Tuesday, February 17, 2015

Năm cười, mếu với những phát ngôn thực phẩm an toàn

(Baodatviet) - Hoa quả Trung Quốc nhiễm độc vẫn an toàn, lê 5 tháng không hỏng chưa chắc đã độc dù kiểm tra đúng quy trình...

Năm 2014 khép lại nhưng nỗi lo về an toàn thực phẩm, sức khoẻ của người dân vẫn khôn nguôi bởi ngày ngày họ bị bủa vây bởi mê hồn trận thực phẩm bẩn độc. Dù lãnh đạo các cơ quan chức năng có liên quan đã lên tiếng trấn an nhiều lần nhưng xem ra nó lại gây tác động ngược...
Hoa quả Trung Quốc nhiễm độc vẫn an toàn
Năm 2013, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) phát hiện 17 lô hàng với gần 30 tấn hoa quả Trung Quốc có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép. Đến tháng 6/2014,  Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản đã gửi văn bản yêu cầu phía Trung Quốc làm rõ số hoa quả này.
Vào thời điểm đó, trong khi chờ đợi câu trả lời từ phía Trung Quốc, 300 tấn hoa quả đã được đưa ra thị trường tiêu thụ theo nguyên tắc lấy mẫu kiểm tra sau. Trước nỗi lo về sức khoẻ của người dân, ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật đã lên tiếng trấn an người dân về số hoa quả độc này.
"So với quy định, loại nhiều nhất cũng chỉ cao hơn 2-3 lần. Mức này là cực kỳ an toàn và người tiêu dùng đã sử dụng số hoa quả mà chúng tôi phát hiện nhiễm độc vẫn đang còn rất an toàn".
Theo Cục trưởng Cục BVTV, hoa quả Trung Quốc độc vẫn an toàn
Theo Cục trưởng Cục BVTV, hoa quả Trung Quốc độc vẫn an toàn
Giải thích thêm, ông cục trưởng dẫn ví dụ về quả táo độc: Để kiểm tra xem có an toàn cho người tiêu dùng hay không người ta sử dụng chỉ số Daily Intex, một ngày có thể ăn bao nhiêu.
Ví dụ, khi một quả táo có dư lượng thuốc bảo vệ  thực vật vượt ngưỡng cho phép, một người ngày nào cũng phải ăn 70 quả táo thì mới mất an toàn. Chúng ta không thể ăn mỗi ngày bằng ấy táo được nên không thể ảnh hưởng đến sức khỏe được.
Hay 1 thanh niên 17 tuổi ăn 50kg cà rốt có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép thì mới mất an toàn.
Theo ông Nguyễn Xuân Hồng, chỉ trong trường hợp đặc biệt là ngay sau khi kiểm tra mức độc hại quá cao và nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng rất lớn thì mới ngay lập tức công bố để người tiêu dùng không sử dụng thực phẩm đó trong một thời gian, đồng thời truy xuất lại và tiêu hủy.
Tuy nhiên, một câu hỏi được đặt ra là: toàn bộ số quả độc đã được tiêu thụ hết, vậy  giả sử khi phát hiện mức độc hại quá cao thì cơ quan chức năng lấy gì để truy xuất và tiêu huỷ?
Lê để 5 tháng không hỏng: Chưa chắc có độc
Khi Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia kể câu chuyện ông mua trái lê Trung Quốc để qua 5 tháng, trái lê chỉ hơi héo một chút đã khiến dư luận sốt sình sịch.
Đích thân Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Đức Phát đã giao Cục Bảo vệ thực vật tìm nguyên nhân hiện tượng trên.
Trao đổi với Đất Việt, Cục trưởng Nguyễn Xuân Hồng nói rằng, không phải cứ thấy trái cây để lâu không hỏng là nghi có chất độc hại. Ông dẫn chứng, táo, lê có rất nhiều loại giống, có những giống bảo quản được 6-10 tháng.
"Nguyên lý để bảo quản trái cây được tươi khác hoàn toàn nguyên lý bảo quản mứt, bánh kẹo - những sản phẩm chế biến. Trái cây sau khi hái từ trên cây xuống vẫn là một thực thể sống, tế bào vẫn hoạt động và vẫn có quá trình trao đổi chất. Nếu bảo quản trong nhiệt độ thấp (1-5 độ C là phù hợp nhất cho táo, lê), rồi sử dụng các chất điều hòa sinh trưởng, tức dùng hoóc môn thực vật chứ không phải thuốc độc hại, thì trái cây để được hàng tháng trời là chuyện rất bình thường".
Ông Hồng khẳng định, việc kiểm tra trái cây nhập khẩu của Việt Nam hoàn toàn đúng quy trình và theo thông lệ quốc tế.
Ông dẫn chứng, năm 2013, Cục Bảo vệ thực vật kiểm tra phân tích phát hiện 17 lô vi phạm, nhưng từ đầu năm 2014 đến nay mới chỉ phát hiện duy nhất 1 lô hoa quả nhập khẩu vi phạm, nhưng mức độ không nghiêm trọng.
Điều này tiếp tục được ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khẳng định lại trong hội nghị trực tuyến ngày 5/2.
