XUÂN HÒA 07/02/15 07:03
(GDVN) - Công trình nâng cấp đập thủy lợi Khe Sâu, xã Quỳnh Châu, Quỳnh Lưu, Nghệ An đã hoàn thành hơn 1 năm nhưng đến nay tiền giải phóng mặt bằng vẫn chưa thấy đâu.
Công trình thi công xong, tiền giải phóng mặt bằng vẫn đắp chiếu
Công trình nâng cấp đập thủy lợi Khe Sâu, xã Quỳnh Châu, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An được khởi công vào tháng 7/2012 và hoàn thành, đưa vào sửa dụng tháng 12/2013.
Công trình trên do UBND huyện Quỳnh Lưu làm chủ đầu tư và đã được UBND tỉnh Nghệ An thông qua mức đầu tư tại Quyết định số 4136/QĐ.UBND – NN do ông Đinh Viết Hồng – Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An ký .
Để công trình được thi công, hàng chục nghìn mét vuông đất lâm nghiệp cùng cây trồng của 17 hộ dân tại xã Quỳnh Châu đã bị thu hồi, giải phóng mặt bằng. Số đất lâm nghiệp của 17 hộ dân trên được chính quyền cấp năm 1997 trong chương trình giao đất giao rừng.
Người dân xã Quỳnh Châu đang trao đổi với phóng viên báo Giáo dục Việt Nam về việc tiền giải phóng mặt bằng đập Khe Sâu vẫn chưa được chủ đầu tư chi trả (ảnh Xuân Hòa) |
Trước khi đưa vào thi công công trình, chính quyền xã Quỳnh Châu cùng UBND huyện Quỳnh Lưu đã tiến hành thông báo, thỏa hiệp mức bồi thường với 17 hộ gia đình trên.
Nhận thấy mục đích thiết thực của việc nâng cấp, sửa chữa đập thủy lợi Khe Sâu nên cả 17 hộ dân đã đồng ý mức giá bồi thường đất và cây cối theo đúng quy định của nhà nước. Cũng để tạo thuận lợi cho chủ đầu tư thi công, mặc dù chưa nhận được tiền bồi thường nhưng người dân vẫn để cho đơn vị thi công công trình.
Đến tháng 12/2013 sau khi công trình hoàn thành và được bàn giao đưa vào sử dụng nhưng mãi vẫn không nhận được tiền bồi thường giải phóng mặt bằng như cam kết từ phía chính quyền nên 17 hộ dân trên mới kiến nghị lên chính quyền xã Quỳnh Châu.
Sau nhiều lần lỡ hẹn vẫn không thấy có chuyển biến, người dân tiếp tục kiến nghị thì nhận được câu trả lời “chưa có nguồn ngân sách để trả”.
Ông Nguyễn Văn Ninh một trong số 17 hộ dân bị thu hồi đất và thiệt hại cây cối do thi công đập thủy lợi Khe Sâu cho biết; "Đáng lẽ ra số cây gia đình tôi trồng nay đã được thu hoạch" (ảnh Xuân Hòa) |
Bức xúc về vấn đề trên ông Nguyễn Văn Ninh (SN 1960, trú tại xóm 12, xã Quỳnh Châu) cho biết: “Gia đình tôi bị thu hồi hơn 6.600 m2 đất rừng ở vùng lòng hồ đập Khe Sâu.
Khi chuẩn bị thi công chính quyền cũng đã cử cán bộ xuống đo đạc diện tích đất bị thu hồi và kiểm đếm số lượng cây. Sau đó, cả 17 hộ dân chúng tôi cũng đã đồng ý mức bồi thường theo quy định của nhà nước mà chính quyền đã đưa ra.
Nhưng cho đến nay công trình đã thi công xong được hơn 1 năm thì chúng tôi vẫn chưa được nhận tiền đền bù. Chúng tôi cũng đã nhiều lần lên hỏi chính quyền xã nhưng vẫn chẳng đem lại kết quả gì. Vậy hàng trăm triệu đồng tiền bồi thường của chúng tôi đến bao giờ mới được nhận đây?”.
Theo các hộ dân, trên diện tích đất bị thu hồi để nâng cấp đập nước thủy lợi Khe Sâu đều đã được trồng cây keo, bạch đàn nguyên liệu. Số cây này của các hộ gia đình đã trồng được được hơn 2 năm.
Theo đúng lịch trình, chỉ hơn một năm nữa số cây trên sẽ cho thu hoạch. Trên mỗi hecta cây trồng trên, hàng năm người dân phải bỏ ra chi phí cho chăm sóc cây là 6 triệu đồng/ha. Đó là chưa kể khi trồng cây mỗi hecta người dân đã phải đầu tư hàng chục triệu đồng tiền cây giống, tiền phân bón.
Do điều kiện người dân nơi đây thu nhập chủ yếu vào trồng rừng nên nhiều gia đình đã phải vay ngân hàng hàng chục triệu đồng vào việc trồng và chăm sóc cây. Cho nên đến giờ, hàng tháng, nhiều gia đình vẫn phải còng lưng trả số tiền lãi vay ngân hàng.
