HỒNG THỦY 07/12/14 07:20
(GDVN) - Chu Vĩnh Khang ở cương vị ủy viên Thường vụ Bộ chính trị, Trưởng ban Chính pháp hoàn toàn có thể "dính" cả 7 loại "bí mật quốc gia".
Chu Vĩnh Khang khi còn đương chức.
Lý do Trung Quốc chọn 0 giờ sáng công bố vụ Chu Vĩnh Khang
Tờ Đa Chiều ngày 6/12 bình luận, mặc dù việc Chu Vĩnh Khang bị khai trừ đảng và có thể sẽ phải đối mặt với vành móng ngựa không có gì lạ lẫm với dư luận Trung Quốc, nhưng ngay cả giới quan sát cũng cảm thấy bất ngờ với 2 chi tiết trong vụ án đặc biệt này, một là nhà chức trách Bắc Kinh đã chọn lúc 0 giờ sáng 6/12 để công bố.
Thứ hai, cùng với các tội danh có thể đoán được như tham nhũng, nhận hối lộ, quan hệ bất chính...thì tội danh "tiết lộ bí mật của đảng và nhà nước" lại có nhiều bất ngờ thú vị, đồng thời ẩn chứa nhiều "huyền cơ".
Cách giới chức Bắc Kinh công bố vụ Chu Vĩnh Khang cho dư luận biết lúc người dân hầu như đã ngủ say khiến người ta phải đặt câu hỏi tại sao. Không chỉ có vậy, truyền thông nhà nước Trung Quốc dường như cũng tỏ ra bất thường khi phải tìm cách "hạ nhiệt" vụ việc này bằng thủ thuật đưa tin. Nhân Dân nhật báo bản điện tử và hãng tin Tân Hoa Xã chỉ đặt tin Chu Vĩnh Khang ở mục Tin nóng, không phải tin nổi bật, càng không phải ở vị trí trang trọng nhất ở đầu trang như đúng mức độ của nó để người ta có thể thấy ngay.
Những tờ báo khác của Trung Quốc dẫn nguồn tin 2 tờ này mới đầu cũng đưa lên mục Tin nổi bật, nhưng sau đó không lâu đều bị hạ xuống vị trí Tin nóng. Dư luận về vụ Chu Vĩnh Khang đặc biệt là trên internet đáng lẽ ra sẽ sôi nổi từ giây phút đầu tiên, nhưng nhà chức trách công bố lúc 0 giờ sáng thì mấy người có thể ngồi lướt web và đọc được? Chính vì vậy tính toán của Trung Nam Hải về việc công bố vụ Chu Vĩnh Khang lúc nửa đêm về sáng có lý do và ẩn ý trong đó.
Chu Vĩnh Khang làm lộ "bí mật" gì của đảng và nhà nước Trung Quốc?
Ngạc nhiên thứ 2 trong vụ Chu Vĩnh Khang là tội danh làm lộ bí mật của đảng và nhà nước. Tờ Minh Báo ở Hồng Kông bình luận, từ rất lâu rồi cánh truyền thông tiếng Hoa hải ngoại không lạ gì về những thông tin Chu Vĩnh Khang và người nhà, thuộc cấp tham ô, ăn hối lộ, lạm dụng quyền lực hay thậm chí là quan hệ bất chính với phụ nữ. Nhưng việc ông Khang bị cáo buộc "làm lộ bí mật của đảng và nhà nước" thì là lần đầu tiên, chưa từng thấy và cũng chưa ai từng nghĩ đến. Điều đó càng cho thấy màu sắc chính trị trong vụ án nổi tiếng này.
Chu Vĩnh Khang đã để lộ "bí mật nào của đảng và nhà nước Trung Quốc" đang là câu hỏi lớn.
Tờ Tin tức Tài chính thì thắc mắc, vậy tội danh "làm lộ bí mật của đảng và nhà nước" mà Chu Vĩnh Khang đang phải gánh có dẫn đến việc công khai xét xử ông như những gì đã xảy ra với Bạc Hy Lai hay không. Một khả năng "chấn động" hơn nữa có thể là, bí mật mà Chu Vĩnh Khang tiết lộ có liên quan đến vụ Bạc Hy Lai. Có thể ông Khang đã báo cho Bạc Hy Lai biết tin về việc xử lý vụ Vương Lập Quân chạy vào Lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô. Báo Yomiuri của Nhật cũng củng cố nhận định này khi dẫn nguồn tin giấu tên từ 1 quan chức tư pháp cấp cao Trung Quốc cho biết.
Tuy nhiên cũng có quan điểm cho rằng, tội danh "làm lộ bí mật của đảng và nhà nước" đối với ông Khang chưa chắc đã "to tát" như dư luận đồn đoán, bởi vì ở Trung Quốc chỉ cần để lọt một văn bản có dấu "Mật" ra ngoài cũng có thể bị quy vào tội danh này. Vậy đảng và nhà nước Trung Quốc có những bí mật gì, Đa Chiều đặt câu hỏi. Theo Luật Giữ gìn bí mật quốc gia của nước này, Điều 8 quy định 7 loại bí mật quốc gia: Bí mật về các quyết sách quan trọng sự vụ quốc gia;
Bí mật quân sự về hoạt động của lực lượng vũ trang; Bí mật các hoạt động ngoại giao, đối ngoại và các cam kết với nước ngoài; Bí mật về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của đất nước; Bí mật khoa học công nghệ quốc gia; Bí mật về các hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia và điều tra tội phạm hình sự. Ngoài ra còn các mục bảo mật khác ở cấp độ thấp hơn được "các cơ quan chức năng" quy định cụ thể. Với những nội dung điều khoản này, Chu Vĩnh Khang ở cương vị ủy viên Thường vụ Bộ chính trị, Trưởng ban Chính pháp hoàn toàn có thể "dính" cả 7 loại "bí mật quốc gia".
