SÀI GÒN 8-2 (NV) - Hai thanh niên đã phải vào bệnh viện cấp cứu ngay sau khi rời trụ sở Công an mà họ tố cáo rằng đã bị tra tấn hung bạo dù họ không hề vi phạm luật pháp của chế độ.
Hai thanh niên Nguyễn Công Trình (trái) và Nguyễn Văn Hải Hải (phải) tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hóc Môn. (Hình: Pháp luật thành phố)
Theo bản tin của tờ Pháp luật thành phố, khoảng gần trưa ngày 4/2/2015, Nguyễn Văn Hải (22 tuổi) và Nguyễn Công Trình (24 tuổi) đều, cư ngụ tại quận 12, Sài Gòn đã phải vào bệnh viện Đa khoa huyện Hóc Môn xin cấp cứu với nhiều thương tích. Họ cho hay họ đã bị Công an xã Xuân Thới Thượng huyện Hóc Môn tra tấn sau khi bị bắt giữ.
Theo lời kể của thanh niên tên Trình trên tờ Pháp Luật hôm 7/2/2015 khi họ còn đang nằm điều trị tại bệnh viện thì “khoảng 7 giờ 30 ngày 4-2 anh đi xe máy cùng Hải từ nhà đến khu dân cư Nhị Xuân để làm. Đến đường Phan Văn Hớn đoạn qua Ngã Ba Giồng, xã Xuân Thới Thượng (huyện Hóc Môn) bị chị HTNO chặn đầu xe vì nghi giống người vừa giật sợi dây chuyền của chị. Nghe vậy, cả hai khẳng định mình không liên quan nhưng chị O. không tin và gọi công an can thiệp.”
Còn theo thanh niên tên Hải, “một lúc sau có hai người mặc thường phục xưng công an xã Xuân Thới Thượng đến giải quyết. “Tôi khẳng định mình bị nghi oan nhưng họ không tin. Sau đó, họ còng tay tôi và Trình đưa về trụ sở công an” – anh Hải kể lại với nhà báo.
Tờ Pháp Luật kể theo lời thanh niên tên Hải: “khi về đến trụ sở thì bị một công an hỏi rằng Hải giật sợi dây chuyền để đâu. Hải trả lời là không giật thì bị công an này đạp vào vai buộc phải khai nhận. Một lúc sau, có hai người xưng công an nhưng không đeo bảng tên, phù hiệu lấy lời khai Hải.”
Hải kể rằng “Trong lúc thẩm vấn, hai công an này dùng gậy cao su đánh vào chân, đầu gối khi tôi không nhận hành vi cướp giật dây chuyền chị O.”
Nguồn tin viết theo lời kể cũa thanh niên tên Trình, “khi được đưa về trụ sở khai mình không liên quan đến hành vi cướp giật tài sản của chị O., anh cũng bị ba công an xã đánh”.
Sau mấy giờ bị một đám Công an xã Xuân Thới Thượng tra tấn và không khai thác được gì, khoảng 11 giờ 40 ngày 4/2/2015 thì Trình và Hải được thả.
Sau khi được thả ra, cả hai đã đến ngay chỗ làm tại công trình xây dựng ở khu dân cư Nhị Xuân, khoảng 14 giờ thì thấy “đau đầu, buồn nôn, rồi xỉu”. Người cùng làm chung đã đưa cả hai đi bệnh viện cấp cứu.
“Ngày 6-2, BS Đoàn Công Minh, BV Đa khoa Hóc Môn xác nhận Hải và Trình nhập viện vào khoảng 16 giờ 45 chiều 4-2. Cả hai đều có bệnh lý đa chấn thương phần mềm. Cụ thể, Hải có sưng bầm cánh tay trái, vai trái, chấn thương hai đầu gối và chân. Bệnh nhân bị chóng mặt, đau đầu và khai bị đánh dẫn đến thương tích. Tương tự, bệnh nhân Trình tức ngực, đau đầu và đau vùng cổ.”, tờ Pháp Luật Thành Phố cho hay.