“Gia đình tôi bị thu hồi lên đến gần 1ha, trên diện tích đó gia đình tôi đã trồng hàng nghìn cây bạch đàn. Theo đúng quy trình thì đến nay số cây đã cho thu hoạch để đem thu nhập về cho gia đình tôi.
Để trồng và chăm sóc cây gia đình tôi đã phải vay gần trăm triệu đồng tiền ngân hàng. Đáng lẽ ra giờ này số cây đó thu hoạch tôi đã trả được nợ cho ngân hàng. Nhưng cuối cùng nhường đất, tạo điều kiện cho chính quyền thi công đập Khe Sâu nên tôi đã cho kiểm đếm số cây trên.
Tưởng sẽ sớm nhận được tiền bồi thường để trả tiền vay ngân hàng nhưng ai ngờ đến nay vẫn chưa thấy tiền đâu. Giờ đây, gia đình tôi hàng tháng vẫn phải còng lưng đi trả tiền lãi’, anh Nguyễn Văn Sơn (trú tại xóm 12, xã Quỳnh Châu) cho biết.
Thực hiện thủ tục ngược với quy định của luật
Điều đáng nói ở đây là theo quy định tại Luật Đất đai 2013 nêu rõ, trình tự, thủ tục thu hồi đất và quy trình bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất phải thực hiện trình tự theo các bước sau: Thông báo thu hồi đất; lập hồ sơ, kiểm kê tài sản thiệt hại, diện tích cần thu hồi …và tiến hành bồi thường rồi mới thực hiện thi công công trình.
Nhưng theo người dân cho biết và hồ sơ người dân cung cấp thì sau nhiều lần kiến nghị lên các cấp chính quyền thì ngày 9/9/2014 (sau gần 2 năm khi công trình bước vào thi công) UBND xã Quỳnh Châu mới gọi 17 hộ gia đình này lên để tiến hành lập hồ sơ bồi thường giải phóng mặt bằng.
Sau khi tiến hành lập hồ sơ thì số tiền 17 hộ dân này được bồi thường gồm cả tiền bồi thường đất bị thu hồi và tiền cây cối bị thiệt hại là 918 triệu đồng. Như vậy, tại công trình thi công nâng cấp đập thủy lợi Khe Sâu cấp chính quyền đã tiến hành thủ tục bồi thường giải phóng mặt bằng quay ngược với quy định tại Luật đất đai.
Tưởng mọi việc đến đây đã ổn và sẽ sớm nhận được tiền bồi thường nhưng mãi vẫn không thấy có động tĩnh gì nên 17 hộ dân trên tiếp tục lên chính quyền xã Quỳnh Châu để kiến nghị.
Để hỏi cho ra lẽ, 17 hộ dân trên đã tiếp tục làm đơn gửi lên UBND huyện Quỳnh Lưu. Liên tục gửi đơn đến tận 11 lần và qua nhiều lần tiếp xúc với các lãnh đạo huyện thì người dân vẫn không được giải quyết tiền bồi thường.
Sự việc kéo dài liên tục 2 năm với nhiều lần lên xuống kiến nghị chính quyền huyện từ đời chủ tịch huyện cũ (ông Lê Đức Cường – Nguyên Chủ tịch huyện Quỳnh Lưu nay chuyển sang làm Bí thư huyện ủy Quỳnh Lưu - PV) đến chủ tịch huyện mới (ông Hoàng Danh Lai - PV) người dân vẫn không có được kết quả mình cần.
Thậm chí, theo người dân thì đã nhiều lần “quả bóng” trách nhiệm về vấn đề trên đã bị chính quyền các cấp “đá” cho nhau. Khi lên hỏi xã thì xã nói lên gặp huyện, khi lên gặp lãnh đạo huyện lại nói đã chỉ đạo về xã.
Bức xúc với cách làm việc này, cùng với đó để đòi hỏi quyền lợi chính đáng mình, người dân đã làm đơn và trực tiếp gặp lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An.
Sau khi nghe ý kiến của đại diện 17 hộ gia đình nằm trong diện bồi thường đập Khe Sâu ngày 16/1/2015, UBND tỉnh Nghệ An đã gửi công văn số 66/UBND.KT, yêu cầu UBND huyện Quỳnh Lưu kiểm tra và xử lý báo cáo về cho UBND tỉnh trước ngày 15/3/2015.
Như vậy, đã hơn 1 năm trôi qua sau khi công trình đã hoàn thành thì 17 hộ dân trên vẫn chưa được nhận đồng tiền bồi thường nào. Vậy thực chất số tiền bồi thường lên đến gần 1 tỷ đồng đó của 17 hộ dân tại xã Quỳnh Châu đang nằm ở đâu? Khi nào người dân sẽ được nhận số tiền mà đáng lẽ ra họ đã được nhận từ lâu?
No comments:
Post a Comment