Sunday, December 7, 2014

Kiến nghị hay ‘trả đũa’ luật sư

(PL)- Vụ năm công an ở TP Tuy Hòa (Phú Yên) đánh chết anh Ngô Thanh Kiều bản thân nó đã là một “điểm nóng” vì dư luận rất quan tâm, Chủ tịch nước cũng yêu cầu phải xử lý đúng người, đúng tội vì các cơ quan tiến hành tố tụng ở Tuy Hòa làm không đúng, gây bức xúc cho người dân.
Nay các cơ quan tiến hành tố tụng ở Tuy Hòa lại kiến nghị thu hồi chứng chỉ hành nghề của luật sư Võ An Đôn, người bảo vệ cho gia đình bị hại thì có khác nào “đổ thêm dầu vào lửa”?
Đó là nhạy cảm về làm chủ dư luận, còn về mặt nội dung, bản kiến nghị nêu:Luật sư Đôn đã lợi dụng việc hành nghề luật sư có lời lẽ thiếu văn hóa, xúc phạm đến người tham gia tố tụng trong vụ án và nhiều đồng chí lãnh đạo đương nhiệm khác trong các ngành nội chính. Sau khi kết thúc phiên tòa, luật sư Đôn còn tiếp tục có nhiều lời nói, bài viết, trả lời phỏng vấn, bình luận đăng tải trên các mạng xã hội, các diễn đàn trong nước và quốc tế; cung cấp nhiều thông tin, nội dung sai lệch không đúng sự thật khách quan của vụ án; đưa ra nhiều quan điểm trái pháp luật, nhận định, bình luận không đúng với chức năng xã hội nghề nghiệp của luật sư khi hành nghề…”.
Ui chết! Thời đại dân chủ mà cứ cậy quyền, cậy thế, bắt đánh người trái pháp luật, xét xử thì nhẹ như bấc, bị cấp trên “sờ gáy” quay ra “kiến nghị” xử lý luật sư thì không những không làm dịu dư luận mà chỉ làm “nóng” thêm tình hình.
Ai cũng biết kiến nghị của luật sư Đôn đã được các cơ quan tiến hành tố tụng cấp trên chấp nhận, dù đó chỉ là sự chấp nhận một phần, còn bản chất và sự thật của hành vi lộng quyền, làm bậy của một số quan chức trong cơ quan tiến hành tố tụng Tuy Hòa vẫn chưa được cấp có thẩm quyền xem xét thấu đáo. Cho đến giờ tôi cũng không hiểu vì sao hành vi tra tấn anh Ngô Thanh Kiều đến chết lại chỉ bị xét xử về tội “dùng nhục hình” mà không bị xét xử về tội giết người? Phải chăng vẫn còn có sự bao che, cả nể. Trong khi đó, đã từ lâu TAND Tối cao hướng dẫn dùng nhục hình mà dẫn đến chết người thì phải xử về tội giết người. Tòa án cả nước đều xử như vậy, chỉ có ở Tuy Hòa (Phú Yên) là một mình một kiểu.
Cơ quan tiến hành tố tụng ở Tuy Hòa cho rằng luật sư Đôn có lời lẽ thiếu văn hóa, xúc phạm đến người tham gia tố tụng trong vụ án và nhiều đồng chí lãnh đạo đương nhiệm khác. Vậy lời lẽ đó là gì, xúc phạm như thế nào? Những đồng chí lãnh đạo đương nhiệm ở Tuy Hòa là ai? Và việc chứng minh này thuộc nghĩa vụ của cơ quan tiến hành tố tụng Tuy Hòa chứ không phải nghĩa vụ của Sở Tư pháp, của Liên đoàn Luật sư Việt Nam hay của Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên.
Nếu chỉ một vài câu nói của luật sư tại phiên tòa đề nghị khởi tố ông này, ông kia thì đó không chỉ là quyền mà còn là nghĩa vụ của luật sư bảo vệ người bị hại. Trừ khi luật sư Đôn chỉ vào mặt HĐXX hay kiểm sát viên mà chửi thề, thóa mạ… chứ quy chụp khơi khơi rất khó thuyết phục.
Với nội dung: Sau khi kết thúc phiên tòa, luật sư Đôn có nhiều lời nói, bài viết, trả lời phỏng vấn, bình luận đăng tải trên các mạng xã hội, các diễn đàn trong nước và quốc tế; cung cấp nhiều thông tin, nội dung về vụ án để cho cả thế giới biết… thì có gì trái pháp luật? Nhận định, bình luận về vụ án mình bảo vệ thì có gì sai? Nếu luật sư Đôn lợi dụng việc thông tin các tình tiết của vụ án mà xâm phạm đến an ninh quốc gia, đến lợi ích của Nhà nước thì luật sư Đôn phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Cơ quan điều tra hoàn toàn có thẩm quyền khởi tố theo quy định của pháp luật, cần gì phải kiến nghị?
Với bản kiến nghị thiếu căn cứ của các cơ quan tố tụng TP Tuy Hòa, dư luận có dịp nêu băn khoăn: Phải chăng đây là sự “trả đũa” luật sư?
Chủ Nhật, ngày 7/12/2014 - 06:40
ĐINH VĂN QUẾ

No comments:

Post a Comment