Saturday, February 7, 2015

Đã chịu thương lượng sao lại “bẻ kèo”?!

Theo NLĐO-07/02/2015 00:23

Cần cân nhắc thấu đáo việc hình sự hóa vụ này đã thỏa đáng chưa trong khi có thể giải quyết theo hướng khác bằng các quy định tại Bộ Luật Dân sự, Luật Thương mại, Luật Bảo vệ người tiêu dùng…

Thượng tá Đinh Văn Thảnh, Trưởng Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội - Công an tỉnh Tiền Giang, ngày 6-2 cho biết VKSND tỉnh này đã phê chuẩn quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam Võ Văn Minh (SN 1980, ngụ xã An Cư, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) 4 tháng để điều tra làm rõ hành vi “Cưỡng đoạt tài sản” của Công ty Tân Hiệp Phát (tỉnh Bình Dương).
Lời khai của “người ra giá”
Theo hồ sơ của công an, Võ Văn Minh khai mình làm nghề bán quán cơm. Ngày 3-1, trong lúc lấy chai nước Number One vỏ nhựa của Công ty Tân Hiệp Phát bán cho khách thì phát hiện trong chai có 1 con ruồi, Minh giữ lại và gọi điện thoại cho đường dây nóng của công ty thông báo sự việc, yêu cầu công ty cử người đến thương lượng “đổi sự im lặng”. Trong lần đầu gặp đại diện công ty, Minh yêu cầu phải đưa cho Minh 1 tỉ đồng, nếu không thì sẽ cung cấp chai nước này cho báo chí nhằm hạ uy tín của công ty. Minh còn khai nếu không được đáp ứng thì sẽ in 5.000 tờ rơi phát tán nhiều nơi để công ty này bị mất uy tín.
Võ Văn Minh (phải) bị bắt, đưa về đồn công an hôm 27-1 Ảnh: MINH SƠN
Võ Văn Minh (phải) bị bắt, đưa về đồn công an hôm 27-1 Ảnh: MINH SƠN
Lúc đầu, khi nhận tin báo của Minh qua đường dây nóng, Công ty Tân Hiệp Phát đã cử người đến gặp Minh để “trao đổi”. Sau 3 lần thương lượng, cuối cùng, Minh đồng ý “hạ giá” còn 500 triệu đồng. Chiều 27-1, Minh hẹn đại diện công ty đến một quán cà phê ở huyện Cái Bè, khi đang nhận 500 triệu đồng thì bị các trinh sát Công an tỉnh Tiền Giang bắt quả tang.
Quan hệ dân sự hay cưỡng đoạt tài sản?
Theo một lãnh đạo VKSND tỉnh Tiền Giang, việc phê chuẩn khởi tố, bắt tạm giam Võ Văn Minh là hoàn toàn có cơ sở pháp luật về hành vi “Cưỡng đoạt tài sản” chứ không phải hình sự hóa một vụ việc dân sự như một số quan điểm đã nêu trước công chúng những ngày qua.
Một điều tra viên cao cấp của Công an tỉnh Tiền Giang cho rằng: “Việc Minh phát hiện sản phẩm có ruồi và thông báo cho công ty là làm đúng quy định của pháp luật để bảo vệ người dùng. Do Minh yêu cầu công ty đưa 1 tỉ đồng để Minh trả lại chai nước, còn không thì sẽ cung cấp vụ việc cho báo chí… nên đây chính là dùng thủ đoạn uy hiếp tinh thần người khác với mục đích là chiếm đoạt tiền, tức là đã cấu thành tội phạm”.
Điều tra viên này lập luận thêm: Nếu Minh nói với đại diện Công ty Tân Hiệp Phát rằng “tôi có một sản phẩm của các ông đang bị mắc lỗi như thế, nếu các ông có mua thì tôi bán và giá mua bán do 2 bên thương lượng” thì đây mới là quan hệ dân sự vì “thuận mua vừa bán”. Tuy nhiên, trong trường hợp này, Minh đã không am hiểu pháp luật nên không “thuận mua vừa bán” mà trái lại đã dùng thủ đoạn uy hiếp tinh thần nên đã vi phạm pháp luật.
Thương lượng để gài bẫy?
Phản bác các quan điểm nói trên, luật sư Nguyễn Tấn Thi (Trưởng Văn phòng Luật sư Hoa Sen, TP HCM) bày tỏ quan điểm với Báo Người Lao Động: “Pháp luật quy định nhà sản xuất phải tuân thủ các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm, hướng dẫn sử dụng và chịu trách nhiệm về sản phẩm của mình với xã hội và người tiêu dùng. Ngược lại, người tiêu dùng được quyền phản ánh hoặc đòi bồi thường đối với nhà sản xuất nếu sản phẩm mình mua bị lỗi, hư hỏng. Như vậy, người mua sản phẩm có quyền yêu cầu chứ không có nghĩa vụ thông tin cho báo chí... và đây là quyền của họ. Quyền này có thể được trao đổi với một khoản tiền hay lợi ích vật chất nào khác không? Chắc chắn là có. Do đó, anh Võ Văn Minh hoàn toàn có quyền đề đạt yêu cầu và đưa ra số tiền hoặc lợi ích vật chất mà anh cho là hợp lý. Theo Luật Bảo vệ người tiêu dùng thì người tiêu dùng có quyền thương lượng với nhà sản xuất”.