Theo ông Phong, kiểm tra trên 466.000 tấn trái cây nhập khẩu chỉ có một mẫu nho tươi vượt ngưỡng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kiểm tra nông sản thì chỉ có một mẫu đậu phộng vượt ngưỡng về hàm lượng nấm mốc. Kiểm tra 130 mẫu táo và 80 mẫu lê thì không phát hiện mẫu nào vượt ngưỡng.
Liên quan đến thông tin “trái lê để 5 tháng không hư”, Bộ Y tế đã tổ chức hai đoàn đi lấy mẫu rau củ quả tại Lạng Sơn, Lào Cai và một số chợ đầu mối tại Hà Nội, kết quả trên 70 mẫu được kiểm tra thì chỉ có một mẫu vượt dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Kiểm tra 70 mẫu rượu cũng chỉ có một mẫu vượt ngưỡng về hàm lượng methanol.
Sai chỉ ở hàng lậu
Theo những gì được báo cáo trong cuộc thanh tra ngày 4/2 và hội nghị trực tuyến ngày 5/2, tình hình an toàn thực phẩm hiện nay gần ở mức mỹ mãn. 
Ông Phan Huy Vĩnh, đội trưởng đội quản lý thị trường 33 (Quản lý thị trường Hà Nội), cho biết so với cùng kỳ năm trước, hàng lậu, thực phẩm lậu vào Hà Nội đã giảm đến 60-70%.
Đại diện UBND quận Bắc Từ Liêm khẳng định không có con gà lậu nào vào quận này vì gà Bắc Từ Liêm rất ngon.
Trong khi đó, đại diện Chi cục Quản lý thị trường quận Bắc Từ Liêm cho biết từ ngày 1/4/2014 đến nay chưa phát hiện sai phạm về chất lượng thực phẩm.
“Chúng tôi chỉ phát hiện sai phạm với hàng hóa nhập lậu, còn hàng hóa trong địa bàn quản lý thì không có sai”- vị đại diện này cho biết. Với sản phẩm mứt bí gia công mà người ta từng thấy phơi trên hè phố của làng nghề Xuân Đỉnh, Hà Nội thì Sở Y tế Hà Nội cho biết mỗi mẻ mứt bí phải trải qua 14 lần sơ chế, từ gọt vỏ, ngâm nước, phơi khô, xào đường... nên kiểm tra cũng không phát hiện vi phạm.
Ngay cả rau của Công ty Ba Chữ nhập từ chợ đầu mối về dán nhãn rau sạch cung cấp cho siêu thị cũng vi phạm về nhãn mác, nguồn gốc hàng hóa, chứ Hà Nội không phát hiện vi phạm về chất lượng.
Trên bình diện cả nước, theo ông Nguyễn Thanh Phong, đến nay mới có TP.HCM có báo cáo ban đầu về kiểm tra thực phẩm tết, trong 21 mẫu thực phẩm gồm củ quả ngâm chua, kiệu, lạp xưởng, rượu trắng, mứt chùm ruột, hạt dưa, mứt dừa, chả giò, chà bông... lấy ngẫu nhiên tại quận 1, quận 5, quận 6, quận Thủ Đức để kiểm tra thì cả 21/21 mẫu đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm.
Kết quả an toàn thực phẩm mỹ mãn tới mức, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phải thốt lên: "Sao báo cáo nào cũng đẹp, mà người dân vẫn kêu về an toàn thực phẩm?".
Càng Tết càng lo
Thực tế thì, thực phẩm bẩn độc càng những ngày cận Tết càng tìm cách len lỏi vào mâm cơm của người tiêu dùng.
Trong thời điểm cuối tháng 1 đầu tháng 2/2015, hàng loạt thực phẩm bẩn độc bị phát hiện. Đơn cử, Trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức, TP.HCM phát hiện, bắt giữ và tiêu hủy 18.767kg phụ phẩm trâu, bò; 700kg phụ phẩm heo, 700kg thịt lợn cùng nhiều gia cầm không rõ nguồn gốc; trong đó nhiều lô hàng chứa thịt và phụ phẩm đã bốc mùi hôi thối.
Cũng trong thời điểm này, Trạm thú y quận 9 TP.HCM đã bắt giữ lô hàng 165 con lợn sữa bốc mùi hôi thối trong khi chủ xe hàng tìm cách né tránh trạm kiểm dịch; Trạm thú y quận 12 cũng phát hiện gần 300kg mỡ lợn bẩn, 14.000 trứng, hơn 100kg thịt bê không rõ nguồn gốc được vận chuyển trên địa bàn.
Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TP.HCM tạm giữ 1.700 chai sữa nước Ensure loại 237 ml/chai (sản xuất tại Mỹ), 2.862 lon nước tăng lực hiệu Redbull (Thái Lan sản xuất), 105 kg kẹo Toffy (Trung Quốc), 200 kg hạt hướng dương sấy khô, 17 kg mứt trái cây không rõ nguồn gốc.
Đáng chú ý, các đội đã phát hiện hơn 6.500 đơn vị sản phẩm và 61 tấn các mặt hàng rượu vang Chile, bánh mứt kẹo, trà sâm, nấm linh chi, giò chả, trái cây… do nước ngoài sản xuất không có nhãn phụ tiếng Việt hoặc nhãn ghi không đủ nội dung bắt buộc...
Trong tâm thế vừa ăn vừa lo, người dân mong mỏi cơ quan chức năng sẽ xử lý nghiêm các vi phạm, đảm bảo an toàn thực phẩm trước, trong và sau Tết Nguyên đán như lời Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm đã hứa.
An Nhiên

No comments:

Post a Comment