Saturday, January 17, 2015

Trì trệ kinh tế : ổ nuôi khủng bố

RFI-Minh Anh
Ngày 17-01-2015 16:52
media
Thất nghiệp cao là một trong những nguyên nhân khiến giới trẻ đạo Hồi trở nên cực đoan -REUTERS /Eric Gaillard

Hậu Charlie Hebdo vẫn tiếp tục ngự trị các trang báo Pháp cuối tuần 17/01/2015. « Châu Âu đối mặt với mối họa thánh chiến Djihad » là hàng tít lớn trên Le Monde. « Mẻ lưới chống khủng bố tại Châu Âu » tựa của Le Figaro. « Các công dân, hãy hành động » là lời kêu gọi tờ Libération. Và « Khủng bố : năm ngày làm thay đổi nước Pháp » và « Từ Algeri đến Pakistan, biểu tình chống Charlie » là hai tít lớn của Le Parisien.

Mặc dù các tên sát nhân đã bị hạ sát, nhưng công cuộc điều tra vẫn đang tiếp tục. Le Figaro cho hay « Mạng lưới hậu cần của những kẻ sát nhân đã bị phá vỡ ». Hôm qua, cảnh sát đã bắt giữ tổng cộng 12 người, trong đó có bốn nữ, bị tình nghi tiếp tay hậu cần cho những kẻ khủng bố. Tờ báo tường thuật làm thế nào các nhà điều tra đã xác định được nhân thân của những kẻ tình nghi trên, thông qua các kỹ thuật nhận dạng dấu vân tay, qua các cuộc nghe lén điện thoại và nhiều tình tiết khác được phát hiện ngay tại hiện trường.

Hiện các nhà điều tra cũng đang làm sáng tỏ nghi vấn liệu các hoạt động khủng bố nhắm vào Charlie Hebdo có mối liên hệ nào với tổ chức khủng bố bị phá vỡ hôm qua tại Bỉ hay không. Le Figaro cũng nhận thấy « Châu Âu cung cấp gần 1/3 quân số cho Tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS ». Nhưng vì sao ngày càng có nhiều thanh niên Châu Âu ngả theo con đường thánh chiến ? Để trả lời câu hỏi này, tuần san L’Express số ra tuần này có bài xã luận cho rằng « Đình trệ kinh tế đang làm ổ cho chủ nghĩa khủng bố ».

Cũng vụ 11/09/2001 làm thay đổi Hoa Kỳ, thì vụ khủng bố 11/01/2015 vừa qua cũng có thể làm thay đổi nước Pháp và sau đó là Châu Âu. Và một trật tự ưu tiên mới đang được áp đặt. Đương nhiên tăng cường an ninh sẽ là một trong những ưu tiên hàng đầu như vũ khí chống khủng bố, hiện đại hóa lực lượng an ninh, kiểm soát mạng, tình báo hay gia tăng phối hợp giữa các Bộ trưởng Nội vụ, trao đổi thông tin.. Nhưng tất cả các giải pháp đó không thôi cũng chưa đủ mà còn phải để ý đến cả vấn đề tài chính để có thể chống lại Daesh hay Al-qaida.

Tuy nhiên Pháp cũng không thể nào dùng các chi tiêu quân sự để biện minh cho vấn đề thâm thủng ngân sách. Không cải cách, thì tăng trưởng không thể nào phục hồi lại được. Chỉ một vài phần mười điểm GDP mà kinh tế Pháp có được nhờ vào giá dầu thô giảm cũng sẽ chỉ là hạt cát nếu như không giảm được gánh nặng chính phủ đang đè nặng lên các doanh nghiệp và nếu như không giải tỏa được thị trường lao động.

