Saturday, January 17, 2015

Học giả Mỹ: Bế tắc ở Đông Á ngày nay có thể kết thúc đẫm máu

 HỒNG THỦY 16/01/15 07:00
(GDVN) - Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam-PV) dù diện tích nhỏ bé nhưng lại đang là trung tâm của một cuộc tranh chấp quốc tế và có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh.
Học giả Joshua Kurrlantzick.
Joshua Kurrlantzick, thành viên cấp cao phụ trách khu vực Đông Nam Á trong Hội đồng Quan hệ đối ngoại Hoa Kỳ ngày 15/1 bình luận trên tờ The National cho rằng, đối đầu giữa Trung Quốc với các nước láng giềng có thể gây ra chiến tranh ở châu Á. Trong đó khu vực quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam-PV) dù diện tích nhỏ bé nhưng lại đang là trung tâm của một cuộc tranh chấp quốc tế và có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh ở châu Á trong tương lai.
Các nước Đông Nam Á và Trung Quốc đã không thể giải quyết "yêu sách chồng lấn" ở Biển Đông được cho là giàu dầu mỏ và là tuyến hàng hải chiến lược với tổng giá trị thương mại đi qua mỗi lăn lên tới hơn 5 ngàn tỉ USD.
Joshua nói, Philippines và Việt Nam đã yêu cầu Tòa án Quốc tế về Luật Biển phán quyết đường lưỡi bò Trung Quốc yêu sách ở Biển Đông là vô nghĩa, trong khi Bắc Kinh vẫn cứ lập luận rằng tòa án này không có thẩm quyền.
Trung Quốc muốn thành thế lực thống trị châu Á, những mối quan hệ thương mại kinh tế khó ngăn nổi chiến tranh
Trong 3 năm qua dưới thời lãnh đạo của ông Tập Cận Bình, lần đầu tiên kể từ thời Mao Trạch Đông, Bắc Kinh công khai tuyên bố mong muốn mình trở thành một thế lực thống trị châu Á. Lãnh đạo Trung Quốc đòi hỏi theo đuổi yêu sách "chủ quyền" với các vùng biển rộng lớn ở châu Á bao gồm Biển Đông và Hoa Đông.
Đồng thời Trung Nam Hải muốn rằng không phải Mỹ, cũng chẳng phải Nhật Bản mà phải là Bắc Kinh dẫn đầu tổ chức an ninh trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Hoa Kỳ đang rất cố gắng để duy trì ảnh hưởng của mình ở châu Á trong khi Philippines, Việt Nam và nhiều nước khác muốn có sự ủng hộ của Mỹ đang phải vật lộn để xây dựng quân đội và lực lượng hải quân của mình, Joshua bình luận.
Trong một diễn đàn được Bộ Quốc phòng Trung Quốc tổ chức cuối năm 2014, Lưu Chân Dân, Thứ trưởng Ngoại giao nước này tuyên bố: Các nước châu Á tự chịu trách nhiệm chính đối với an ninh khu vực của họ, một cảnh báo nhằm vào Hoa Kỳ.
Trong lúc diễn đàn này được tổ chức thì hình ảnh mới nhất từ vệ tinh được công bố cho thấy Trung Quốc đã xây dựng bất hợp pháp 1 đường băng ở đá Chữ Thập, quần đảo Trường Sa mà có thể sử dụng cho máy bay quân sự Trung Quốc hoạt động trong trường hợp nổ ra chiến tranh.
Bất chấp bầu không khí ngày càng "hiếu chiến" trong khu vực, một số doanh nhân và các nhà lãnh đạo châu Á vẫn tin rằng, tăng trưởng kinh tế thương mại ở châu Á và sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế sẽ ngăn chặn căng thẳng leo thang.
Lính Trung Quốc đồn trú bất hợp pháp trên đá Chữ Thập, Trường Sa.
Bắc Kinh đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của các nền kinh tế khác ở châu Á, đồng thời cũng là nhà tài trợ lớn nhất cho một số nước châu Á khiến Kishore Mahbubani, Hiệu trưởng trường Chính sách công Lý Quang Diệu tại Singapore tự tin rằng "châu Á sẽ trải qua thời kỳ hoàng kim mới hòa bình và thịnh vượng trong vòng 10 năm tới" vì hội nhập và giao lưu kinh tế thương mại.
Nhưng những mối quan hệ thương mại có thể không ngăn chặn được một cuộc chiến tranh trong tương lai. Trong nhiều khía cạnh, tình hình ở Đông Á hiện nay tương tự như châu Âu trước Chiến tranh Thế giới thứ nhất.
Cũng giống như Đông Á hiện nay, thời gian đó ở châu Âu nổi lên các thế lực thách thức trật tự quốc tế, chủ nghĩa quân phiệt lây lan và các quốc gia duy trì quan hệ kinh tế mạng nhện phức tạp. Tuy nhiên ngay cả khi họ giao dịch sâu với nhau, các cường quốc châu Âu những năm 1900 - 1910 đã phát động chạy đua vũ trang và kinh tế, thương mại cuối cùng vẫn không giữ được hòa bình.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã thừa nhận rằng, mặc dù hợp tác kinh tế thương mại Nhật - Trung vẫn tăng trưởng, nhưng hai nước đang ở trong "tình huống tương tự" Anh và Đức trước Chiến tranh Thế giới thứ nhất, khi các cường quốc châu Âu chạy đua vũ trang hải quân trong lúc họ là những đối tác thương mại lớn của nhau.
