(Baodatviet) - Hơn 40 lãnh đạo thế giới vừa tham gia tuần hành đoàn kết chống khủng bố tại Paris thì hàng loạt cuộc biểu tình chống Pháp nổ ra ở nhiều nơi.
Các cuộc biểu tình chống Pháp diễn ra tại châu Phi và Pakistan sau khi báo Charlie Hebdo đăng thêm ảnh châm biếm nhà tiên tri Hồi giáo Muhammad.
Bốn người đã thiệt mạng tại Niger sau khi đám đông biểu tình trở nên kích động. Họ tấn công Trung tâm Văn hóa Pháp và đốt các nhà thờ làm nhiều cảnh sát bị thương.
Tại thành phố lớn thứ hai Zinder thuộc quốc gia nghèo Tây Phi, người biểu tình dùng bom xăng đốt cờ Pháp và tấn công các cửa hàng có chủ là người theo đạo Cơ đốc. Cảnh sát đã đáp trả bằng hơi cay.
Người biểu tình đốt cờ Pháp |
Bộ trưởng Nội vụ Tây Phi Hassoumi Massaoudou thông báo 3 thường dân bị cảnh sát bắn chết khi tấn công trụ sở của họ. Một cảnh sát bị tông xe thiệt mạng và khoảng 45 người khác bị thương.
Các nhân chứng cho biết đám đông với đa phần là thanh niên đã lục tung Trung tâm Văn hóa Pháp, nhà của các sĩ quan cảnh sát và cả trụ sở địa phương đảng cầm quyền của tổng thống Mahamadou Issoufou.
“Những người biểu tình la to bằng thổ ngữ Hausa: Charlie là quỷ Satan – hãy để những kẻ ủng hộ Charlie rơi xuống địa ngục” – chủ một cửa hàng địa phương nói với hãng tin Reuters.
Trong khi đó, một cuộc biểu tình tại Jordan, quy tụ hơn 2.000 người đã diễn ra trong ôn hòa. Những người biểu tình lên án cả hành động tấn công khủng bố vào tòa soạn báo Charlie Hebdo và việc tòa soạn trên lăng mạ nhà tiên tri đáng kính của họ.
Tại Algeria cuộc xuống đường chống lại tòa soạn Charlie Hebdo của dân địa phương bị kết thúc khi cảnh sát ra tay ngăn chặn biểu tình, có xô xát nhưng không có thương vong đáng kể cho cả hai bên.
Tại Sudan hàng ngàn người tụ tập trước cổng đại sứ quán pháp và đòi chính quyền Sudan ngay lập tức trục xuất đại sứ Pháp về nước.
Tại Pakistan, cảnh sát phải dùng hơi cay và vòi rồng để giải tán đám đông 200 người bên ngoài tòa lãnh sự Pháp ở thành phố Karachi.
Bạo lực bùng phát trong các cuộc biểu tình chống Charlie Hebdo diễn ra chỉ vào ngày sau khi hơn 40 lãnh đạo thế giới tham gia tuần hành đoàn kết chống khủng bố tại Paris hôm 11/1. Trong số đó, có Thủ tướng Anh David Cameron, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, cùng nhiều lãnh đạo tôn giáo khác. Tổng thống Mỹ Barack Obama không tới dự cuộc tuần hành này. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, người có mối quan hệ thân thiết với nước Pháp, cũng không có mặt. Chỉ có duy nhất đại sứ Mỹ tại Pháp Jane Hartley tham gia cuộc tuần hành.
Nhiều người lên tiếng chỉ trích Mỹ đã không làm tròn nhiệm vụ của một đồng minh, cũng như bỏ qua cơ hội bày tỏ tình đoàn kết chống chủ nghĩa cực đoan trên thế giới. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, việc ông Obama vắng mặt cho thấy một điều: cuộc chiến chống Hồi giáo cực đoan "không phải đều về nước Mỹ". Nó bộc lộ tính toán khôn ngoan của quốc gia này khi muốn đứng ngoài cuộc chiến tôn giáo.
Trong diễn biến mới nhất, Giáo hoàng Francis I tuyên bố "không được xúc phạm đến tôn giáo của người khác".
Bình luận về các sự kiện liên quan đến vụ khủng bố tòa soạn tạp chí Charlie Hebdo ở Paris hôm 7/1 vừa qua, Giáo hoàng cho rằng, cần phải tôn trọng tự do ngôn luận, nhưng "khiêu khích, sỉ nhục và chọc cười tôn giáo của người khác" là điều "không nên."
Trả lời câu hỏi của một phóng viên Pháp về quan điểm của ngài về quyền tự do ngôn luận, ngài nói: "Tự do ngôn luận và tự do tôn giáo là hai quyền cơ bản của con người. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc xúc phạm tôn giáo của nhau. Và bất cứ ai nhân danh tôn giáo để tiến hành chiến tranh hoặc sỉ nhục người khác là không thể chấp nhận được."
Ngài kết luận: "Nếu ai đó xúc phạm mẹ tôi, tôi sẽ cho kẻ đó một cú đấm vào mặt".
Tuần trước tòa soạn Charlie Hebdo bị tấn công khủng bố khiến 12 người chết, tuy nhiên tuần này họ vẫn phát hành số báo châm biếm nhà tiên tri Mohammad và doanh số lên tới hơn 3 triệu bản.
Biếm họa mới của tòa soạn Cherlie Hebdo gây phẫn nộ cho cả Thế giới Hồi giáo và cả những kẻ hồi giáo cực đoan.
An Nhiên (Tổng hợp)
No comments:
Post a Comment