Sunday, December 7, 2014

Trung Quốc 'huỵch toẹt' về phân xử tranh chấp trên Biển Đông

(Baodatviet) - Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 7/12 đưa ra tuyên bố lập trường của chính phủ nước này về vấn đề phân xử tranh chấp trên Biển Đông.

Theo thông cáo về tuyên bố lập trường của Trung Quốc, Bắc Kinh nhất quyết không chấp nhận hay tham gia vào việc phân xử ở tòa án quốc tế, đồng thời khẳng định toà án trọng tài không có quyền tài phán trong trường hợp này, theo Tân Hoa xã.
Tuyên bố của Trung Quốc cho rằng bản chất của việc phân xử là chủ quyền lãnh thổ đối với một số đặc trưng về hàng hải ở Biển Đông, điều này vượt quá phạm vi của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển cũng như quyền tài phán của tòa trọng tài.
Tàu Trung Quốc sử dụng pháo nước tấn công tàu Cảnh sát biển của Việt Nam - Ảnh: Reuters
Tàu Trung Quốc sử dụng pháo nước tấn công tàu Cảnh sát biển của Việt Nam - Ảnh: Reuters
Trung Quốc cho rằng nước này không chấp nhận, không tham gia vụ kiện là “căn cứ theo quy định của luật pháp quốc tế”. Phía Trung Quốc viện dẫn điều 298 Công ước quốc tế về luật biển năm 1982, theo đó ngày 25/8/2006, nước này đưa ra tuyên bố yêu cầu bảo lưu tất cả những điều khoản trong Công ước quốc tế về luật biển năm 1982 liên quan tới trình tự giải quyết tranh chấp chủ quyền biển đảo, vì vậy nước này không chấp nhận, không tham gia vụ kiện là... “phù hợp với luật pháp quốc tế”. 
Cùng với việc không chấp nhận, không tham gia vụ kiện của Philippines, tài liệu tiếp tục tái khẳng định cái gọi là “chủ quyền không thể tranh cãi” của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa (của Việt Nam) và vùng biển phụ cận, đồng thời tiếp tục nêu chủ trương của nước này “giải quyết tranh chấp chủ quyền thông qua đàm phán song phương trực tiếp giữa các nước có tranh chấp”.
Trung Quốc công bố tài liệu nêu trên ngay trước thời hạn chót mà Toà trọng tài quốc tế yêu cầu nước này phải đưa ra lập luận của mình liên quan vụ kiện của Philippines trước ngày 15/12/2014.
Trước đó, ngày 22/1/2013, Philippines đã chính thức kiện Trung Quốc lên Toà trọng tài quốc tế về vấn đề Biển Đông, trong đó có nội dung quan trọng là yêu cầu làm rõ yêu sách chủ quyền “đường lưỡi bò” của Trung Quốc không phù hợp với Công ước quốc tế về luật biển năm 1982. Tuy nhiên, ngay sau đó phía Trung Quốc đã tuyên bố không chấp nhận và không tham gia vụ kiện.
Hồi tháng 5/2014, Giáo sư Zachary Abuza, chuyên gia về khoa học chính trị và đối ngoại khu vực Đông Á thuộc Đại học Simmons (Mỹ), cho rằng Trung Quốc sẽ mất rất nhiều nếu từ chối tham gia vụ kiện. Theo đó, họ sẽ càng bị cô lập hơn trên trường quốc tế. 
"Dư luận sẽ tiếp tục nhìn Trung Quốc như một quốc gia bắt nạt và thiếu trách nhiệm trong cam kết dùng các phương thức hòa bình để giải quyết bất đồng. Điều đó sẽ gây phương hại cho hình ảnh của Bắc Kinh; và dù gì thì họ cũng rất lo ngại hình ảnh của mình bị tổn hại”, ông Abuza nói.
Còn Tiến sĩ Mark Valencia (Mỹ) dẫn thông tin, trước đây Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) vào năm 1984 cũng từng xử vắng mặt chính quyền Mỹ vụ Washington hậu thuẫn phiến quân chống lại chính phủ Nicaragua và khai thác mỏ ở nước này. ICJ phán quyết rằng Mỹ đã vi phạm luật pháp quốc tế mặc dù Washington không tham dự phiên tòa.
Chủ Nhật, 07/12/2014 16:16
An Nhiên (Tổng hợp TNO, ĐVO)

No comments:

Post a Comment