Và như những gì đã xảy ra sau đó ở châu Âu, bế tắc ở Đông Á ngày nay có thể kết thúc đẫm máu, Trung Quốc và các nước Đông Nam Á đang vừa trở nên cởi mở hơn, nhưng đồng thời cũng đối nghịc nhau hơn.
Bắc Kinh đã từng cảnh báo ExxonMobil và các công ty dầu khí khác không được liên doanh với các nước Đông Nam Á thăm dò khai thác dầu khí ở Biển Đông. Các quan chức Trung Quốc cũng công khai cảnh báo các nước Đông Nam Á "không thác thức tuyên bố chủ quyền lãnh thổ" của Bắc Kinh.
Dương Khiết Trì, Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc từng tuyên bố năm 2010 khi còn là Ngoại trưởng, "Trung Quốc là một nước lớn và ác nước khác (ở Đông Nam Á) là nước nhỏ, đó là một thực tế", Joshua lưu ý.
Môi trường nguy hiểm ở châu Á bắt nguồn từ sự yếu kém của Mỹ, Bắc Kinh nhanh chóng lấp chỗ trống
Khi bước vào Nhà Trắng, ông Barack Obama đã đưa ra chính sách "xoay trục chiến lược" sang châu Á - Thái Bình Dương, chính sách này được cho là sẽ chuyển các nguồn lực kinh tế, ngoại giao và quân sự Mỹ sang châu Á từ các khu vực khác trên thế giới.
Mặc dù chính quyền Obama phủ nhận rằng chính sách này là nhằm kiềm chế ngăn chặn Trung Quốc bành trướng, nhưng các quan chức Mỹ với tư cách cá nhân cũng như các thành viên Quốc hội thừa nhận rằng, Trung Quốc là lý do thực sự cho chiến lược xoay trục.
Sự suy yếu vai trò của Mỹ trong khu vực khiến Trung Quốc càng trở nên tự đắc?
Tuy nhiên mặc dù rất tham vọng, trục chiến lược của Mỹ trên thực tế cách quá xa so với lời hứa từ Washington, khiến nhiều nước châu Á tự hỏi liệu Hoa Kỳ có thực sự đảm bảo được an ninh cho họ trong một thập kỷ tới.
Một cựu lãnh đạo cấp cao Đông Nam Á đã nói rằng, chính sách xoay trục sang châu Á của Mỹ được nhiều nước châu Á xem như chỉ là khẩu hiệu. Thật vậy, bất chấp những cam kết thúc đẩy hỗ trợ của Mỹ cho khu vực châu Á, một báo cáo mới đây của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ cho thấy, nước này chỉ chi 4% tổng số tiền viện trợ nước ngoài của mình cho khu vực Đông Nam Á.
Ngoài ra, mặc dù chính quyền Obama hứa rằng sẽ chuyển 60% số tàu chiến, máy bay của mình đến Thái Bình Dương vào cuối thập kỷ này, nhưng một số quan chức Đông Nam Á nói rằng họ cảm nhận rõ rệt sự suy giảm di chuyển của hải quân Mỹ vào Thái Bình Dương.
Đó là dấu hiệu đáng lo ngại cho thấy Hoa Kỳ sẽ không bao giờ có thể bỏ hẳn sự hiện diện của họ ở châu Âu và Trung Đông để "xoay sang châu Á". Trong lúc chiến lược xoay trục của Mỹ đã chùn bước thì lãnh đạo Trung Quốc lại trở nên mạnh mẽ cả về đối nội và đối ngoại.
Suốt từ thời Đặng Tiểu Bình đến những năm 2000, Trung Quốc duy trì chiến lược giấu mình chờ thời, tuy nhiên chỉ trong 3 năm qua Tập Cận Bình và các nhà lãnh đạo xung quanh ông đã phá bỏ chính sách "thao quang dưỡng hội" mà Đặng Tiểu Bình đề xướng và từ bỏ tấn công quyến rũ.
Lãnh đạo Trung Quốc hiện nay như ông Tập Cận Bình đã nói rõ, ông tin rằng Trung Quốc cần phải "lấy lại vai trò ưu việt trong khu vực và toàn cầu" của mình, và ông không được nhút nhát trong nỗ lực vươn lên để đạt được điều đó.
Tập Cận Bình đã tuyên bố rằng mục tiêu của ông là xây dựng những gì ông gọi là "giấc mơ Trung Hoa", một cụm từ thường được giải thích rằng ông Bình muốn khôi phục sức mạnh Trung Quốc từng có và ảnh hưởng đến thế giới trong cả thiên niên kỷ. Và quan trọng hơn là Tập Cận Bình đã bảo vệ lời nói của mình bằng hành động.
