(Baodatviet) - Lao động Việt Nam nhận mức lương vào dạng thấp nhất ASEAN, theo các chuyên gia là do năng suất lao động thấp.
Lương thấp nhất ASEAN vì năng suất thấp
Tại Hội thảo "Chính sách tiền lương tại Việt Nam trong bối cảnh kinh tế thị trường và hội nhập" tổ chức tại Hà Nội trong hai ngày 25-26/11, ông Malte Luebke - Chuyên gia cao cấp về tiền lương của ILO khu vực châu Á -Thái Bình Dương cho biết, mức lương bình quân của Việt Nam ở mức 3,8 triệu đồng/tháng (181 USD) chỉ cao hơn Lào (119 USD), Campuchia (121 USD) và thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực ASEAN như: Philippines (206 USD), Thái Lan (357 USD), Malaysia (609 USD), Singapore (3.547 USD).
Theo đại diện ILO, sự khác biệt lớn về tiền lương giữa các quốc gia thành viên ASEAN phản ánh những khác biệt lớn trên nhiều phương diện, trong đó có năng suất lao động. Những quốc gia ứng dụng công nghệ mới, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, thực hiện cải cách cơ cấu và nâng cao kỹ năng của lực lượng lao động cũng là những quốc gia tạo ra nền tảng cho hoạt động hiệu quả của doanh nghiệp và chuyển đổi sang các lĩnh vực có giá trị tăng cao hơn.
Lao động Việt Nam đang nhận mức lương thấp nhất khu vực ASEAN |
Bà Nicola Connolly, Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu (Euro Cham) nhìn nhận, 65% người lao động Việt Nam rơi vào bẫy kỹ năng (thiếu kỹ năng thực tế), nên năng suất lao động thấp.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân cho rằng, để cải thiện tiền lương thì nhất thiết phải cải thiện năng suất lao động bởi đây là hai yếu tố luôn tỷ lệ thuận với nhau. "Năng suất lao động không thể tăng đột biến, vì vậy, tôi cho rằng, lương cũng sẽ chỉ có thể tăng từ từ".
Lương 36 triệu/tháng, lãnh đạo tập đoàn vẫn khó sống
Một thông tin khác có liên quan, trước đó, Bộ Công thương đã công bố báo cáo thu nhập bình quân hàng tháng của viên chức quản lý tập đoàn, tổng công ty năm 2013, báo cáo công khai mức thu nhập của 120 lãnh đạo cấp cao thuộc 11 Tập đoàn, Tổng công ty lớn.
Theo đó, mức lương cao nhất trong bảng thống kê thu nhập của các lãnh đạo cấp cao các tập đoàn kinh tế Việt Nam là 74,72 triệu đồng/tháng thuộc về ông Đỗ Ngọc Khải - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tổng Công ty Dầu thực vật Việt Nam.
Danh sách người nhận mức thu nhập trên 50 triệu mỗi tháng có đầy đủ lãnh đạo các tập đoàn Than khoáng sản, Xăng dầu, Dệt may và Hóa chất, dầu khí, ngành điện…
Theo Nghị định 50 và 51 của Chính phủ, thù lao cao nhất cho chủ tịch hội đồng thành viên một doanh nghiệp nhà nước là 36 triệu đồng/tháng, tương đương 432 triệu đồng/năm.
Phát biểu tại hội nghị toàn quốc về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước hồi đầu năm nay, ông Trần Bắc Hà - Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho rằng lãnh đạo nhiều tập đoàn, tổng công ty hiện rất “khó sống” với mức lương tối đa được quy định là 36 triệu đồng/tháng, đồng thời đề xuất rằng "tiền lương tại doanh nghiệp Nhà nước cũng phải theo cơ chế thị trường".
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho biết: “Mức lương như Bộ Công Thương công bố đã thấp hơn nhiều so với trước đây chúng ta đã biết là lương của họ phải 200-300 triệu đồng/tháng, do vậy với 75 triệu đồng/tháng, các vị lãnh đạo kêu thấp cũng… “có lý”.
“Họ nói không thể sống được với mức lương ấy là vị họ không quen sống với mức lương mà phần lớn người trong xã hội “nằm mơ cũng không thấy” mà thôi”- ông Doanh chua chát.
Lẽ thường, tiền lương cho lãnh đạo phải tỷ lợi thuận với lợi nhuận mà họ làm ra, với những đóng góp cho nền kinh tế. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều tập đoàn được điểm danh trong danh sách có lãnh đạo nhận lương cao quanh năm ngày tháng chỉ thấy báo lỗ.
Đơn cử như Tập đoàn Điện lực, thường xuyên có mặt trong danh sách “lỗ khủng” - theo kết quả của Kiểm toán Nhà nước. Cụ thể, tính đến cuối năm 2011, chỉ riêng Tập đoàn Điện lực lỗ lũy kế hơn 38 ngàn tỷ đồng, đóng góp tới 78% khoản lỗ gần 49 ngàn tỷ đồng của 13 tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
Khải An (Tổng hợp)
No comments:
Post a Comment