Giang Trạch Dân lộ diện hỗ trợ Tập Cận Bình "xử" Chu Vĩnh Khang?
Đa Chiều bình luận, việc "kéo đổ trùm an ninh Trung Quốc một thời Chu Vĩnh Khang" là một hành động chính trị quan trọng trong chiến dịch chống tham nhũng của Tập Cận Bình và ban lãnh đạo mới Trung Quốc sau đại hội 18. Đây là một vụ án "tham nhũng" chưa từng có tiền lệ trong lịch sử đảng Cộng sản Trung Quốc và mỗi đường đi nước bước của nó đều được bày binh bố trận hết sức cẩn thận. Trước khi công bố khai trừ đảng, giao Chu Vĩnh Khang cho cơ quan tố tụng không lâu, Tập Cận Bình đã tuyên bố, các "lão đồng chí" ủng hộ ông chống tham nhũng, còn "khâm sai đại thần Vương Kì Sơn thì bỗng mất tăm khỏi ống kính".
Giang Trạch Dân thăm bảo tàng hôm 3/10, mãi tới 3/12 mới được đưa tin. 0 giờ sáng 6/12 thì Bắc Kinh công bố vụ Chu Vĩnh Khang.
Lúc này giới quan chức cũng như học giả Trung Quốc đều bàn tán xôn xao về vụ Chu Vĩnh Khang. Sau đó thì Giang Trạch Dân bất ngờ xuất hiện, sự hiện diện của ông có lẽ liên quan đến vụ án chấn động này. Theo giới phân tích, Chu Vĩnh Khang từng là "đại thần" được trọng dụng dưới thời Giang Trạch Dân, nay ông Dân xuất hiện khi Khang thân bại danh liệt là một thông điệp cho thấy ông đã cắt đứt mọi liên hệ với "thuộc hạ khi xưa", đồng thời "chống lưng" cho Tập Cận Bình yên tâm làm tới trong vụ này.
Điều đáng nói ở đây là Giang Trạch Dân công khai lộ diện hôm 3/10 khi thăm triển lãm Ngu Công dời núi và Đại điển thế kỷ mô tả sự kiện Hồng Kông được trao trả cho Trung Quốc tổ chức tại Bảo tàng Quốc gia Trung Quốc thì mãi tới 3/12, tức 2 tháng sau thông tin này mới được báo chí Trung Quốc đề cập. Sau khi rút lui khỏi vũ đài chính trị Bắc Kinh, mỗi lần Giang Trạch Dân tái xuất hiện đuề mang theo một thông điệp phức tạp làm đau đầu giới quan sát, lần này cũng không ngoại lệ.
Khi Giang Trạch Dân lên nắm quyền, Chu Vĩnh Khang cũng được cất nhắc từ Phó Tổng giám đốc Tập đoàn dầu khí Quốc gia Trung Quốc lên Tổng giám đốc kiêm Bí thư đảng ủy. Sau đó ông Khang làm Bộ trưởng Bộ Đất đai và tài nguyên, rồi Bí thư Tứ Xuyên trong 3 năm. Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 16, ông Khang thành Phó trưởng ban Chính pháp, sang đại hội 17 Chu Vĩnh Khang vào Thường vụ, giữ ghế Trưởng ban Chính pháp Trung ương, quyền lực khuynh thành.
Nhiều nhà quan sát cho rằng Giang Trạch Dân chính là "quý nhân" của Chu Vĩnh Khang. Vậy thì những hoạt động phạm tội của ông Khang những năm 1990 dưới thời Giang Trạch Dân rõ ràng ít nhiều có liên quan đến cựu lãnh đạo này nên khi Chu Vĩnh Khang bị khai trừ đảng, chuyển cơ quan điều tra tiến hành thủ tục truy tố thì Giang Trạch Dân cũng nên có thông điệp nào đó.
Vì vậy một số quan điểm cho rằng lần xuất hiện này của Giang Trạch Dân mang thông điệp ông không "dây dưa" gì với Chu Vĩnh Khang. Ngoài ra, tháp tùng Giang Trạch Dân thăm bảo tàng lần này lại là Quách Thanh Côn và Phó Chính Hoa, Bộ trưởng và Thứ trưởng Công an Trung Quốc, 2 "công thần" trong vụ lật đổ Chu Vĩnh Khang. Thông tin ông Dân đi bảo tàng sau 2 tháng mới được công bố chính thức ngay sát ngày công bố vụ Chu Vĩnh Khang cũng là một hành động biểu hiện ủng hộ Tập Cận Bình, rằng Giang Trạch Dân sẽ không can thiệp và Tập Cận Bình "cứ yên tâm làm tới".
No comments:
Post a Comment