Một mặt sức mạnh của Tập Cận Bình đã tích lũy được thông qua vận động khéo léo sau hậu trường cho phép ông đạt được những thành tựu lớn về đối nội và đối ngoại. Ông đã phát động chiến dịch chống tham nhũng quy mô lớn chưa từng có ở trong nước, đồng thời cam kết đóng góp 50 tỉ USD cho một ngân hàng phát triển mới độc lập với các định chế tài chính quốc tế do Mỹ kiểm soát.
Tham vọng của ông Tập Cận Bình khiến nhiều nước láng giềng lo ngại.
Phong cách cứng rắn của Tập Cận Bình cũng cổ vũ cho một chính sách đối ngoại mà dường như nhiều nước láng giềng của Trung Quốc ngày càng cảm thấy họ bị đe dọa. Bên cạnh những tuyên bố phát ngôn hoa mỹ của lãnh đạo Trung Quốc về Biển Đông, Hoa  Đông, Bắc Kinh vẫn cho kéo giàn khoan đi cùng tàu hải quân, tàu công vụ vào hạ đặt (bất hợp pháp) trong vùng biển (đặc quyền kinh tế và thềm lục địa) Việt Nam.
Bắc Kinh cũng đã bắt đầu xua đuổi máy bay trinh sát của Mỹ ở châu Á, điều hàng ngàn quân đến áp sát biên giới với Ấn Độ, đơn phương áp đặt vùng nhận diện phòng không ở Hoa Đông...
Nhiều nước châu Á đang thực sự lo ngại trước sức mạnh và khả năng Trung Quốc dùng vũ lực
Philippines bây giờ đang thực sự rất lo lắng về sự trỗi dậy của Bắc Kinh, Manila đã chào đón quân đội Mỹ trở lại. Tháng 4 năm ngoái hai bên ký Hiệp ước Hợp tác quốc phòng mở rộng trong 10 năm, cho phép các lực lượng quân sự Mỹ có thể đứng chân ở Philippine một lần nữa. Cố vấn an ninh quốc gia Philippines cũng đi lại như con thoi vận động Washington bán cho Manila các vũ khí tiên tiến trong suốt 3 năm qua.
Theo Joshua, Việt Nam cũng cảm nhận rõ rệt về mối lo ngại này và sẵn sàng thúc đẩy quan hệ với Mỹ, bất chấp thực tế Trung Quốc vẫn là đối tác kinh tế thương mại hàng đầu của mình. Cuối năm ngoái Mỹ đã quyết định nới lỏng lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Một số nguồn tin từ Quốc hội Mỹ dự đoán rằng, trong vòng 5 năm tới Hoa Kỳ sẽ bán cho Việt Nam số lượng vũ khí lớn, quân đội 2 nước có thể tiến hành tập trận chung quy mô lớn.
Indonesia cũng phản ứng rõ rệt với Trung Quốc, tân Tổng thống nước này Joko Widodo công bố một học thuyết chính sách đối ngoại mới, trong đó khẳng định sẽ phát triển Indonesia thành một cường quốc hàng hải. Indonesia đã đánh chìm một số tàu cá nước ngoài (bị cho là) đánh bắt trái phép trong vùng biển nước này.
Rizal Sukma, cố vấn cấp cao của ông Joko Widodo nói tại một diễn đàn ở Washington rằng, các vụ đánh chìm tàu được thiết kế chủ yếu để phát thông điệp sang Trung Quốc.
Nhật Bản đã thông qua kế hoạch ngân sách 5 năm, trong đó tăng đáng kể chi tiêu cho quốc phòng với dự án mua sắm mới máy bay chiến đấu, tùa ngầm và tàu đổ bộ. Rõ ràng châu Á hiện đang ở giữa một cuộc chạy đua vũ trang nhanh chóng.
Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm cho biết, số vũ khí Đông Nam Á mua mới đang tăng hơn 100% kể từ năm 2005. Trong khi đó đụng độ giữa các tàu Trung Quốc và tàu Việt Nam, Philippines, Nhật Bản ở Biển Đông, Hoa Đông vẫn xảy ra hàng ngày.
Nếu chiến tranh nổ ra ở Đông Á, Hoa Kỳ sẽ tham gia dù chính quyền Obama đã không quy định rõ ràng rằng Washington sẽ phản ứng như thế nào với xung đột ở Biển Đông hoặc Hoa Đông. Mỹ là đồng minh hiệp ước của Hàn Quốc, Nhật Bản, Philippines và bị ràng buộc phải bảo vệ các nước này nếu bị tấn công.
Trong khi Hoa Kỳ cũng có mối quan hệ hợp tác quân sự ngày càng chặt chẽ hơn với Việt Nam, Singapore và Indonesia cũng như các nước châu Á khác. Nên nếu Trung Quốc gây chiến ở Trường Sa, "tất nhiên Hoa Kỳ sẽ giúp Philippines đối phó", một quan chức cấp cao hải quân Mỹ từng tuyên bố.

No comments:

Post a Comment