Monday, February 9, 2015

Công an bắt “vua đường” ở An Giang

CHÂU  ĐỐC (NV) .- Bộ Công an Việt Nam vừa ra lệnh bắt giữ ông Vi Ngươn Thạnh, ngụ tại Châu Đốc, An Giang, đồng thời niêm phong nhiều kho chứa đường ở Châu Đốc và huyện An Phú do ông Thạnh làm chủ.


Đường Thái Lan nhập lậu được đổi bao bì, biến thành đường do Việt Nam sản xuất để dễ tiêu thụ. (Hình: Tuổi Trẻ)

Theo báo chí Việt Nam, ông Thạnh còn có biệt danh là “Tỉ đường” và được xem là “vua đường” – chuyên mua đường từ Thái Lan rồi tổ chức vận chuyển vào Việt Nam.

“Vua đường” và các thành viên trong gia đình lập ra Công ty Thiên Thiên Phước tại Châu Đốc, Công ty Hoàng Minh tại huyện An Phú ở tỉnh An Giang và Cơ sở đường cát Minh Minh Long đặt huyện Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ. Những doanh nghiệp vừa kể có một loạt kho chứa đường nằm dọc biên giới Việt Nam – Campuchia và tại một số tỉnh ở đồng bằng song Cửu Long, cùng với một đội xe vận tải chuyên vận chuyển đường.

Cuộc kiểm tra do Bộ Công an Việt Nam thực hiện từ tối 6 tháng 2 đến sáng 7 tháng 2 tại trụ sở Công ty Thiên Thiên Phước và các kho chứa đường toạ lạc ở Châu Đốc đã tìm thấy hàng ngàn bao tải chứa đường và 15 xe vận tải tham gia vận chuyển đường. Một cuộc kiểm tra khác được thực hiện vào thời điểm tương tự trụ sở Công ty Hoàng Minh và các kho chứa đường ở huyện An Phú đã tìm thấy thêm 200 tấn đường nữa.

Năm ngoái, Công an An Giang tổ chức các đợt kiểm tra xe vận tải vận chuyển đường và đã lập biên bản 17 chiếc xe vận tải, vận chuyển tổng cộng 170 tấn đường cát không có nhãn hang hóa, không rõ nguồn gốc và tìm thấy chủ hàng là các doanh nghiệp có liên quan đến “vua đường”.

Sau đó các chủ hàng xuất trình một số hóa đơn nhằm chứng minh lượng đường đang vận chuyển thì bị tạm giữ là đường được mua của một công ty ở Sơn Tây, Hà Nội. Tuy nhiên Công an An Giang xác định những hóa đơn này là giả. Chính quyền tỉnh An Giang quyết định tịch thu 145 tấn đường, phạt các doanh nghiệp của “vua đường” khoản tiền là 80 triệu vì kinh doanh đường không rõ nguồn gốc và “vua đường” tiếp tục buôn đường.

Đường tiếp tục được đưa từ Thái Lan vào Việt Nam, thay bao bì để loại bỏ nguồn gốc rồi phân phối khắp Việt Nam. Người ta ước đoán, 80% lượng đường đang bày bán tại các chợ ở Sài Gòn là đường nhập cảng lậu từ Thái Lan.

Đường Thái Lan gần như độc chiếm thị trường vì giá quá rẻ: chỉ 12.000 đồng/ký trong khi giá bán đường do các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất dao động từ 16.500 đến 17.000 đồng/ký.
 
Sau sự kiện “vua đường” bị bắt giữ, ông Nguyễn Thành Long - Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, cảnh báo, tệ nạn buôn lậu đường từ Thái Lan vào Việt Nam đã kéo dài nhiều năm ở khu vực có biên giới giáp với Campuchia, đặc biệt là An Giang.

Trung bình, mỗi năm có khoảng 500,000 tấn đường của Thái Lan được vận chuyển lậu vào Việt Nam. Lượng đường này chiếm 1/3 tổng sản lượng đường mà Việt Nam làm ra hang năm và vừa khiến chính quyền Việt Nam mất khoảng 700 tỉ tiền thuế/năm, vừa khiến nông dân trồng mía và các doanh nghiệp sản xuất đường tại Việt Nam điêu đứng.

Ông Long bảo rằng, Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã kêu gọi ngăn chặn tệ nạn buôn lậu đường trong nhiều năm nhưng chuyện này không được thực hiện đến nơi, đến chốn. Ông Long hy vọng, lần này, vụ kiểm tra - điều tra về “vua đường” sẽ giúp chuyện ngăn chặn tệ nạn buôn lậu đường trở nên hữu hiệu hơn vì Bộ Công an Việt Nam trực tiếp thực hiện, “không “phối hợp” với Công an An Giang. (G.Đ)

No comments:

Post a Comment