Saturday, February 21, 2015

Tết không về bản Chu Va


Nhiều hộ tại bản Chu Va, xã Sơn Bình (Tam Đường, Lai Châu) nhớ cảnh gia đình đầm ấm, quây quần bên nồi bánh chưng, cối giã bánh dày, đốt lửa thâu đêm ngày Tết sau một năm sập cầu.

Ám ảnh cầu treo

Một năm sau thảm họa sập cầu treo Chu Va 6, xã Sơn Bình (Tam Đường, Lai Châu) xảy ra ngày 24/2/2014 khiến 8 người tử vong, hơn 30 bị thương, người dân nơi đây vẫn chưa vơi nỗi kinh hoàng.

Ông Hàng A Phảng, trưởng bản Chu Va 6 dẫn phóng viên tới cây cầu treo cũ hoen gỉ dài hơn 30 mét được sửa sang bằng gỗ bạch đàn, ván keo để đón tết nhưng hầu hết, phần gỗ đều đã khô mục.

Đứng từ cây cầu này, bản Chu Va hiển hiện cách đó không xa những ngôi nhà lá xám bạc nhấp nhô trên lưng núi.

Vừa đi, ông Phảng vừa cho biết Sở GTVT Lai Châu hoàn thành cây cầu tạm qua suối cho dân bản trong ba ngày nhưng hoạt động được 2 tháng, gần 300 hộ ở cả bản Chu Va 6, Chu Va 8 lại một lần nữa rùng mình chứng kiến cầu bị lũ cuốn trôi.

Người dân bản lo lắng, sợ hãi mỗi khi đưa con cháu qua suối đi học, ra chợ phiên.
Tháng 5/2014, cầu treo cũ hoen gỉ được tỉnh, huyện đầu tư sửa sang. Người dân góp sức chặt bạch đàn, gỗ keo làm mặt cầu.

Cây cầu rộng 1,5m nhưng mỗi khi qua không ai dám đi thành nhóm, xe máy chỉ đi từng lượt, nhất khi vào mùa mưa, cầu trơn trượt, nước suối dâng cao.
Sau nhiều tháng hoạt động, phần gỗ đã khô mục, dây thép bị bung nhưng chưa được duy tu, bảo dưỡng. Thậm chí, nhiều điểm mặt cầu bị thủng, chắp vá nhiều lần rất nguy hiểm.

Mặt cầu Chu Va đã khô mục, nhiều vị trí. Ảnh: Hoàn Nguyễn.

Mỗi tháng, dân bản đều họp một lần. Mọi người cùng chung kiến nghị mong muốn được xây cầu bê tông mới kiên cố hơn để đảm bảo việc lưu thông an toàn tính mạng, vận chuyển nông sản khi thu hoạch trên núi nhưng chưa được lãnh đạo tỉnh, huyện thông báo kế hoạch.

Ông Phảng cũng cho biết trong số 35 người được xuất viện, 7 người không còn khả năng lao động, 28 người khác bị suy giảm thể lực, lao động gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt những gia đình có nhiều người thương vong.

Trẻ em không có Tết

Trong ngôi nhà 3 gian được ghép bằng ván gỗ, chị Hàng Thị La (33 tuổi) rơm rớm nước mắt khi nhắc về người chồng quá cố Vàng A Chư.

Những năm trước, mỗi khi tết đến xuân về, gia đình chị ấm áp, quây quần bên nồi bánh trưng, cối giã bánh dày.

Chồng chị cùng anh em trong họ hàng nấu rượu ngô, mổ lợn ủ chum sành chuẩn bị trước nhiều ngày. Còn chị dẫn ba con nhỏ đi chợ sớm mua sắm quần áo, khăn ấm mới mặc đi du xuân trẩy hội làng.

Nhưng năm nay không khí vắng lặng trong căn nhà gỗ. Không còn người gói bánh, đốt lửa thâu đêm đón giao thừa.


Không khí vắng lặng trong căn nhà chị Hàng Thị La dù ngày Tết đã cận kề. Năm nay, gia đình chị không còn cảnh ấm áp quây quần bên bếp lửa nấu bánh chưng.

Người phụ nữ có ba mặt con cho biết ngoài chồng, gia đình chị còn mất đi người anh họ Vàng A Chía và cháu trai Vàng A Sinh (21 tuổi).

