Friday, January 30, 2015

Câu hỏi nào cho Bộ Quốc phòng từ vụ máy bay rơi?

Mặc Lâm, biên tập viên RFA 2015-01-30

Vị trí máy bay UH1 rơi (thuộc địa bàn xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh, TP.HCM)

Vị trí máy bay UH1 rơi (thuộc địa bàn xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh, TP.HCM)- RFA files

Gây hoang mang?

Ngày 28 tháng 1 vừa qua chiếc trực thăng UH-1 do Mỹ để lại sau chiến tranh Việt Nam đã rơi tại Bình Chánh, ngoại thành Sài Gòn giết chết toàn bộ 4 người và làm cho công luận chú ý đến vừa như một tại nạn đáng buồn cho quân đội vừa ẩn chứa sự lo lắng cho khí tài mà quân đội tận dụng sau chiến tranh có thể gây hoang mang trong chính binh chủng không quân và là cái cớ cho kẻ thù lợi dụng xuyên tạc.
Tận dụng vũ khí, vật liệu và phương tiện cơ giới huấn luyện sau chiến tranh là điều tốt nhưng nếu kéo dài và không tu bổ, cập nhật nhất là xem xét mức độ an toàn của khí tài sẽ gây ra những tai nạn không đáng có. QĐNDVN có trong tay hai hệ thống khí tài của Mỹ và khối Liên xô cũ, trong đó gồm các loại máy bay chiến đấu và huấn luyện. Do khó khăn khách quan trong bốn mơi năm qua tất cả kho vũ khí cũ ấy chỉ được sử dụng một cách dè dặt tuy nhiên việc bảo dưỡng rất giới hạn do hạn chế ngân sách quốc phòng và việc cấm vận vũ khí kéo dài của Mỹ đối với Việt Nam.
Binh chủng không quân Việt Nam có lẽ là đơn vị kém may mắn nhất sau chiến tranh bởi luôn cận kể với tai nạn do những chiếc máy bay ngày một cũ hơn mà phụ tùng thay thế ngày càng eo hẹp do quá khó kiếm khiến việc bảo trì khó khăn gần như bó tay trong nhiều trường hợp.
Trong thời gian ngắn mà quân đội rơi liền hai chiếc máy bay thì đó quả là điều đáng tiếc nhưng ở góc độ nào đấy thì rõ ràng quân đội Việt Nam mặc dù được trang bị những loại máy bay hiện đại nhưng đến tận nay nhiều loại máy bay cũ mà vẫn phải sử dụng.
-Thiếu tướng Lê Mã Lương
Chỉ tính từ năm 2.000 đến nay binh chủng không quân đã có 18 phi cơ bị rơi trong khi công tác. 17 lần trước là máy bay trực thăng, chiến đấu cơ và phi cơ huấn luyện đều của Liên xô và Đông Âu sản xuất. Lần thứ 18 là chiếc trực thăng UH-1 của Mỹ rơi vào ngày 28 tháng 1 vừa qua.
Bi thảm nhất là số phận của những chiến sĩ bộ đội trong các chuyến bay ấy. Ngày 7 tháng 4 năm 2001, một chiếc trực thăng Mi-17 của Liên xô chở các nhân viên quân sự Việt Nam và Hoa Kỳ đi tìm lính Mỹ bị mất tích trong chiến tranh đã rơi tại vùng núi Am, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình làm thiệt mạng toàn bộ 16 người trên máy bay gồm 9 người Việt và 7 người Mỹ.

Hai năm sau vào ngày 26 tháng 1 năm 2003, chiếc trực thăng Mi-8 cũng của Liên xô xuất phát từ Vinh chở đoàn cán bộ sĩ quan QĐND Việt Nam đâm vào vách núi tại Hòn Mê, khiến toàn bộ chiếc máy bay bốc cháy. Tất cả 15 người cùng phi công trên máy bay đều tử nạn, trong đó có Trung tướng Trương Đình Thanh, Tư lệnh Quân khu, Thiếu tướng Nguyễn Bá Tuấn, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu 4 cùng với năm đại tá và hai thượng tá.

Cách nay 7 tháng, vào ngày 7 tháng 7 năm 2014, chiếc trực thăng Mi-171 rơi tại thôn 11 xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất, Hà Nội làm 20 người trong đoàn tử nạn, 1 người khác bị thương. Sự cố bi thảm này chưa hoàn toàn lắng xuống thì tai nạn của chiếc UH-1 diễn ra làm chấn động dư luận.
roi-may-bay-1-400.jpg
Hiện trường vụ rơi trực thăng UH-1 hôm 28/1 tại Bình Chánh, TPHCM. Photo courtesy of ĐSPL.
Thiếu tướng Lê Mã Lương trả lời chúng tôi trong tâm trạng lo lắng cho người chiến sĩ không quân Việt Nam như sau:
“Trong thời gian ngắn mà quân đội rơi liền hai chiếc máy bay thì đó quả là điều đáng tiếc nhưng ở góc độ nào đấy thì rõ ràng quân đội Việt Nam mặc dù được trang bị những loại máy bay hiện đại nhưng đến tận nay nhiều loại máy bay cũ mà vẫn phải sử dụng cho nên phi công của quân đội Việt Nam mỗi lần lên máy bay kể cả trực thăng hoặc máy bay chiến đấu an hem có tâm lý rất lo bởi vì nó có thể rơi bất cứ lúc nào mặc dù tay lái có thể điêu luyện, giờ bay có thể nhiều nhưng mà không thể tránh khỏi cho nên những trường hợp như thế thì đấy là một điều đáng tiếc nhưng có lẽ là cái số phận không ưu ái phi công đó và cho toán ngồi chung máy bay.
Ngay cả tôi cũng có tâm lý rất sợ đi những chiếc máy bay chuyên dụng của quân đội trong những lần đi công tác. Nghe nói đến chỗ nọ chỗ kia đi bằng máy bay của quân đội thì bọn tôi cũng có những điều e ngại về mặt tâm lý.”

