SÀI GÒN (NV) - Nhiều ngày qua, người dân tại ấp Trung Lân, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, Sài Gòn bỗng xôn xao vì có hơn 150 công nhân như “ngồi trên đống lửa” khi Tết đã gần kề mà giám đốc công ty lại “biến mất” mang theo gần 600 triệu đồng tiền lương của họ.
Nhiều công nhân đến công ty để nhận lương vào sáng 28 tháng 1 nhưng đều thất vọng ra về. (Hình: Hồng Hải/Người Việt)
Công ty may mặc Bảy Nguyệt ở ấp Trung Lân, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn do bà Chu Thị Minh Nguyệt làm chủ. Nhà xưởng hoạt động từ đầu năm 2014, trong năm, công nhân liên tục bị chậm lãnh lương. Tháng 12 năm 2014, Công ty không trả lương mà chỉ cho công nhân ứng từng đợt với số tiền ít ỏi.
Chị Thu Hồng, công nhân của công ty cho biết, “Vào tháng 11 năm 2014, chúng tôi đã bị nợ lương, nhưng giám đốc than khó khăn, đề nghị công nhân tiếp tục làm việc và hứa hẹn là ngày 25 tháng 1 sẽ trả đủ lương và ngày 14 tháng 2, công ty sẽ cho công nhân nghỉ Tết. Dù bị nợ lương nhưng nghĩ công ty khó khăn thật nên công nhân vẫn cố gắng làm. Thế nhưng đến sáng 26 tháng 1 vừa qua, chúng tôi đến xưởng thì công ty đã cho đóng cửa xưởng. Ngày 27 tháng 1, công ty cho xe tải đến xưởng chở máy móc đem đi, nhưng công phát hiện kịp thời nên đã chặn lại và nhờ cơ quan chức năng can thiệp.”
Công nhân cho biết, họ gọi điện cho bà Nguyệt thì được trả lời “công ty đang khó khăn, muốn làm gì thì làm,” sau đó bà Nguyệt tắt máy. Ngoài nợ gần 600 triệu đồng lương công nhân, công ty Bảy Nguyệt còn nợ công ty bảo vệ Thăng Long 59 triệu, nợ tiền cơm, thuê nhà của ông Huỳnh Công Bằng để làm xưởng sản xuất - 150 triệu đồng...
Khốn khổ phận người công nhân tha phương
Ông Bằng, chủ nhà cho công ty thuê cho biết, “Tôi đã đứng ra nhận trách nhiệm trông coi máy móc, nhà xưởng, đồng thời liên lạc với bà Nguyệt để thương lượng, tìm người bán máy móc để thanh toán tiền lương cho công nhân.”
Cửa nhà xưởng vẫn đóng im ỉm. Chiều 30 tháng 1 vẫn còn vài công nhânnán lại với hy vọng công ty sẽ trả lương còn nợ. (Hình: Hồng Hải/Người Việt)
Ông nói, “Tội nghiệp họ, đa số đều ở các tỉnh xa, người bị nợ ít nhất 5-6 triệu, người nhiều gần 20 triệu đồng. Sắp Tết rồi, không biết họ phải xoay sở làm sao để có tiền về quê.”
Anh Huỳnh Văn Lành (45 tuổi, quê ở Thanh Hóa) cho biết, anh mới ở quê vào Sài Gòn để tìm việc, được thuê nên anh rất mừng, anh cố gắng làm việc chăm chỉ, hy vọng Tết này sẽ có chút tiền. Anh cùng vợ là chị Thanh Hằng bị công ty nợ hơn 15 triệu đồng.
Anh Lành than thở, “Tết này vợ chồng tôi dự định đưa con về quê ăn Tết vì đã lâu chưa về, nhưng giờ này lâm vào tình cảnh khốn đốn như vậy, chưa biết Tết này lấy gì để sống.”
Còn chị Hằng thì mếu máo, “Giám đốc hẹn là ngày 14 tháng 2 sẽ cho chúng tôi nghỉ Tết và trả lương đầy đủ, nhiều người đã mượn tiền mua vé tàu xe về Tết, nhưng bây giờ tiền lương không biết có đòi được không. Nhiều người đã đi trả vé tàu, chịu lỗ để lấy lại tiền mà đi trả nợ. Tết này, không biết chúng tôi phải sống sao đây.
Cho đến chiều ngày 30 tháng 1, 2015, nhiều công nhân vẫn còn nán lại với hi vọng công ty sẽ giải quyết lương cho họ. Nhưng mặc nhiên cửa công ty đã đóng và bên trong xưởng hằng ngày vẫn ồn ào làm nơi sản xuất, hôm nay bỗng im lìm.
Chúng tôi nhận thấy, ngoài một số công an viên của xã Bà Điểm thì không thấy cơ quan chức năng của địa phương có mặt ở công ty để giải quyết vụ việc. Mặc khác công an đã ngăn cản không cho các phóng viên có thể quay phim, chụp hình hay phỏng vấn công nhân.
01-30- 2015 3:51:06 PM
Hồng Hải/ Người Việt
No comments:
Post a Comment