Tờ báo này đi hỏi ông Trung tá Ngô Tiến Hùng, Trưởng Công an xã Xuân Thới Thượng, thì ông này chối rằng “anh em báo cáo không có đánh mà khi bắt ngoài hiện trường người dân đánh. Công an xã đến ghi nhận sự việc rồi đưa về trụ sở làm rõ”.
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên tờ Pháp Luật, anh Hải và Trình khẳng định “tại hiện trường cả hai không bị bất kỳ ai đánh”.
Đánh đập, tra tấn nghi can vô cùng phổ biến tại Việt Nam suốt từ bao năm qua nên đã dẫn đến cái chết oan uổng của rất nhiều người vô tội. Báo chí tại Việt Nam thỉnh thoảng vấn thấy đăng tải những cái tin loại “Nhập viện sau khi rời trụ sở công an” như một thứ chuyện “thường ngày ở huyện”.
Ngày 14/8/2014, Điểu Hà được người nhà đưa đi cấp cứu ở bệnh viện đa khoa Phước Long sau khi được Công an xã Phú Nghĩa huyện Bù Gia Mập, thả về nhà. Ông bị tố cáo và nghi là chặt cây của rẫy lối xóm mà ông nói không liên quan gì.
Điểu Hà bị “chảy máu miệng, ngực khó thở, chân phải bị bầm đen”. Bác sĩ bệnh viên nói ông bị “nặng nhất là chấn thương ngực trái” nên được gia đình đưa từ Phước Long về Sài Gòn chữa trị tiếp.
Trần Văn Minh (tổ dân phố 2, thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi, Kon Tum) phải nhập viện sau khi rời khỏi trụ sở Công an huyện Ngọc Hồi vào chiều 21/4/2014 vì bị Công an huyện “mời lên làm việc về vụ ẩu đả giữa hai nhà xe”.
Theo tường thuật của tờ Đất Việt, ông Minh cho biết có mặt ở chỗ ẩu đả nhưng khi vụ việc xã xong rồi và “không tham gia đánh nhau với ai” và 'cũng không liên quan đến vụ việc”. Dù vậy, điều tra viên vẫn ép ông nhận tội và phải “khai thật”.
“Tôi nói là tôi có đến nhưng không có đánh nhau với ai, nhưng hai điều tra viên liên tiếp ép cung, rồi một người cầm roi điện gí thẳng vào cánh tay khiến tôi ngất xỉu. Sau đó, người này còn nhảy qua thúc mạnh vào hông, dùng chân tay đấm đá khiến tôi choáng váng”. Ông Minh kể lại trên tờ Đất Việt.
Vợ ông Minh được báo đến đưa chồng về thì thấy “anh Minh rã rời, thân thể bầm giập, vừa rời trụ sở công an thì anh Minh ngất lịm, phải cấp tốc đưa đến Bệnh viện huyện Ngọc Hồi cấp cứu. Đến tối thì bệnh viện yêu cầu phải chuyển lên tuyến trên”, theo Đất Việt.
Trên đây là một số trường hợp những người bị Công an CSVN tra tấn hung bạo nhưng may mắn thoát chết. Trong năm 2014, ít nhất có 24 người dân đã bị Công an CSVN tra tấn đến chết trong đó có 7 người vu cho người ta “tự tử” dù trên thân thể họ đầy dấu tích nhục hình.
Ngay đầu Tháng Giêng 2015, gia đình đã mang quan tài chở thi thể Lê Văn Luân, 23 tuổi đến trụ sở xã Ea Wy huyện Ea H'leo tỉnh Đắc Lắc bắt đền vì đã tra tấn anh này đến chết rồi vu cho anh “chết vì bệnh tim”. Gia đình nạn nhân cả quyết Luân rất khỏe mạnh, không hề có tiền sử hay dấu hiệu gì về bệnh tim mạch, theo tờ Pháp Luật. (TN)
02- 08-2015 5:16:33 PM
No comments:
Post a Comment