Friday, November 21, 2014

Quan hệ Mỹ - Trung xấu đi

Sự tự tin ngày càng tăng đối với năng lực quân sự đã khuyến khích Trung Quốc thúc đẩy tham vọng lãnh thổ

Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ hôm 20-11 thông qua Nghị quyết H.Res-714 do hạ nghị sĩ Đảng Dân chủ Eni Faleomavaega bảo trợ, tái khẳng định sự cần thiết phải tìm giải pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế cho các tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông và biển Hoa Đông.

Xấu về quan hệ an ninh

Nghị quyết cũng kêu gọi Trung Quốc kiềm chế thực thi Vùng nhận dạng phòng không mà nước này thiết lập tại biển Hoa Đông, hối thúc Bắc Kinh không có hành động khiêu khích tương tự ở những nơi khác thuộc châu Á - Thái Bình Dương.

Trung Quốc và Nga tập trận hải quân chung ở phía Bắc biển Hoa Đông hồi tháng 5Ảnh: TÂN HOA XÃ
Trung Quốc và Nga tập trận hải quân chung ở phía Bắc biển Hoa Đông hồi tháng 5Ảnh: TÂN HOA XÃ

Nghị quyết trên được thông qua giữa lúc có nhận định quan hệ an ninh Mỹ - Trung nhìn chung đã xấu đi trong năm 2014, một phần do tác động của vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông và Hoa Đông. Trong báo cáo thường niên công bố hôm 20-11, Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ - Trung (USCC) của quốc hội Mỹ nhận định “sự tự tin ngày càng tăng của Trung Quốc đối với năng lực quân sự đã khuyến khích Bắc Kinh thúc đẩy tham vọng lãnh thổ”. Điều này thể hiện rõ qua chiến lược phát triển năng lượng 2014 - 2020 được Văn phòng Quốc Vụ viện Trung Quốc công bố một ngày trước đó, nhấn mạnh Bắc Kinh sẽ tăng cường thăm dò khai thác dầu khí tại biển Đông, Hoa Đông và Bột Hải.

Báo cáo cũng cảnh báo việc Trung Quốc mở rộng năng lực quân sự, nhất là khả năng răn đe hạt nhân và lực lượng hải quân. USCC ước tính trong 3 - 5 năm tới, Trung Quốc có thể có nhiều hơn 5 tàu ngầm hạt nhân, mỗi chiếc mang được 12 tên lửa đạn đạo liên lục địa. Đến năm 2020, Trung Quốc có tổng cộng 351 tàu ngầm và tàu trang bị tên lửa hoạt động ở châu Á - Thái Bình Dương. Về phía mình, Hải quân Mỹ có thể tăng số lượng tàu ngầm từ 50 chiếc hiện nay lên 67 chiếc vào năm 2020 nếu ngân sách cho phép.

Căng về quan hệ kinh tế

Ngoài tranh chấp lãnh thổ, USCC còn nhận định môi trường đầu tư xấu đi, những hành vi thương mại “không công bằng” và sự thiếu tiến triển trong các biện pháp cải cách của Trung Quốc đã đổ thêm dầu vào căng thẳng kinh tế giữa 2 bên. “Năm nay, lần đầu tiên dòng đầu tư trực tiếp từ Trung Quốc vào Mỹ vượt đầu tư từ Mỹ vào Trung Quốc khi các công ty nước ngoài đối mặt môi trường đầu tư ngày một thù địch ở Bắc Kinh” - USCC cho biết.

Báo cáo cho rằng dù kinh tế đang tăng trưởng gần mục tiêu 7,5% nhưng Trung Quốc vẫn “thất bại” trong việc giải quyết các vấn đề như thừa cung, nợ công đang tăng của các địa phương, bong bóng tài sản…, báo hiệu điềm xấu cho tăng trưởng bền vững. Theo USCC, kinh tế Trung Quốc phụ thuộc chủ yếu vào xuất khẩu - một chính sách được hỗ trợ bởi việc định giá thấp đồng nội tệ. Điều này giúp Bắc Kinh tích lũy một lượng dự trữ ngoại tệ mạnh, qua đó góp phần làm mất cân bằng cán cân thương mại toàn cầu. Riêng thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc trong 8 tháng đầu năm 2014 đã đạt 216 tỉ USD, nhiều hơn con số 8,5 tỉ USD cùng kỳ năm ngoái.

Báo cáo của USCC đưa ra 48 đề nghị, trong đó có thúc giục quốc hội Mỹ cấp ngân sách để tài trợ cho hải quân gia tăng hiện diện ở châu Á - Thái Bình Dương để sẵn sàng đối phó với Trung Quốc.

Tin tặc Trung Quốc đe dọa hạ tầng Mỹ
Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) ngày 20-11 cho biết Trung Quốc và “một hoặc hai nước khác” có khả năng đánh sập lưới điện và nhiều cơ sở hạ tầng quan trọng của Mỹ bằng một vụ tấn công mạng. Đô đốc Michael Rogers, Giám đốc NSA kiêm Tư lệnh Bộ Chỉ huy Không gian mạng Mỹ, tiết lộ đã phát hiện các phần mềm độc hại từ Trung Quốc và một vài nước khác trên hệ thống máy tính có khả năng ảnh hưởng đến cuộc sống thường nhật của người dân nước này.
Báo cáo mới đây của Công ty An ninh mạng Mandiant cho thấy tin tặc “có liên hệ với chính phủ Trung Quốc” có thể xâm nhập hệ thống điện, nước và nhiên liệu trên toàn nước Mỹ. Chưa hết, Trung tâm Nghiên cứu Pew còn dẫn lời các chuyên gia công nghệ cảnh báo một cuộc tấn công mạng gây thiệt hại đáng kể về nhân mạng và tài chính có thể xảy ra vào năm 2025 ở Mỹ. Tuy nhiên, Đô đốc Rogers bác bỏ kịch bản này.
Phạm Nghĩa

Thứ Sáu, 22:20  21/11/2014
HUỆ BÌNH

No comments:

Post a Comment