PHNOM PENH (NV) .- Những người J’rai là công dân Campuchia sống ở tỉnh Ratanakiri, vừa lên tiếng kêu cứu cho những người J’rai cư trú tại Tây Nguyên, trốn sang Campuchia, đang ẩn náu trong các khu rừng ở Ratanakiri.
Một khu tái định cư cho người thiểu số bị mất nhà, mất đất vì các dự án thủy điện ở Tây Nguyên. Phần lớn bỏ hoang vì chất lượng quá tồi tệ, dân chúng không chịu ở. (Hình: Lao Động)
Báo chí Campuchia cho biết, đang có 32 người thiểu số cư trú ở Tây Nguyên, trốn khỏi Việt Nam sang Campuchia, đang phải ẩn náu trong rừng để tránh bị cảnh sát và binh lính Campuchia bắt giữ và giao lại cho chế độ Hà Nội.
Do cảnh sát và binh lính Campuchia kiểm soát gắt gao, những người J’rai là công dân Campuchia sống ở tỉnh Ratanakiri không thể tiếp tế thực phẩm, thuốc men cho những J’rai là đồng bào của họ, trốn sang Campuchia để tị nạn chính trị. Cũng vì vậy, người J’rai tị nạn vừa đói khát, vừa bị bệnh tật đe dọa.
Ông Chhay Thy, người làm việc cho ADHOC – một tổ chức bảo vệ nhân quyền tại Campuchia cho biết, người J’rai là công dân Campuchia sống ở tỉnh Ratanakiri vừa cấp báo, hai trong số 32 người J’rai tị nạn đang bệnh nặng. Họ yêu cầu ADHOC báo cáo cho Văn phòng tại Campuchia của Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR) để cơ quan này có biện pháp giúp đỡ.
Bà Wan-Hea Lee, đại diện cho Văn phòng tại Campuchia của UNHCR, cho biết, UNHCR hết sức lo ngại về tình trạng của những người J’rai tị nạn đang lẩn trốn trong rừng. Vào lúc này, Liên Hiệp Quốc vẫn đang thúc giục Campuchia hợp tác giải quyết vấn đề người thiểu số cư trú ở Tây Nguyên trốn khỏi Việt Nam sang Campuchia xin tị nạn chính trị.
Có vẻ như việc người thiểu số cư trú ở Tây Nguyên vượt biên giới Việt Nam sang Campuchia xin tị nạn sẽ thành một làn sóng. Tuần trước, có thêm chín người thiểu số cư trú tại Tây Nguyên trốn khỏi Việt Nam để đến Campuchia, nâng tổng số người vượt biên vào Campuchia xin tị nạn từ tháng 10 năm ngoái đến nay lên khoảng 60.
Trong bốn tháng vừa qua, chỉ có khoảng 20 người thiểu số cư trú ở Tây Nguyên trốn sang Campuchia đến được Phnom Penh để tiếp xúc với những viên chức của Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR) xin hưởng quy chế tị nạn chính trị.
Trước đó, vào ngày 24 tháng 1-2015, Campuchia bắt bảy người J’rai, tuổi từ 15 tới 69, với lý do họ xâm nhập quốc gia này bất hợp pháp và giao trả cả bảy cho chính quyền Việt Nam trong cùng ngày. Hồi đầu tháng này, Bộ Nội Vụ Campuchia xác nhận, ngày 1 tháng 2-2015, đã bắt giữ một gia đình năm người thiểu số từ Tây Nguyên trốn sang Campuchia.
Trong khi chính quyền Campuchia săn lùng những người thiểu số trốn từ Tây Nguyên sang Campuchia, bắt giữ họ và giao trả cho chính quyền Việt Nam thì UNHCR và các tổ chức bảo vệ nhân quyền chỉ trích kịch liệt hành động đó.
Ông Chhay Thy nhận định, việc bắt giữ, trục xuất những người thiểu số cư trú tại Tây Nguyên, tìm cách vượt biên giới Việt Nam sang Campuchia xin tị nạn chính trị là “vi phạm nhân quyền và vi phạm Công ước quốc tế về Người tị nạn năm 1951”.
Bà Wan-Hea Lee cũng đã nhiều lần bày tỏ sự lo ngại cả về tình trạng của những người thiểu số trốn khỏi Việt Nam đã bị Camphuchia bắt giữ, trục xuất lẫn những người thiểu số đang còn phải lẩn trốn trong rừng.
Bà Lee cho rằng, sự trì trệ trong việc giải quyết vấn đề vừa kể cho thấy, công tác quản trị của chính quyền Campuchia “có vấn đề” và nhất thiết cần phải “cải tổ dựa trên luật lệ”. Trước nay, Campuchia vẫn là nơi mà nhiều người thiểu số ở Tây Nguyên chạy sang lánh nạn khi bị chính quyền Việt Nam đàn áp vì không chịu từ bỏ niềm tin của họ và tranh đấu đòi quyền sống.
Người thiểu số ở Tây Nguyên đã nổi dậy hai lần. Ngoài lần đầu tiên vào năm 2001 và sau đó có hàng ngàn người vượt biên sang Campuchia xin tị nạn chính trị, họ còn đồng loạt nổi dậy thêm một lần nữa vào tháng 4 năm 2004.
Hiệp hội người thiểu số Việt Nam tại Hoa Kỳ đã nhiều lần lên tiếng tố cáo nhà cầm quyền CSVN đang giam giữ từ vài trăm đến hàng ngàn người thiểu số tham gia các cuộc nổi dậy này. Đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế can thiệp để những tù nhân đó không “chết dần, chết mòn” trong tù.
Năm 2013, Bộ Công an CSVN đã dùng các vụ nổi loạn của người thiểu số ở vùng Tây Bắc Việt Nam và Tây Nguyên để vận động Ủy ban Thường vụ của Quốc hội Việt Nam gia tăng đầu tư cho cảnh sát cơ động – lực lượng vũ trang của công an, chuyên thực hiện nhiệm vụ trấn áp.
Ngoài trang bị cá nhân, hơn hẳn quân nhân, năm ngoái, cảnh sát cơ động được trang bị thêm cả B.40, xe bọc thép. Qua “Pháp lệnh Cảnh sát cơ động”, Ủy ban Thường vụ của Quốc hội Việt Nam còn cho phép lực lượng này mua phi cơ, tàu thủy và “nổ súng trấn áp bạo loạn, tụ tập đông người phá rối an ninh”. (G.Đ)
02-16-2015 2:39:30 PM
No comments:
Post a Comment