HÀ NỘI (NV) .- Ngoài việc nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật, máy nông nghiệp, Việt Nam còn chi tới hàng tỷ USD để nhập đủ loại thức ăn chăn nuôi, cây giống, con giống, hạt giống, phân bón...mỗi năm.
“Bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” quanh năm để làm ra hạt lúa nhưng nông dân khó mà khá lên được vì gánh nặng thuế, phí và hạt giống, con giống. (Hình: Người Lao Động)
Người nông dân Việt Nam gần như kẻ làm thuê cho đám xí nghiệp quốc doanh xuất khẩu ở trong nước và cho các xí nghiệp sản xuất từ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đến cây giống, con giống của nước ngoài, đặc biệt là từ Trung Quốc, theo một bài phân tích về nguyên nhân nghèo khó của nông dân không biết bao giờ thoát nổi vì chính sách nông nghiệp “nằm ngửa ăn sẵn” của nhà cầm quyền CSVN.
Báo Đất Việt ngày Thứ Tư 18/2/2015 dẫn bài phân tích của TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) nói rằng “trong cấu thành giá bán 5,212 đồng/kg gạo của người nông dân, tổng chi phí sản xuất đã lên tới 4,672 đồng, tức chiếm xấp xỉ 90%”.
Chế độ Hà Nội nói đi nói lại nhiều lần là chính sách thu mua lúa gạo của đám quốc doanh độc quyền xuất khẩu phải giúp cho nông dân “có lãi” 30% để họ có thể tạm đủ sống mà tiếp tục trồng cấy. Với phí tổn như vậy, nông dân trở thành kẻ làm không công, nuôi guồng máy thư lại của đảng CSVN.
Theo phân tích kể trên “nguồn đầu vào chính để kết cấu giá thành là giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), tất cả đều phụ thuộc rất lớn vào nhập khẩu. Chi phí cơ hội không được tính đến trong giá thành, cho thấy người trồng lúa đang ăn vào mảnh đất, lao động và tiền vốn của chính mình”.
Vì Việt Nam không tự sản xuất được phần lớn thuốc bảo vệ thực vật và phân bón nên mỗi năm phải nhập giữa khoảng 800 triệu USD đến 1 tỉ USD thuốc bảo vệ thực vật. Cả nước tuy mang tiếng là có hơn 200 công ty sản xuất thuốc bảo vệ thực vật, nhưng thực tế chỉ là pha trộn hóa chất nhập cảng rồi đem bán trên thị trường.
Đồng thời, trong năm 2014, Việt Nam phải chi hơn 1.25 tỉ USD để nhập gần 4 triệu tấn phân bón các loại. Ngoài ra, ngay như lúa lai là loại nông sản chính yếu trồng trên 400,000 ha để xuất cảng và tiêu thụ trong nước, đến 70% lúa giống phải nhập cảng.
Theo thống kê, Việt Nam xuất cảng “rau, củ, quả” được 1.2 tỉ đô la thì phân nửa số tiền này đã phải chi ra để nhập cảng hột giống. Theo bài viết trên “ngay từ những hạt giống rau truyền thống, thân thuộc với người Việt Nam như bầu bí, cà chua, rau cải… cũng phải nhập từ Trung Quốc”.
Những gì không thấy liệt kê ra trong bản tin tường thuật của tờ Đất Việt là người nông dân Việt Nam phải oằn lưng cõng gần 400 loại từ thuế đến 'phí'.
Năm 2001, Ủy ban Thường vụ Quốc hội CSVN ban hành Pháp lệnh về phí, lệ phí nhằm ngăn chặn tình trạng lạm thu và tăng khả năng cung cấp dịch vụ của hệ thống công quyền cho xã hội và cá nhân. Đính kèm theo Pháp Lệnh này là danh sách 73 loại “phí” và 42 loại “lệ phí” (tổng cộng 115 loại) mà người dân phải nộp khi sử dụng các dịch vụ do nhà cầm quyền cung cấp.
Sau 14 năm thực hiện pháp lệnh này, hiện nay, các cơ quan cấp trung ương có quyền đặt định 393 khoản phí và lệ phí, còn các cơ quan cấp địa phương có thẩm quyền đặt định 39 khoản phí và lệ phí mà việc đặt định này lại phụ thuộc vào… nhận định của từng cấp, từng nơi nên mỗi chỗ mỗi khác. Cuối cùng, việc đặt định phí và lệ phí, mức phí, cách thu - quản lý - sử dụng trở thành tùy tiện, lộn xộn và không được kiểm soát.
Theo đúng tinh thần “Rừng nào cọp nấy”, nông dân xã Nam Thanh, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An từng bị buộc phải đóng mỗi người 100 ngàn đồng một năm cho khoản gọi là “phí đường nhựa” mà không hề viết biên nhận.
Dân chúng thị trấn Thường Xuân tỉnh Thanh hóa từng phải nộp 12 loại “qũy”. Trong số này có “Qũy xe tang” với mức 30 ngàn mỗi gia đình một năm. “Qũy đường nghĩa trang” với mức thu là 100 ngàn đồng mỗi gia đình một năm.
Đáng nể hơn nữa, xã Quảng Vinh, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa có tới 500 cán bộ cấp xã, thôn với nhiều khoản phí mà người dân phải đóng góp để “nuôi” các cán bộ, theo lời kêu ca trên đài VOV hồi năm 2012. Tính ra, cứ 15 người dân xã này phải còng lưng nuôi một ông cán bộ thì họ còn gì để sống.
Người nông dân Việt Nam trong chính sách “tam nông” của cầm quyền CSVN bị xiết giữa hai gọng kềm. Một bên là giá quá cao của phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và con giống cây giống hột giống nhập cảng, một bên là hàng trăm loại thuế và phí của nhà nước chồng chất lên nhau.
Một số chuyên viên thỉnh thoảng đề cập đến chuyện “tái cơ cấu” lại nền nông nghiệp để giúp phát triển kinh tế và cứu nông dân nhưng đến nay vẫn chỉ là những lời bàn suông. (TN)
No comments:
Post a Comment