Saturday, March 14, 2015

'Tịch thu xe phạm luật' chỉ nhằm moi thêm tiền của dân

SÀI GÒN (NV) - Những ngày vừa qua, người dân Việt Nam xôn xao khi có tin Ủy Ban An Toàn Giao Thông của CSVN vừa có đề xuất chính phủ về việc “phạt nặng, tịch thu phương tiện đối với một số hành vi có nguy cơ cao gây tai nạn giao thông, trong đó có người uống rượu bia lái xe.”

 
Lượng xe hơi ở Việt Nam thường tập trung nhiều tại các thành phố lớn. (Hình: Việt Hùng/Người Việt)

Cụ thể, người lái xe hơi sẽ bị phạt tiền từ 8-15 triệu đồng và tước quyền sử dụng bằng lái 6 tháng nếu có nồng độ cồn đến 50 mg/100 ml máu hoặc 0.25 mg/lít khí thở. Phạt tiền từ 15-20 triệu đồng và tước bằng lái 12 tháng nếu nồng độ cồn trong máu từ 50-80 mg/100 ml hoặc 0.25-0,4 mg/lít khí thở, phải thi lại luật giao thông. Nồng độ cồn trong máu trên 80 mg/100 ml hoặc quá 0.4 mg/lít khí thở sẽ bị tước bằng lái 24 tháng và bị tịch thu xe, phải thi lại nội dung luật giao thông.

Hầu hết người dân đều cho rằng đề xuất nêu trên là không hợp lý, quá nặng so với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi vi phạm.

Cùng với đó, việc tịch thu xe sẽ làm phát sinh nhiều vấn đề pháp lý phức tạp, đặc biệt là khi xe đó không phải là xe của người lái mà chỉ là xe mượn, xe thuê, xe chuyển nhượng nhưng chưa sang tên.

Anh Nguyễn Văn Hóa, làm tài xế cho hang taxi Vinasun cho biết: “Ðồng ý việc uống rượu bia là có lỗi. Nhưng không thể tịch thu xe, vì đâu phải ai lái xe nào cũng là xe của họ. Ví dụ như tôi, xe này là xe của hãng taxi, nếu lỡ xảy ra việc trên, thì tôi lấy gì để đền cho hãng?”

Còn Luật Sư Hà Thục Uyên - Ðoàn Luật Sư Sài Gòn cho biết: “Nếu quy định tịch thu luôn cả xe không thuộc sở hữu của người điều khiển phương tiện thì quy định này sẽ vi hiến. Ðiều 32 Hiến Pháp 2013 đã quy định rõ mọi người có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất; và quyền sở hữu tư nhân được pháp luật bảo hộ.”


Người dân đặt câu hỏi những chiếc xe mang bảng số nhà nước vi phạm thì có bị tịch thu không. (Hình: Việt Hùng/Người Việt)

Còn anh Phạm Hồng Thái, là chủ doanh nghiệp trên đường Trần Quốc Thảo, Quận 3, cho biết: “Nhà nước nêu lý do để giải quyết vấn đề đảm bảo an toàn giao thông thì Nhà nước có nhiều giải pháp, không phải chỉ có biện pháp tăng nặng chế tài đối với hành vi vi phạm. Bên cạnh việc tăng nặng chế tài xử lý vi phạm thì để giảm thiểu tai nạn giao thông, Nhà nước còn có thể sử dụng các biện pháp như tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về an toàn giao thông, nâng cấp hệ thống đường giao thông, chấn chỉnh lại công tác tuần tra, kiểm soát của lực lượng cảnh sát giao thông...”

Anh cho biết thêm: “Nhất là hiện nay hoạt động tuần tra, kiểm soát giao thông đang có vấn đề, tình trạng ăn hối lộ của Cảnh Sát Giao Thông đáng báo động, nhất là tình trạng hối lộ cảnh sát giao thông để không phải bị phạt, do đó trước mắt là phải chấn chỉnh lại hoạt động này.”

Tuy nhiên, diễn biến gần đây, từ câu chuyện tịch thu xe máy khi đi vào đường cao tốc cho đến quy định tịch thu xe đối với người điều khiển xe máy vi phạm quy định về nồng độ cồn cho thấy có vẻ như Ủy Ban An Toàn Giao Thông Quốc Gia chỉ đang chăm chăm vào biện pháp tăng nặng việc xử phạt nhằm tăng thu cho ngân sách nhà nước.

Anh Phạm Nhật Thành đặt vấn đề: “Nếu một xe bản số xanh, đỏ (tức là xe của cơ quan nhà nước) vi phạm, thì có thu xe không? Ai chịu nộp phạt. Chẳng lẽ nhà nước thu xe của cơ quan nhà nước? Một nhà nước luôn được tuyên truyền là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Nhưng quy định pháp luật chưa bao giờ phù hợp với ý chí của nhân dân, phù hợp với tình hình thực tiễn, điều kiện kinh tế của người dân hiện nay.”

Luật gia Lưu Xuân Vũ tại Sài Gòn cũng cho rằng đề xuất trên không phù hợp quy định mọi công dân có quyền sở hữu tài sản trong Bộ Luật Dân Sự: “Luật không cấm công dân cho mượn, thuê phương tiện và thủ tục cho mượn thuê này đúng pháp luật. Vì vậy, lấy lý do gì để tịch thu xe của chủ sở hữu khi họ không biết, không quản lý được người mượn, thuê xe làm gì.”

Còn một người dân giấu tên cho biết: “Chính quyền này đã sắp hết tiền, nên suy nghĩ ra nhiều vấn đề để ‘moi tiền của dân nhằm duy trì bộ máy nhà nước cồng kềnh tốn kém. Chứ thực chất không phải để giảm thiểu tai nạn giao thông, vì nếu mục đích giảm thiểu tai nạn giao thông, thì chỉ cần chấn chỉnh phương cách làm việc của cảnh sát giao thông, sao cho họ không ăn hối lộ, phải làm tròn trọng trách của mình thì chắc chắn giảm thiểu được tại nan giao thông thôi.”

03-03-2015 6:41:20 PM
Việt Hùng/Người Việt

No comments:

Post a Comment