Khoảng 5 ngày lại có một người rơi xuống sông và phần lớn là học sinh, khi qua sông Bà Rén (Quảng Nam) bằng chiếc cầu phao chông chênh, rệu rã.
Nằm sát với phần đất của xã Quế Xuân 1 (huyện Quế Sơn) nhưng tất cả đất nông nghiệp của gần 100 hộ dân ở tổ 2, thôn Phước Mỹ 3 (thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên) lại nằm bên kia sông Bà Rén. Nếu đi vòng lên quốc lộ 1A để qua cầu Bà Rén thì quãng đường này mất hơn 5 km. Năm 2001, người dân cùng chính quyền đã quyên góp tiền mua 200 chiếc thùng phuy nhựa để làm cây cầu phao bắc qua sông.
Trải qua nhiều năm sử dụng, chiếc cầu dài gần 200 mét, rộng hơn 2 mét được lát chủ yếu bằng tre và gỗ bị xuống cấp nghiêm trọng. Chịu sức ép từ dòng chảy của sông, chiếc cầu trở nên cong queo, lại không có lan can nên rất nhiều trường hợp bị rơi xuống sông khi đi qua đây.
Ngoài người dân tổ 2 thôn Phước Mỹ 3, khoảng 400 học sinh THCS và THPT của xã Quế Xuân 1 đang theo học ở thị trấn Nam Phước cũng thường xuyên đi qua đây. Bà Lương Thị Thúy (53 tuổi) sống gần cầu cho hay, khoảng 5 ngày lại có một vụ rơi xuống sông được người dân phát hiện ứng cứu, có ngày xảy ra đến mấy vụ.
Cũng có người không giữ được tính mạng. Cách đây khoảng 3 năm, anh Lưu Hoàng (35 tuổi, xã Quế Xuân 1) trên đường qua nhà mẹ ruột ở thị trấn Nam Phước về qua cây cầu thì bị té, cả xe và người rơi xuống sông, chết đuối. Một năm sau, bà Nguyễn Thị Chơi (70 tuổi, thôn Phước Mỹ 2) đi bộ qua cầu thì đạp phải đoạn gỗ bị mục, mất thăng bằng rơi xuống sông tử nạn.
Các phần trụ của cây cẩu được kết nối rất thô sơ, lỏng lẻo. Gỗ bị mục nát và bong ra khiến nhiều đoạn trên cầu bị hở.
Nhiều tấm thùng phuy bị hỏng khiến chiếc cầu nghiêng, có đoạn chìm hẳn xuống nước. Theo người dân, hàng năm họ đều góp tiền để tu sửa nhưng do lượng người và xe qua lại quá nhiều nên chỉ một thời gian ngắn cầu lại hỏng.
Vụ tai nạn gần nhất là sáng 15/1, hai học sinh của trường THPT Sào Nam (huyện Duy Xuyên) lọt cả người và xe xuống sông khi tới trường, may mắn được cứu sống. Ở hai đầu cầu rất nhiều hương vàng được người dân rải để cầu an.
Ông Văn Bá Thanh, Chủ tịch UBND thị trấn Nam Phước cho biết, mỗi lần vào mùa mưa lũ, chính quyền địa phương phải tháo cầu. Người dân muốn qua sông phải đi đường vòng. "Chúng tôi rất mong muốn có một cây cầu mới bằng bê tông, an toàn hơn nhưng chưa có kinh phí xây dựng", ông Thanh nói.
Tác giả bài viết: Tiến Hùng
Nguồn tin: Báo VnExpress
Nguồn tin: Báo VnExpress
No comments:
Post a Comment