Bởi lẽ, đình trệ kinh tế là miền đất màu mỡ cho chủ nghĩa khủng bố. Giả như xã hội Pháp không bị ngăn chặn đến mức này, giả như thăng tiến xã hội hoạt động tốt với con cái của những người nhập cư và giả như tăng trưởng kinh tế có thể mang đến cho mỗi người một cơ hội, sự cuồng tín từ vùng Trung Đông sẽ không thể nào xâm nhập được một cách dễ dàng đến thế.

Không chỉ 1.200 thanh niên Pháp tham gia thánh chiến như thông báo của Thủ tướng, mà là cả triệu thanh niên Pháp đang trong tầm ngắm của phe thánh chiến. Đó là những người trẻ không việc làm, không được sự giúp đỡ của Cơ quan tìm kiếm việc làm. Sự bùng nổ các vùng ngoại ô không đáng ngại bằng sự biến đổi đến chóng mặt các hành động cô lập của những người trẻ tuổi cuồng tín.

Do đó, sự việc ngày 11/01/2015 phải thức tỉnh cả cộng đồng. Cuối cùng bài viết kêu gọi: Cho dù buổi tuần hành hòa hợp quốc gia tan rã nhanh chóng do những tranh cãi chính trị, mọi người không nên để phân tán niềm tin và lòng can đảm.

Khủng bố tại Charlie Hebdo : tin đồn « âm mưu »

Le Monde thì quan tâm đến những cảm xúc của thanh niên theo đạo Hồi sống tại Marseille. Đối với họ, vụ khủng bố vừa qua là « một âm mưu để bôi nhọ người Hồi giáo ». Theo những người trẻ tuổi tại vùng miền Nam nước Pháp này, « những kẻ giết người đó là những tay giết người thuê do các cơ quan tình báo tuyển dụng để kích động dân Pháp chống lại đạo Hồi ».

Những thanh niên nhật báo tiếp xúc trong độ tuổi đôi mươi, theo đạo Hồi và đều có việc làm. Những người này cũng không xuất thân từ những khu phố nghèo mà sống tại những vùng ngoại ô nông thôn của Marseille. Số thanh niên này cho rằng các biếm họa của Charlie Hebdo về nhà tiên tri đã làm họ tổn thương. Họ khẳng định cũng đã học qua kinh Coran và tin tưởng rằng đạo không khuyến khích hoạt động giết người.

Số thanh niên này cho rằng chính cơ quan tình báo Mossad của Israel đã làm nên những chuyện này. Nhất là sau khi Palestine được công nhận tại Quốc hội. Do đó « Israel muốn trừng phạt nước Pháp » theo như suy nghĩ của một thanh niên tên Mohammed.

Không phải ai cũng là Charlie Hebdo

Dư âm của vụ thảm sát chưa kịp lắng xuống thì Charlie Hebdo lại tiếp tục gây sóng gió. Số báo vừa mới phát hành của Charlie Hebdo đã làm bùng lên nhiều cuộc biểu tình bạo động chống lại nước Pháp tại nhiều quốc gia Hồi giáo trong ngày hôm qua 16/01/2015. Le Figaro đề tựa nhận định : « Thế giới Hồi giáo sôi sục sau số báo mới Charlie Hebdo ».

« Nous sommes tous Kouachi » (Tất cả chúng ta đều là Kouachi) là dòng chữ đoàn người biểu tình từ Algeri cho đến Pakistan đã giương ra chống lại « Je suis Charlie ». Ngay đầu bài viết, Le Figaro cho hay ít nhất có 4 người bị giết tại Niger, ba người bị thương ở Pakistan. Trang nhất của số báo mới đây của tuần san đã kích động đám đông.

Với tấm ảnh đăng trên trang nhất cho thấy đám đông đốt cờ Pháp, Le Parisien nhận định « không phải ai cũng là Charlie ». Bức họa châm biếm mới nhà tiên tri Mahomet trên trang nhất Charlie đã gây ra nhiều vụ bạo động tín ngưỡng nghiêm trọng tại Zinder, thành phố lớn thứ hai của Niger.

