22/03/2015 08:43
(NLĐO)- Giả mạo hồ sơ, chữ ký khách hàng, ký khống giấy xác nhận kết quả giao dịch... Hồ Hoài Nam và Nguyễn Trung Thành, là Tổng và Phó tổng giám đốc Công ty CP chứng khoán Trường Sơn, vay 43,6 tỉ đồng của Ngân hàng TMCP Tín Nghĩa, không còn khả năng thanh toán.
Ngày 21-3, nguồn tin cho biết Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Công ty cổ phần chứng khoán Trường Sơn (Công ty TSS), đồng thời khởi tố bị can, bắt giam đối với Hồ Hoài Nam (SN 1977), Tổng giám đốc Công ty TSS và Nguyễn Trung Thành (SN 1980), Phó tổng giám đốc Công ty TSS.
Kết quả điều tra ban đầu cho thấy vào tháng 3-2011, ông Hoàng Minh Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty TSS, đã ủy quyền cho Hồ Hoài Nam ký hợp đồng hợp tác với Ngân hàng thương mại cổ phần Tín Nghĩa (Ngân hàng TNB, nay là Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn-Ngân hàng SCB) với điều kiện khách hàng phải có hoạt động chứng khoán thì mới được vay vốn.
Lợi dụng vào hợp tác nêu trên, từ ngày 12 đến ngày 14-1-2011, Hồ Hoài Nam và Nguyễn Trung Thành đã làm giả 28 bộ hồ sơ để vay tiền của Ngân hàng TNB. Trong đó, các đối tượng đã giả mạo chữ ký khách hàng trong giấy đề nghị ứng trước tiền bán chứng khoán niêm yết; ký khống giấy xác nhận kết quả giao dịch... để vay hơn 43,6 tỉ đồng của Ngân hàng TNB.
Toàn bộ số tiền vay được đều chuyển vào Công ty TSS. Đến nay, các đối tượng đã sử dụng hết vào mục đích khác nhau như: chuyển 29,5 tỉ đồng cho Công ty Cổ phần đầu tư Việt Nam và Công ty cổ phần Việt Nam Quốc tế là doanh nghiệp sân sau của ông Hoàng Minh Sơn; chuyển số tiền hơn 9,3 tỉ đồng để cho vợ ông Sơn là bà Nguyễn Thị Nguyệt sử dụng... Đến nay Công ty TSS đã ngừng hoạt động không còn khả năng thanh toán.
Sau đó, Ngân hàng TNB đã làm đơn tố cáo bị lãnh đạo Công ty TSS lừa đảo tới Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an. Ngoài ra, trong quá trình điều tra, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an còn nhận được nhiều đơn của cá nhân và doanh nghiệp tố cáo Công ty TSS với thủ đoạn môi giới trái phiếu chính phủ để lừa đảo chiếm đoạt số tiền lên tới hàng chục tỉ đồng đến nay cố tình không thanh toán.
Điều 139. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
g) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
N.Quyết
No comments:
Post a Comment