Sunday, December 7, 2014

Học giả TQ: "Mỹ đòi điều tra Học viện Khổng Tử vì kém tự tin"

Hải Võ | 07/12/2014 19:37

Quốc hội Mỹ vừa thảo luận về việc điều tra Học viện Khổng Tử - "quyền lực mềm" của Trung Quốc tại Mỹ. Cơ quan ngoại giao và các học giả Trung Quốc đã ngay lập lức phản ứng lại.

Mỹ "tố" Học viện Khổng Tử tiêu cực, Trung Quốc nói không

Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) ngày 6/12 đưa tin, hôm 4/12 (giờ địa phương), Quốc hội Mỹ đã tổ chức phiên điều trần về việc liệu ảnh hưởng từ Trung Quốc có xâm phạm tự do học thuật tại Mỹ hay không.

Thành viên Ủy ban ngoại giao Hạ viện Mỹ Christopher H.Smith chủ trì phiên điều trần cáo buộc, Học viện Khổng Tử tại Mỹ do chính phủ Trung Quốc tài trợ đã cấm thảo luận về những vấn đề "nhạy cảm" trong lớp học của mình.

Ông Smith cho hay sẽ yêu cầu Văn phòng Trách nhiệm giải trình Chính phủ Mỹ (GAO) triển khai điều tra đối với cáo buộc trên.

Hạ nghị sĩ Mỹ Christopher H.Smith
Hạ nghị sĩ Mỹ Christopher H.Smith

Đáp lại động thái của Mỹ, phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh hôm 5/12 đã bác bỏ hoàn toàn quan điểm trên.

"Trung Quốc cung cấp giảng viên và giáo trình dựa trên yêu cầu của phía Mỹ, hoàn toàn không có chuyện can thiệp vào tự do học thuật" - bà Hoa nói.

Quan chức của Văn phòng Hội đồng Hán ngữ quốc tế thuộc Bộ giáo dục Trung Quốc trả lời phỏng vấn của Hoàn Cầu hôm 5/12, cũng bày tỏ sự đồng tình với phát biểu của bà Hoa Xuân Oánh.

Nghị sĩ Smith cũng chất vấn tại phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ - "Có phải Mỹ đang 'buôn bán' nền giáo dục cao cấp hay không?

Nếu đúng như vậy, phải chăng các trường học của Mỹ đang hy sinh nguyên tắc tự do học thuật và uy tín để đổi lấy sự đầu tư của Trung Quốc?"

Ông này yêu cầu GAO điều tra nội dung hợp đồng giữa Học viện Khổng Tử và các trường đại học của Mỹ, nhằm "xác nhận việc giảng viên và học viên có được tự do tín ngưỡng và thảo luận các vấn đề của Trung Quốc hay không".

Giáo sư Perry Link tại Trung Quốc năm 1973.
Giáo sư Perry Link (phải) tại Trung Quốc năm 1973.

Tại cuộc điều trần, giáo sư Perry Link thuộc Đại học California nói, Học viện Khổng Tử là "quyền lực mềm" của chính phủ Trung Quốc, giúp nước này chiếm chỗ đứng trong môi trường giáo dục cao cấp của Mỹ.

Kể từ năm 2004, đã có 90 cơ sở Học viện Khổng Tử được mở tại Mỹ, con số này trên phạm vi toàn cầu là hơn 400.

Theo Hoàn Cầu, Học viện Khổng Tử chủ yếu dạy Hán ngữ, truyền bá văn hóa, xã hội và lịch sử Trung Quốc.

"Tôi có thể nói rằng, tất cả Học viện Khổng Tử tại Mỹ đều do các trường học của Mỹ đề xuất tự nguyện, do các trường của Trung Quốc và Mỹ hợp tác vận hành.

Mọi hoạt động dạy học cũng như văn hóa đều được công khai, minh bạch" - bà Hoa Xuân Oánh phát biểu trong cuộc họp báo hôm 5/12.

Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh.
Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh.

Bà Hoa cũng cho rằng, Học viện Khổng Tử "thuộc về Trung Quốc và cả thế giới", và yêu cầu các bên liên quan "dẹp bỏ định kiến đối với cây cầu nối giữa Trung Quốc và quốc tế" này.

Cũng trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ, ông Christopher H.Smith còn yêu cầu điều tra các trường đại học Mỹ đặt cơ sở tại Trung Quốc có từng bị chính phủ Trung Quốc "chèn ép" hay không.

Hoàn Cầu cho hay, ông Smith nghi ngờ nhiều trường học của Mỹ đã phải "nhượng bộ" Trung Quốc để có một vị trí trong thị trường giáo dục của nước này.

Học giả Trung Quốc: "Mỹ thiếu tự tin"

Hình ảnh một lớp học tại Học viện Khổng Tử, thuộc Đại học Delaware, Mỹ.
Hình ảnh một lớp học tại Học viện Khổng Tử, thuộc Đại học Delaware, Mỹ.

Ông Hạ Nghiệp Lương - học giả tại Viện nghiên cứu Cato của Mỹ, người bị Đại học Bắc Kinh sa thải - làm chứng tại phiên điều trần trên, nói rằng các trường đại học Mỹ luôn luôn thỏa hiệp, bởi chính phủ Trung Quốc có tiền và sẵn sàng đầu tư cho họ.

Bên cạnh đó, các học giả Mỹ cũng hy vọng thường xuyên có cơ hội đến Trung Quốc, vì thế luôn giữ thái độ ôn hòa, thậm chí có thể bỏ qua một vài nguyên tắc.
Phát ngôn viên Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ Cảnh Sảng phản ứng lại quan điểm trên cho rằng, giáo dục học thuật Trung - Mỹ được xây dựng trên cơ sở tự do phát triển.

Ông Cảnh cũng tuyên bố, Trung Quốc tôn trọng tính độc lập của tất cả các cơ sở giáo dục.

Học giả Kim Xán Vinh
Học giả Kim Xán Vinh

Phó giám đốc Học viện quan hệ quốc tế thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc Kim Xán Vinh hôm 5/12 trả lời phỏng vấn của Hoàn Cầu nói - "Phiên điều trần này cho thấy về bản chất, nước Mỹ đang mất lòng tin với chính họ".

"Đây là một dạng tâm lý hết sức bế tắc. Trên thực tế, Mỹ là nước tiên phong trong việc tài trợ học giả ngoại quốc.

Hiện nay Mỹ không làm được, nhưng lại không bằng lòng để nước khác làm. Rõ ràng họ muốn áp đặt 'tiêu chuẩn kép' lên Trung Quốc" - Ông Kim "tố" Mỹ.
Kim Xán Vinh cũng cho rằng việc Mỹ tổ chức điều trần sẽ gây ảnh hưởng đến quan hệ giao lưu song phương, khiến các học giả "trở nên cảnh giác hơn".
Mặc dù vậy, ông Kim nhận định, xu thế giao lưu văn hóa Trung - Mỹ sẽ không thay đổi.

Các số liệu thương mại của Mỹ cho thấy, lưu học sinh Trung Quốc đã "cống hiến" 8 tỉ USD cho nền kinh tế Mỹ trong năm 2013.

Theo Soha.vn

No comments:

Post a Comment