Một nhà thờ công giáo và hai đền thờ Tin lành đã bị đập phá. Trung tâm văn hóa Pháp bị phóng hỏa. Một hiện tượng chưa từng thấy. Các cuộc biểu tình chống Charlie diễn ra khắp nơi : từ Karachi (Pakistan), Amman (Jordani), Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), Alger (Algeri), Nouakchott (Mauritanie) hay Dakar (Senegal).

Le Figaro bổ sung thêm tại Bamako, hàng ngàn người Mali đã diễu hành lên án hành động « báng bổ đạo Hồi ». Họ chỉ trích Tổng thống Ibrahim Boubacar Keita đã đứng bên cạnh Tổng thống Pháp trong buổi tuần hành chủ nhật vừa qua. Những người biểu tình này đã hô to : « IBK là Charlie, tôi không phải là Charlie ».

Tương tự tại thủ đô Senegal, người biểu tình cũng chỉ trích Tổng thống Macky Sall đã đến Pháp để tham dự buổi tuần hành hôm 11/01 vừa qua. « Charlie quỷ dữ », « Đừng chạm đến nhà tiên tri của tôi » « Tự do báng bổ thì chết » là những hàng chữ trên các tấm biển, theo như ghi nhận của Le Parisien.

Môi trường: Trái đất đã chạm ngưỡng giới hạn

Phải chăng con người đã và đang tàn phá hành tinh xanh của mình ? Nhân loại có thể làm biến đổi môi trường cho đến mức nào mà không có nguy cơ gây ra những phiền toái quan trọng ? Để có thể trả lời các câu hỏi trên, trong một nghiên cứu đăng trên Nature năm 2009, một nhóm các nhà khoa học quốc tế đã đề ra khái niệm « các giới hạn của hành tinh ». Mục đích của nghiên cứu là đặt ra những giới hạn không nên vượt qua nhằm tránh cho « hệ thống-Trái đất không bị rơi vào tình trạng khác với hiện nay, một tình trạng rất có thể gây bất lợi cho sự phát triển xã hội nhân loại ».

Khái niệm đó đã được chính nhóm nhà khoa học này tiếp tục cập nhật và cho công bố vào ngày hôm qua 16/01/2015. Họ đã xác định được có 4 giới hạn đã bị chạm ngưỡng và đang trên đà vượt quá lằn ranh. Liên quan đến chủ đề này, nhật báo Le Monde có bài đề tựa báo động : « Trái đất đã vượt qua một số giới hạn của mình ».

Thứ nhất là biến đổi khí hậu. Theo quan sát của các tác giả, nồng độ dioxyde carbon (CO2) trong khí quyển hiện ở mức 400 phần triệu, nằm giữa mức hạn định là 350 và 450 phần triệu, tức là đang nằm ngay ở giữa lằn ranh đỏ. Điều đó cũng có nghĩa là « khi vượt qua mức 350 phần triệu, một số vùng có rủi ro cao chịu những tác động có thể gây tổn hại, chẳng hạn như những đợt nắng nóng gắt và hạn hán tại Úc. Còn nếu vượt qua ngưỡng 450 ppm, chúng ta có thể hiểu rằng sẽ có những tác động ảnh hưởng đến toàn cầu », theo như giải thích của nhà khí tượng học Will Steffen (Đại học quốc gia Úc, đại học Stockholm) – tác giả đầu tiên của nghiên cứu.

Giới hạn thứ hai đã bị chạm ngưỡng là hiện tượng xói mòn đa dạng sinh thái. Trước đây các nhà khoa học ấn định, trong tổng số một triệu loài, mỗi năm có 10 loài bị biến mất thì sẽ không có một tác động quan trọng nào cho xã hội loài người. Thế nhưng, tỷ lệ xói mòn hiện nay đã vượt quá ngưỡng từ 10 đến 100 lần. Về điểm này, nhà sinh học Gilles Bœufs, thuộc Bảo tàng lịch sử tự nhiên quốc gia có lưu ý : « đa dạng sinh học không chỉ bị hạn chế ở một danh sách các loài sinh vật. Ở đây, các tác giả còn phải đánh giá việc bảo tồn toàn bộ sự hành chức của hệ sinh thái, bằng cách dựa theo từng cấp độ những nhóm loài sinh vật hoàn thành các chức năng tương tự ».

