải xem lại. Và nếu nó phản cảm và nó trái như đối xử thô bạo với động vật thì dần dần phải thay đổi. Tôi nhấn mạnh cái thay đổi phải là thay đổi của người dân là chủ thể của văn hóa đó chứ không phải cấp cơ quan nhà nước nào ra cái lệnh là từ nay cấm không được làm thế đó thì đó là trái với quyền văn hóa của cộng đồng. Tức là cho người dân thấy đó là phản cảm không phù hợp với hoàn cảnh hiện nay. Vận động cho người dân thấy đó là không nên làm và tự họ thay đổi chứ như hiện nay một cấp chính quyền ra lệnh đối với họ là không đúng với tinh thần tự chủ văn hoá của người dân.”
Anh Tiến, người ở Bắc Ninh, cũng phản đối việc “cộng đồng mạng” và báo chí hùa vào chỉ trích một ngôi làng nhỏ về lễ hội văn hoá của họ. Anh cho biết bản thân anh không dám ở lại buổi lễ đến cùng để xem bằng được cảnh chém lợn vì nó quá dã man, tuy nhiên, anh cho rằng có thể thay đổi một chút trong nghi thức để nó hợp lý hơn. Anh nói:
“Đúng theo truyền thống thì là các ông quân lính phải vào rừng để chăn lợn chạy tự do. Bây giờ nếu mà muốn giữ truyền thống thì để một con lợn chạy rồi người ta cưỡi ngựa chạy theo mà chém. Người ta phản đối là việc buộc bốn chân con lợn rồi chém thì nó hơi bị man rợ. Bản thân cái lễ hội đấy có nét độc đáo riêng và nếu hình thức thay đổi đi một chút thì sẽ hay hơn chứ bây giờ trên thế giới có nhiều cái như nhau hết, ít cái độc đáo.”
Hiện chưa rõ những lễ hội như chọi trâu hay chém lợn có bị dẹp bỏ hay không nhưng mới đây, chính phủ vừa đề nghị loại bỏ những lễ hội mang tính hủ tục, không còn phù hợp với xã hội văn minh nữa.
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/should-vn-controversial-festivals-hn-03142015105917.html/vnp031415.mp3
No comments:
Post a Comment