Ông Trương Hiểu Minh, giới chức cao cấp nhất của Trung Quốc ở Hồng Kông, cảnh báo người biểu tình chớ nên tiếp tục cuộc vận động đòi dân chủ.
VOA-05.02.2015
Trong lúc những người biểu tình đòi dân chủ ở Hồng Kông dự định tiếp tục cuộc vận động cho cuộc bầu cử tự do và trực tiếp để bầu người lãnh đạo, giới chức cấp cao nhất của Trung Quốc tại Hồng Kông tuyên bố chính phủ trung ương nhất quyết không chấp nhận một sự bác bỏ nào đối với quyền hành của họ ở đặc khu hành chánh này. Thông tín viên Shannon van Sant của đài VOA tường thuật từ Hồng Kông.
Khi phát biểu tại một buổi tiếp tân ở Hồng Kông có khoảng 4.000 người tham dự, ông Trương Hiểu Minh, người đứng đầu phòng đại diện Trung Quốc, cảnh báo những người biểu tình chớ nên tiếp tục cuộc vận động đòi dân chủ. Trưởng quan hành chánh Hồng Kông Lương Chấn Anh và đại diện của các công ty quốc doanh Trung Quốc nằm trong số những người tham dự buổi tiếp tân này.
Ông Trương Hiểu Minh nói rằng “Chúng tôi không thể cho phép bất kỳ mưu toan nào nhằm bác bỏ quyền quản hạt của chính phủ trung ương đối với Hồng Kông dưới chiêu bài đòi hỏi quyền tự trị nhiều hơn, để cổ xúy cho độc lập của Hồng Kông, hoặc thậm chí là công khai đối đầu với chính phủ trung ương bằng những cách thức bất hợp pháp.”
Năm ngoái, những người biểu tình đòi dân chủ đã cắm trại trên nhiều đường phố chính trong hơn hai tháng để đòi tổ chức các cuộc bầu cử trực tiếp để chọn người đứng đầu chính quyền Hồng Kông. Bắc Kinh đưa ra một kế hoạch cải cách bầu cử để cử tri Hồng Kông được họn từ hai hoặc 3 ứng cử viên có sự chấp thuận của một ủy ban mà đa số thành viên là những người trung thành với Đảng Cộng Sản Trung Quốc. Các nhà tranh đấu nói rằng họ sẽ tiếp tục chiến dịch bất tuân dân sự để đòi cho người dân ở đây có quyền phổ thông đầu phiếu.
Người biểu tình đòi dân chủ mang theo những chiếc ô màu vàng và reo hò các khẩu hiệu kêu gọi cải cách bầu cử ở trung tâm Hong Kong, ngày 1/2/2014.
Ông Lâm Hòa Lập, giáo sư môn chính trị của Đại học Hồng Kông, nhận định như sau về tình hình hiện nay.
"Trong giai đoạn này dường như Bắc Kinh không thể nào để cho Hồng Kông phát triển một nền dân chủ cao độ. Do đó đối với vụ tranh cãi lớn nhất, sự tranh cãi về cơ chế bầu cử để chọn trưởng quan hành chánh vào năm 2017, Bắc Kinh đã đưa ra một cơ chế rất bảo thủ."
Ông Trương Hiểu Minh, giới chức cao cấp nhất của Trung Quốc ở Hồng Kông, cũng nói rằng chính phủ trung ương sẽ một lần nữa chú trọng tới công tác giáo dục yêu nước ngõ hầu giới trẻ ở Hồng Kông biết được là “vận mạng và tương lai của Hồng Kông gắn chặt với vận mạng và tương lai của tổ quốc.”
Tháng trước, Hồng Kông đã lập ra một nhóm học sinh của chương trình học tập quân sự để những học sinh này mặc quân phục Trung Quốc và tiến hành những cuộc thao dượt quân sự. Giáo sư Lâm Hòa Lập nói rằng có phần chắc là Bắc Kinh cũng sẽ đưa ra những luật lệ mới nhắm vào những người biểu tình ở Hồng Kông.
"Có thể là Bắc Kinh sẽ đưa ra điều gọi là luật lệ về an ninh quốc gia đối với những vấn đề như chia cắt đất nước và những hành vi khác mà Bắc Kinh cho là đe dọa tới an ninh quốc gia."
Ông Trương Hiểu Minh nói rằng những cuộc biểu tình đòi dân chủ đã khiến Bắc Kinh xem xét lại chủ trương “một quốc gia, hai chế độ”.
Anh Quốc giao trả Hồng Kông cho Trung Quốc vào năm 1997 dựa theo một thỏa thuận với Bắc Kinh. Thỏa thuận này cho phép Hồng Kông có quyền tự trị đáng kể và bao gồm một bộ luật cơ bản, trong đó nêu rõ là người giữ chức trưởng quan hành chánh rốt cuộc sẽ được bầu lên qua phổ thông đầu phiếu.
Giáo sư Lâm Hòa Lập nói rằng một sự đáp trả mạnh tay của Trung Quốc đối với những người đòi dân chủ có thể gây nên một làn sóng di dân ra nước ngoài.
"Những người thuộc giới chuyên viên có thể di dân tới những nước khác, tương tự như những gì đã xảy ra trong thời gian trước cuộc chuyển giao chủ quyền năm 1997."
Khi đó nhiều người Hồng Kông đã di dân sang Canada, Hoa Kỳ, Âu Châu và Australia.
No comments:
Post a Comment