Điểm thứ ba các nhà khoa học đề cập đến là thay đổi về sử dụng đất đai. Do có liên quan mật thiết với thất thoát đa dạng sinh thái, sự biến đổi đó nhìn chung cũng đang vượt ngưỡng. Theo ước tính của các nhà khoa học, tại những vùng trước đây là rừng, cần phải được phủ ít nhất 75% diện tích. Trên cấp độ thế giới, tỷ lệ phủ rừng bình quân chỉ vừa ở mức 60%. Tuy vậy, tỷ lệ bình quân này cũng rất khác biệt tại nhiều nơi. Nếu như tại Brazil (thường xuyên bị nêu gương xấu) lại nằm trong vùng an toàn, trong khi đó tại vùng Châu Phi xích đạo hay Nam Á hoàn toàn dưới ngưỡng 75%.

Cuối cùng, các nhà khoa học cho rằng chính cuộc đua với đất đai canh tác đang làm gây nhiễu vòng tuần hoàn chất nitơ và phốt-pho, những loại hóa chất đảm bảo cho độ phì nhiêu đất nông nghiệp. Nguyên nhân chính là do việc lạm dụng quá mức phân bón và việc quản lý tồi nước thải từ chăn nuôi.

Đồng franc Thụy Sỹ thả nổi, dân trốn thuế Ý thắng lớn

Trên lãnh vực kinh tế-tài chính, ngày hôm qua, Thụy Sỹ bất ngờ ra quyết định thả nổi đồng franc của mình. Thông báo này của Ngân hàng Quốc gia Thụy Sỹ đã gây ra « Chuỗi phản ứng » theo nhận định của Le Monde. Tuy nhiên, theo mục « Câu chuyện trong ngày » của Le Figaro, thì quyết định này đã mang lại nhiều lợi cho những công dân Ý trốn thuế.

« Một tuần lễ bằng vàng cho những người trốn thuế tại Ý » Le Figaro chạy tựa. Theo tờ báo, những người trốn thuế tại Ý là những kẻ được lợi nhiều nhất sau khi Thụy Sỹ quyết định thả nổi đồng franc. Không chỉ họ bỏ túi ít nhất 20% bằng đồng franc, mà còn được Thủ tướng Ý ân xá với điều kiện họ khai báo số tài sản. Tiền phạt chỉ chiếm độ 3-4% số tài sản cất giấu, và thậm chí họ cũng có thể tiếp tục để ở lại Thụy Sỹ.

Theo đánh giá, số tài sản cất giấu tại Thụy Sỹ nằm trong khoảng từ 120-180 tỷ euro. Với mức thả nổi đồng franc Thụy Sĩ, việc người Ý cất giấu tài sản trong các ngân hàng Thụy Sỹ còn hấp dẫn hơn cả việc đem về nước. Một niềm hy vọng lớn cho các ngân hàng tại thiên đường thuế này, do e ngại tác động của việc chấm dứt chính sách bí mật ngân hàng, sẽ chính thức có hiệu lực vào năm 2018.

Tờ báo cho rằng chương trình « tự khai báo » của chính phủ Ý còn hiệu quả hơn của chương trình của Pháp, vốn dĩ từ chối mọi hình thức ân xá với nạn trốn thuế. Theo Le Figaro cách làm này của Ý cho phép chính phủ ông Renzi thu được hàng tỷ euro. Đây cũng là một vấn đề cấp bách do Thủ tướng Ý đang thương thảo với Bruxelles về dự thảo ngân sách 2015.

No comments:

Post a Comment