Ông Phạm Bình Minh trong lần tiếp đón và gặp lại ông Dương Khiết Trì vào ngày 27/10/2014 ở Hà Nội.
Tuyên bố nhấn mạnh quan hệ Việt - Trung phải dựa trên cơ sở 'bình đẳng, cùng có lợi' chỉ là một câu nói 'sáo ngữ' của Phó Thủ tướng, Ngoại trưởng Việt Nam trong dịp hai nước đánh dấu 65 năm thành lập bang giao chính thức, theo ý kiến của nhà quan sát từ trong nước.
Trao đổi với Bàn tròn Trực tuyến (Hangout) cuối tuần của BBC hôm 18/01/2015, Tiến sỹ Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội nhà báo Độc lập Việt Nam từ Sài Gòn cho rằng đã hơn một lần ông Phạm Bình Minh sử dụng 'sáo ngữ' này, kể cả trong thời điểm vụ Giàn khoan HD-981 năm ngoái trên Biển Đông.
TS. Dũng nói: "Ngay vào thời điểm đó cũng đã nêu lại vấn đề bình đẳng, cùng có lợi trong quan hệ giữa hai nước. Đó thực ra nó giống như một câu sáo ngữ ở trong bài tuyên bố của ông Phạm Bình Minh.
"Và chúng tôi thử hỏi là bây giờ một Phó Thủ tướng phụ trách về ngoại giao như vậy và năm nào cũng lặp lại sáo ngữ như vậy trong một bối cảnh mà thực ra mọi chuyện nó đang hoàn toàn khác.
"Tức là vào năm 2014 thì xảy ra vụ (Giàn khoan) Hải Dương 981 và dường như bài tuyên bố của ông Phạm Bình Minh, chúng tôi có cảm giác như ông đã quên đi khá nhanh sự kiện Hải Dương 981.
"Sự kiện đó là một sự gây hấn có thể nói ở mức độ khá cao của người Trung Quốc và nó cho thấy, nó báo một điềm không lành rằng những năm tới Trung Quốc sẽ không bình đẳng với Việt Nam về vấn đề ngoại giao và đặc biệt về vấn đề Biển Đông.
"Cho nên những tuyên bố của ông Phạm Bình Minh, tôi có cảm giác nó chỉ như là sáo ngữ thôi, nó chỉ mang tính chất ngoại giao thôi, dường như ông đã quên đi khá nhanh sự kiện Hải Dương 981 và nó cũng khá tương phản với những điều người ta tương phản về ông là 'là đôi mắt hình viên đạn' mà ông đã nhìn Ủy viên Quốc vụ viện Dương Khiết Trì trong chuyến đi của Dương Khiết Trì tới Hà Nội trong năm vừa rồi."
'Quan hệ nay đã khác'
Từ Hong Kong, Phó Giáo sư Jonathan London, nhà quan sát tình hình Việt Nam từ Đại học Thành thị Hong Kong cho rằng trong quan hệ bang giao chính thức Việt - Trung mấy thập niên qua có thể có nhiều 'dịp' khác nhau để đánh dấu.
Ông nói: "Tôi nghĩ rằng với một lịch sử dài giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc, chúng ta có thể lựa chọn rất nhiều kỷ niệm khác nhau, việc kỷ niệm 65 năm thành lập quan hệ chính thức cũng là một cơ hội.
"Nhưng cũng có nhiều ngày khác nhau và ý nghĩa của mỗi ngày cũng khác nhau... Vào dịp này kỷ niệm 65 năm là một cơ hội cho đại diện của hai nước gặp nhau và nhấn mạnh để nâng cao tình hữu nghị.
Quan hệ Việt - Trung trong năm 2014 đã trải qua những thăng trầm, theo các nhà quan sát.
"Nhưng như đã biết, trong vòng một năm vừa rồi đã có những biến đổi quan trọng trong quan hệ giữa hai nước mà hiện nay dù cả hai chính phủ cùng hai đảng, hai nhà nước vẫn đang điều chỉnh tầm nhìn của họ, rõ ràng quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc đã bước vào một giai đoạn mới...
"Nhưng rõ ràng quan hệ Trung Quốc và Việt Nam hiện nay khác hẳn so với chỉ gần đây một, hai năm, nên tôi chấp nhận là dịp này cũng có một ý nghĩa cụ thể của nó, nhưng mà không thể hiểu ở ngoài bối cảnh ở lớn hơn - cụ thể là những căng thẳng trên biển trong năm vừa rồi."
Hôm Chủ Nhật, nhiều báo Việt Nam dẫn lời của Phó Thủ tướng Việt Nam, ông Phạm Bình Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Ngoại giao nói về 65 năm quan hệ ngoại giao chính thức Việt - Trung.
"Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hữu nghị, hợp tác bình đẳng cùng có lợi với Trung Quốc, mong muốn quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt - Trung ngày càng phát triển, đi vào chiều sâu, ổn định, bền vững trong bối cảnh trên thế giới đang đầy rẫy các bất ổn và mọi con mắt đang hướng và đặt nhiều kỳ vọng vào châu Á," ông Minh được truyền thông Việt Nam trích lời nói.
"65 năm qua, quan hệ giữa hai nước tuy có trải qua thăng trầm nhưng ngày càng phát triển", bài viết đánh dấu sự kiện hơn sáu thập niên bang giao chính thức giữa hai quốc gia láng giềng cùng theo thể chế cộng sản của Phó Thủ tướng, Ngoại trưởng Việt Nam nhận định.
'Bình đẳng và nhập siêu'
Bình luận với Bàn tròn Cuối tuần của BBC hôm 18/01/2015 về bài phát biểu này, Tiến sỹ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phản biển Độc lập (IDS - đã tự giải thể) nói:
"Tôi nghĩ rằng trong quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc, bất kể chính phủ nào chăng nữa, thậm chí ngay cả đến trong tương lai nếu mà có một chính phủ không phải là cộng sản đi chăng nữa, thì vẫn phải giữ một quan hệ hữu nghị với Trung Quốc.
"Cái đấy là một điều hiển nhiên và tôi nghĩ rằng Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đặt vấn đề như thế là dễ hiểu, ông nhấn mạnh mối quan hệ phải trên cơ sở bình đẳng và cùng có lợi, điểm đó cũng phản ánh sự thay đổi như là ông Jonathan London vừa nói.
Hiện chưa rõ liệu năm 2015 trên Biển Đông có giảm bớt căng thẳng, đối đầu hay không.
"Tuy nhiên mình sẽ cố gắng bình đẳng hết sức có thể, nhưng tôi nghĩ rằng trong quan hệ quốc tế, giữa các nước với nhau, mình cố gắng đạt được cái gọi là bình đẳng theo một cái nghĩa nào đấy.
"Nhưng trên thực tế không có một sự bình đẳng thực sự, bởi vì có những nước lớn, nhỏ, có những nước có trọng lượng, có những nước trọng lượng lớn, trọng lượng bé, xét một khía cạnh nào đó, đòi hỏi về bình đẳng là một sự cố gắng để phấn đấu, còn trong thực tế, tôi nghĩ rằng trong quan hệ giữa các nước với nhau, từ trước tới nay, từ nay về sau cũng không bao giờ có một cái gọi thật là bình đẳng cả đâu," Tiến sỹ Quang A nói.
Hôm Chủ Nhật, một số tờ báo và truyền thông chính thống của Việt Nam cũng sử dụng từ 'thăng trầm' để nói về quan hệ 65 năm giữa hai quốc gia.
Tờ báo điện tử Vnexpress.net hôm 18/01 dẫn ra 11 sự kiện chính được gọi là 'những cột mốc' lịch sử trong quan hệ song phương, trong đó liệt kê ba sự kiện là 'Trung Quốc chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam (1/1974)', 'Chiến tranh biên giới phía Bắc (2/1979)' và 'Trung Quốc đặt giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam (5/2014)'.
Bình luận riêng về khía cạnh có bình đẳng hay không trong quan hệ thương mại, mậu dịch giữa hai nước, ông Phạm Chí Dũng, người có bằng Tiến sỹ kinh tế, nói với Bàn tròn trực tuyến của BBC:
"Một sự bất bình đẳng thứ hai mà có thể chứng minh được, mà chúng ta có thể nói, đó là sự bất bình đẳng về mặt kinh tế, thì làm sao có thể nói là bình đẳng khi mà Việt Nam nhập siêu một năm tới 24-25 tỷ đô-la từ Trung Quốc, mà không có một cách nào có thể khắc phục được," ông Dũng nói.
Cũng hôm Chủ Nhật, tờ Vnexpress đưa ra con số trong đó nói Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc 36,95 tỷ USD, trong khi xuất khẩu sang Trung Quốc thu được 13.25 tỷ USD từ nước láng giềng phía Bắc trong riêng năm 2013.
Một số mặt hàng chính mà Việt Nam xuất sang Trung Quốc là nhiên liệu, nguyên liệu thô, nông sản, thủy sản và đồ thủ công mỹ nghệ, trong khi các mặt hàng chính Trung Quốc xuất vào Việt Nam là máy móc, thiết bị phụ tùng, hàng tiêu dùng, nhiên liệu (như xăng) và các hàng hóa tiêu dùng v.v...
Mời quý vị theo dõi toàn văn cuộc Tọa đàm Trực tuyến (Hangout) Cuối tuần của chúng tôi được phát trên các kênh Google Plus tại đây và trên YouTube của BBC Việt ngữ tại đây.
No comments:
Post a Comment