Trong ngày 10-11/11, thế giới chứng kiến thái độ hoàn toàn khác nhau của nguyên thủ tại các cuộc gặp song phương bên lề APEC.
Trung – Mỹ “so găng” ngay trên bàn đàm phán
Việc đặt Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) của Mỹ bên cạnh Khu vực tự do thương mại Châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP) của Trung Quốc là hình ảnh rõ nét nhất cho sự “so găng” tại APEC.
Các nguyên thủ gặp nhau tại APEC (ảnh: scmp.com)
Tại cuộc gặp bên lề APEC 10/11, Tổng thống Mỹ Barack Obama cùng lãnh đạo 11 nền kinh tế trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (không có Trung Quốc) thể hiện mong muốn sớm hoàn tất TPP “càng sớm càng tốt”. TPP rõ ràng là “một trong những trục chính” trong chính sách xoay trục về vùng châu Á - Thái Bình Dương của chính quyền Obama để đối phó với sự lớn mạnh của Trung Quốc trong khu vực.
Còn với Trung Quốc, APEC lại được coi là cơ hội thúc đẩy thành lập Khu vực tự do thương mại châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP). Bắc Kinh trong những ngày qua đã không giấu được sự bất mãn về TPP và cho rằng: “TPP sẽ không đầy đủ nếu thiếu Trung Quốc”. Trung Quốc không hài lòng cũng đúng. Bởi theo Le Monde, nếu TPP hoàn thành sẽ gây thiệt hại cho nước này 100 tỷ USD mỗi năm.
Cuối chiều 11/11, Tân Hoa xã dẫn lời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình: các nhà lãnh đạo các nền kinh tế APEC đã thông qua lộ trình FTAAP, khép lại APEC 22, đánh dấu việc tổ chức thành công của nước chủ nhà Trung Quốc.
Không có nụ cười trong cuộc gặp Nhật - Trung
Les Echo nhận định “Nhật – Trung cái bắt tay miễn cưỡng”. Nội dung cuộc gặp giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe chẳng có gì đáng chú ý ngoài sự hy vọng một cách hết sức “chung chung” của giới phân tích chính trị rằng cuộc gặp này sẽ mở ra cơ hội hòa giải cho 2 cường quốc châu Á. Thực tế cuộc gặp này ngay từ đầu đã được nhận định là miễn cưỡng từ khâu chuẩn bị, những thông tin về cuộc gặp chỉ đến giờ chót mới được công bố.
Sau hai năm căng thẳng, Hội nghị cấp cao APEC lần này là cơ hội để hai bên xoa dịu bất đồng và tiến tới thành lập cơ chế liên lạc khẩn cấp phòng khi có tình huống bất ngờ. Thế nhưng, tờ báo nhấn mạnh: qua cái bắt tay với Thủ tướng Abe, Chủ tịch Tập Cận Bình còn muốn bày tỏ cho thế giới thấy “sự khoan dung độ lượng của cường quốc Trung Quốc” và cũng để cải thiện hình ảnh của Trung Quốc, một đất nước mà gần đây thường mang hình ảnh là “hung hăng, bạo lực với các nước nhỏ”. Qua đó cũng để “trấn an” các nhà đầu tư Nhật Bản trên lãnh thổ Trung Quốc.
Vậy kinh tế có phải là nguyên nhân mấu chốt cho cuộc gặp Trung – Nhật? Ở một góc nhìn khác, việc thay đổi hình ảnh của Trung Quốc – nước chủ nhà APEC 22 mới chính là mục đích thực sự. Trung Quốc muốn xây dựng một hình ảnh “thân thiện” hơn, “thiện chí” hơn thay vì một Trung Quốc “gây hấn” trong khu vực thời gian qua, khi liên tiếp gây “sóng gió” bằng những tranh chấp biển Đông và Hoa Đông. Sự “hung hăng” này không những không có lợi mà nguy cơ còn đẩy các quốc gia châu Á tìm đến Mỹ và còn là “cú hích” cho chính sách xoay trục của Tổng thống Barack Obama.
5 phút cho cuộc gặp Nga - Mỹ
Nga - Mỹ cuộc gặp được trông đợi (ảnh: Tân Hoa xã)
Cả thế giới dõi theo cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm 10/11, bên lề hội nghị APEC tại Bắc Kinh. Không có vấn đề nào được đề cập chi tiết trong cuộc tiếp xúc chỉ kéo dài 5 phút này.
Mặc dù vậy, người ta hy vọng cuộc tiếp xúc này sẽ giúp hai bên cải thiện quan hệ và mở ra cuộc trao đổi chính thức tại Hội nghị G20 ở Australia vào giữa tháng 11/2014 và hạ nhiệt căng thẳng giữa hai cường quốc. Thời gian qua, mối quan hệ Nga – Mỹ vô cùng căng thẳng nên lời chào giữa lãnh đạo 2 nước được dư luận hết sức chú ý.
Nga-Trung thân thiện
Với nhan đề “Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin đoàn kết chống phương Tây”, Le Figaro nhận định: các nhà lãnh đạo Nga - Trung đã dành cho nhau những lời lẽ “không thể tốt hơn”. Chủ tịch Tập Cận Bình nói rằng: “Tôi có cảm giác là chúng ta luôn đối xử với nhau như bạn bè, cởi mở và chân tình. Tính cách của chúng ta lại giống nhau”. Đáp lại, báo chí Nga dẫn lời Tổng thống Putin: “Tình hình đang đẩy hai nước tới một mối quan hệ gần gũi hơn, cả hai đang phải đối mặt với những áp lực nặng nề, Nga trong khủng hoảng Ukraine và Trung Quốc trong vấn đề ổn định Hong Kong”.
Từ khi Nga căng thẳng với phương Tây về hồ sơ Ukraine, tỷ lệ người Trung Quốc ủng hộ Putin đã tăng lên từ 47% lên 66%. Còn ngay sau giai đoạn khi Nga sáp nhập Crimea vào tháng 3, thì tỷ lệ này tại Trung Quốc lên đến 92%.
Hôm 9/11, 17 thỏa thuận về kinh tế và quốc phòng Nga – Trung đã được ký kết. Trong đó, đáng chú ý nhất là Bản ghi nhớ về hợp đồng cung cấp gas khổng lồ mới, sẽ đưa Trung Quốc trở thành nhà nhập khẩu khí đốt lớn nhất của Nga. Hãng RIA Novosti dẫn lời quan chức điện Kremlin cho biết một trong những vấn đề được thảo luận là Trung Quốc có thể thanh toán các hợp đồng với Nga bằng nhân dân tệ, kể cả các hợp đồng quốc phòng.
Cuộc gặp song phương tại APEC 2014 là cuộc gặp lần thứ 10 giữa nguyên thủ hai nước Nga-Trung trong chưa đầy hai năm, cho thấy Tổng thống Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình đang nỗ lực đẩy mạnh mối quan hệ đặc biệt giữa hai bên.
Hy vọng
Thứ Tư, ngày 12/11/2014 - 20:18
Theo Ngân Giang/VOV.VN
No comments:
Post a Comment