Kể từ ngày đưa người chồng về với đất mẹ, mọi việc nặng nhọc từ lên rẫy, vào rừng đốn củi, thu hoạch thảo quả đều một tay chị đảm đương.

Năm nay, tuyết lại phủ trắng bản khiến thảo quả mất mùa, lúa nương cũng thất thu chỉ còn đàn gà, con lợn nhưng chị để dành ngày giỗ đầu chồng, anh họ.

Dù kinh tế khó khăn nhưng chị vẫn cố gắng thường xuyên đưa con gái lớn đang học lớp 6 qua cầu treo tới lớp.

Ngoài những giờ lên nương làm rẫy, chị La tranh thủ thêu khăn, dệt vải ra chợ bán tăng thêm thu nhập để trả học phí cho cả hai con nhỏ mới lên lớp 1, lớp 3.

Éo le hơn, chị Hàng Thị Sủ (27 tuổi, vợ Chang A Sua, người nằm trong áo quan lúc cầu sập) một mình nuôi 3 con nhỏ.

Một năm qua đi, chị trở nên gầy gò hơn trong bộ trang phục phụ nữ H'Mông. Khi có người hỏi thăm, chị gục đầu bên ba đứa trẻ không nói nên lời.

Hai mắt chị đỏ hoe nhíu lại khiến những vết chân chim xô lại trên gương mặt sạm đen, ủ rũ.

Chưa nói được tiếng phổ thông, chị Sủ thủ thỉ bằng tiếng bản địa cho biết sau một năm không may mắn, chồng mất, 9 người thân trong gia đình phải nhập viện, giờ đây mình chị nuôi 3 con nhỏ, chăm sóc bố mẹ chồng đã già không có khả năng lao động.

Lặng lẽ nhìn con trai cả Chang A Sơn (8 tuổi), chị nói từ khi bố mất, Sơn tự giác ý thức ở nhà trông em thay mẹ, không còn ham chơi với đám bạn nữa. Những ngày chủ nhật không phải đi học thì theo mẹ lên rẫy.

"Mỗi khi mùng một, giữa rằm, Sơn thường đòi mẹ ra mộ thăm bố. Tết này, nó bảo mẹ không phải không phải mua quần áo mới cho nó mà dành tiền mua khăn cho em gái và mua áo ấm cho ông nội", chị Sủ nghẹn ngào.


Chang A Sơn (8 tuổi, ngoài cùng bên phải), con trai lớn chị Hàng Thị Sủ giờ đây chững chạc hơn biết trông em, theo mẹ lên rẫy từ ngày bố mất.

Ông Hoàng Thọ Trung, Bí thư huyện ủy Tam Đường (Lai Châu) cho hay sau khi cầu tạm được làm bằng bê tông bị lũ cuốn trôi đơn vị đã huy động nhân lực, vật lực gia cố, trùng tu hệ thống cáp, ốc neo cầu treo cũ với tổng số tiền 140 triệu đồng.

Cầu này chỉ có thể dành cho người đi bộ, xe đạp, xe máy. Súc vật, xe kéo, xe tải không thể đi qua.

Người dân bản Chu Va đã làm đơn đề nghị được các cơ quan, ban ngành xây dựng một cây cầu rộng, chắc chắn có thể cho ôtô (loại 5 tấn) di chuyển qua để phục vụ thu hoạch nông sản.

Địa phương đã làm báo cáo, kiến nghị và đang chờ chủ trương chỉ đạo của Bộ GTVT trong năm tới.

Dịp tết đến xuân về, lãnh đạo huyện cũng đã có kế hoạch xuống thăm, động viên gửi lời chúc tết tới bà con, những người không may mắn gặp nạn.

Ngày 24/­2/2014, sự cố lật mặt cầu treo Chu Va 6 xảy ra khi đoàn đưa tang đi qua, làm 8 người thiệt mạng, 38 người bị thương.
Nguyên nhân được xác định là do ốc neo cáp của cầu bị làm ẩu không được đúc nguyên khối mà chỉ hàn nối nên khả năng chịu lực kém hơn so với thiết kế dẫn đến sự cố.
22/02/2015 07:27
Hoàn Nguyễn - theo Zing

No comments:

Post a Comment