Cũng theo luật sư Thi, thương lượng là bước đầu tiên trong quá trình khiếu nại đòi bồi thường. Luật đã quy định là thương lượng thì anh Minh có quyền sử dụng mọi biện pháp mà pháp luật không cấm để thương lượng, kể cả việc trong quá trình này Minh nói anh ta sẽ đem chai nước có ruồi đăng báo, phát tờ rơi để thông báo cho những người tiêu dùng khác biết. Việc đưa tin đăng báo thì luật không cấm. Và, đã là thương lượng thì anh Minh có quyền đưa ra số tiền tùy ý. Công ty Tân Hiệp Phát đã chấp nhận vào cuộc thương lượng, vậy là một phương án giải quyết theo Bộ Luật Dân sự, Luật Thương mại và Luật Bảo vệ người tiêu dùng đã được lựa chọn. Công ty Tân Hiệp Phát làm điều này cũng vì lợi ích của chính công ty chứ không bị khống chế hay đe dọa gì bởi lẽ chính Tân Hiệp Phát phải có trách nhiệm công bố việc chai nước có ruồi và thu hồi cả lô hàng đó để bảo vệ người tiêu dùng (còn việc công bố hay không là cách lựa chọn của công ty). Tân Hiệp Phát đã lựa chọn phương thức giải quyết thông qua thương lượng thì phải tuân thủ các quy định liên quan phương thức này.
Yêu cầu 1 tỉ đồng trong trường hợp này là không chính đáng nhưng pháp luật cho phép họ thương lượng, nghĩa là chấp nhận cho họ đề đạt yêu cầu. Công ty Tân Hiệp Phát có chấp nhận hay không là quyền của Tân Hiệp Phát, nếu không giải quyết thông qua thương lượng, hòa giải được thì anh Minh có quyền yêu cầu tòa án giải quyết. Ở đây, yêu cầu của anh Minh đã được Tân Hiệp Phát chấp nhận và chính vì sự chấp nhận này mới phát sinh sự chi trả 500 triệu đồng.
Thế nhưng, sau 3 cuộc thương lượng, khi Võ Văn Minh đang nhận tiền thì bị công an ập vào bắt…
Đừng đặt khách hàng vào thế đối kháng
Từng có “vụ con gián” tương tự xảy ra 2 năm trước ở TP HCM. Một người tiêu dùng phát hiện con gián trong chai trà xanh của Công ty Tân Hiệp Phát và cũng liên hệ, đòi 50 triệu đồng. Sau thương lượng, khi đang giao - nhận tiền thì công an ập vào bắt quả tang và người này sau đó bị xử 3 năm tù.
Với “vụ con ruồi”, cách giải quyết vấn đề của Công ty Tân Hiệp Phát bị dư luận chê là “thiếu khôn ngoan”. Chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch HĐQT kiêm CEO Le Invest Holdings Corp, nhìn nhận: “Dùng biện pháp “cánh tay sắt” trong trường hợp này là quá mức cần thiết. Nó sẽ gây ra tâm lý e sợ của người tiêu dùng khi họ muốn góp ý chân thành hoặc phát hiện vấn đề cho doanh nghiệp. Từ nay trở về sau, nếu bắt gặp một sản phẩm lỗi nào của công ty này, người tiêu dùng nhiều khả năng sẽ tìm đến các cơ quan bảo vệ người tiêu dùng hoặc gửi ngay cho báo chí. Lúc đó, khủng hoảng truyền thông chắc chắn xảy ra và trở nên cực kỳ nguy hiểm cho doanh nghiệp. Nếu người tiêu dùng tìm đến đối thủ cạnh tranh thì điểm yếu của doanh nghiệp dễ bị đem ra lợi dụng tinh vi hơn, gây hậu quả khôn lường”.
Ông Nguyễn Đức Hùng, Giám đốc Công ty Truyền thông Vietgate, cho rằng dù quy trình sản xuất có tốt và chặt chẽ đến đâu, sản phẩm vẫn có thể bị lỗi. Điều quan trọng nhất không phải là giải quyết êm đẹp sản phẩm lỗi đó mà phải tìm ra lỗi trong quá trình sản xuất đã gây ra sự việc để bảo đảm sự việc tương tự sẽ không xảy ra.
“Đừng mua lấy kẻ thù. Không nên đặt người tiêu dùng vào thế đối kháng, chưa nói đến việc tìm cách đưa họ đi tù” - ông Hùng khuyến cáo.A.Quý

MINH SƠN - AN QUÝ

No comments:

Post a Comment