Khả năng tác chiến của phi công VN?

Từ năm 2004 đã có 6 phi cơ Mig 21 và 2 chiếc chiến đấu cơ SU-22 do Nga sản xuất đã rơi trong khi bay huấn luyện. Những tai nạn không đáng có này đang đặt Bộ Quốc phòng Việt Nam một câu hỏi lớn về khả năng tác chiến của phi công Việt Nam khi bay huấn luyện luôn trong tư thế lo lắng như Thiếu tướng Lê Mã Lương mô tả.
Đại tá Phạm Xuân Phương, nguyên cán bộ Cục chính trị cho biết ý kiến của ông:
Tôi nghĩ rằng nhìn chung mặt lý thuyết một là khí tài cũ quá, hai là công tác bảo quản công tác kiểm tra giám sát của mình kém quá mà điểu này rất không tốt cho cái công việc mà chúng ta đang tăng cường xây dựng củng cố quốc phòng, hiện đại hóa quân đội.
-Đại tá Phạm Xuân Phương
“Hôm qua tôi mới được nghe trên TV thôi thành ra cũng chưa có thông tin đầy đủ là nguyên nhân nó ở đâu nhưng tôi nghĩ rằng nhìn chung mặt lý thuyết một là khí tài cũ quá, hai là công tác bảo quản công tác kiểm tra giám sát của mình kém quá mà điểu này rất không tốt cho cái công việc mà chúng ta đang tăng cường xây dựng củng cố quốc phòng, hiện đại hóa quân đội… Cái này tôi cũng chỉ hiểu như thế chứ còn chưa có thông tin gì mới.”
Đại tá Trần Liêm thuộc binh chủng phòng không cho biết những thông tin mà ông có được:
“Tin cụ thể cái này thì tôi chỉ mới nắm được là những máy bay loại này vừa rồi có đưa sang Mỹ sửa chữa nhưng không biết tại sao khi mang vể sử dụng lại bị như thề này. Bây giờ đang tìm nguyên nhân anh ạ chưa nắm được tin nào khác.”
Theo lời của Trung tướng Võ Văn Tuấn Phó Tổng tham mưu trưởng QĐNDVN cho biết thì chiếc máy bay bị nạn đã được mang sang Mỹ đại tu vào tháng 7 năm 2012. Nếu đúng như ông Tuấn nói thì trách nhiệm một phần thuộc nơi đại tu nó vì theo cuộc điều tra ban đầu cho biết do máy hỏng hóc nặng nên máy bay rơi chứ thời tiết hoàn toàn tốt.
Cũng theo Trung tướng Võ Văn Tuấn thì mua một chiếc máy bay mới tốn kém nhiều triệu đô la vì vậy phải tận dụng lại máy bay cũ vì nhiều nước trên thế giới cũng làm như vậy.
Tuy nhiên ngân sách quốc phòng không thể chắp vá khi những yêu cầu thiết thân bảo vệ tổ quốc đòi hỏi. Người ta còn nhớ khi Việt Nam tham gia tìm kiếm chiếc phi cơ dân dụng của Malaysia mất tích, Bộ quốc phòng Việt Nam đã bỏ ra hàng chục triệu mỹ kim vào công tác này mặc dù Việt Nam không hề có một trách nhiệm trực tiếp nào vào sự cố.
Tiết kiệm những nơi cần thiết là cách dôi ra tiền để trang bị khí tài nhằm hiện đại hóa quân đội và nhất là tiết kiệm xương máu binh sĩ trong thời bình. Mỗi năm các cơ quan thuộc Bộ quốc phòng kiếm lời nhiều tỷ đô la qua kinh doanh các khu vực mà nhà nước ưu tiên, những tưởng số tiền lời ấy có thể trích ra một phần cho công tác đại tu bão dưỡng.
Nhiều chuyên gia cho rằng tai nạn máy bay quân sự có thể xảy ra ngay cả đối với các loại máy bay mới và tân tiến nhất, nhưng trong 14 năm có đến 18 vụ gây thương vong nặng nề là điều không thể chấp nhận, nó sẽ gây tâm lý bất an trước khi người phi công chạm mặt với kẻ thù ngay trên không phận của mình.

No comments:

Post a Comment