Friday, October 24, 2014

Thói quen ăn uống và hệ lụy

  Một quán thịt chó tại Hà Nội.RFA
Nhóm phóng viên tường trình từ VN 
RFA-2014-10-22

Với người Hà Nội nói riêng và người miền Bắc nói chung, thói quen ăn thịt chó và các loại gia cầm hằng ngày đã thành nếp, có thể nói rằng đây là hai loại thực phẩm được xếp vào diện thượng hạng của người miền Bắc. Đặc biệt, món thịt chó được chế biến thành nhiều món như cầy bảy món, cầy nhựa mận, cầy hấp cơm… Và riêng xứ Bắc, ngoài món phở gà, còn có cả phở ngan, phở vịt xiêm. Tất cả những món ăn này làm nên một nền ẩm thực khá phong phú trên xứ Bắc nhưng đồng thời cũng là nơi dung chứa nhiều mầm bệnh nhất mỗi khi có dịch cúm.

Nguy cơ bệnh do thói quen ăn uống

Một người Hà Nội tên Luân, chia sẻ:
“Các tỉnh phía Bắc thì thói quen thịt chó, nhất là vào những ngày cuối tuần, ngày lạnh thì ăn nhiều. Những ngày như đám cưới, đám giỗ hay hội hè hoặc hội đình làng, đình xóm… họ ăn nhiều. Nhưng họ thường ăn kín một chút, vào những quán rồi gọi, ít phô trương để không phản cảm, chứ ăn thì sức tiêu thụ rất mạnh.”
Theo ông Luân, thói quen ăn thịt chó của người Hà Thành nói riêng và người xứ Bắc nói chung đã nhiễm vào máu, nó giống như cơn nghiện tổ truyền, người ta vui cũng ăn thịt chó, uống rượu nếp hoa vàng, buồn cũng ăn thịt chó uống rượu gạo, thậm chí đám giỗ ông bà, chạp mả, nhà nào làm thịt chó đãi khách là nhà ấy được xếp vào diện sang trọng, thuộc vào hàng trung lưu, thượng lưu.
Họ thường ăn kín một chút, vào những quán rồi gọi, ít phô trương để không phản cảm, chứ ăn thì sức tiêu thụ rất mạnh.
-Anh Luân
Nhưng, gần hơn một chút là các cơ quan nhà nước, hiện tại, không ít các cơ quan mỗi khi tổ chức đại hội hoặc ngày lễ đều làm thịt chó. Có nơi mua chó về giao cho bảo vệ làm thịt, và đáng sợ hơn cả là ông Luân từng chứng kiến một ủy ban xã ở Như Xuân, Thanh Hóa đã làm thịt bốn con chó trong một buổi sáng để tổ chức liên hoan sinh nhật cho ông chủ tịch xã.
Trong lúc thui lông chó bằng lửa rơm, một cán bộ xã đã dùng tờ báo mà trên đó có bài viết kêu gọi đừng ăn thịt chó ở ngay trang đầu để lót, cầm đùi chó cho khỏi nóng tay.
Điều này cho thấy phần đông cán bộ địa phương không những không từ bỏ được thói quen ăn thịt chó mà còn trong trạng thái nghiện thịt chó nặng nề, bỏ mặc mọi lời kêu gọi của xã hội cũng như báo giới để được thỏa mãn cơn nghiện của mình.
Điều này gây nguy hiểm cho cả hai phía, những người bắt trộm chó vẫn không thể bỏ nghề được bởi lượng tiêu thụ thịt chó quá lớn, về phía những người ăn thịt chó, nếu vẫn giữ nguyên thói quen ăn thịt chó mọi nơi mọi lúc như vậy sẽ dẫn đến tình trạng vô cảm về mặt tinh thần và nhiễm bệnh về mặt thể xác. Mọi thứ bệnh tật, suy cho cùng cũng do ăn uống mà ra. Trong khi đó, thịt chó là món có nhiều giun sán, bệnh tật bởi chó ăn nhiều thức ăn tạp, kể cả xác chết động vật.
Một quầy bán thịt gà làm sẵn ở Hà Nội. AFP
Một quầy bán thịt gà làm sẵn ở Hà Nội. AFP
Và ông Luân đưa ra quan điểm rằng nếu như cán bộ nhà nước vẫn giữ nguyên thói quen ăn thịt chó thì chất lượng phục vụ nhân dân sẽ còn rất tồi tệ. Bởi một cuộc nhậu bao giờ cũng rất tốn kém thời gian và công sức, sau đó lại say xỉn, đầu óc mụ mị, khó có thể tin rằng người cán bộ có thể làm việc tốt một khi thịt chó và rượu vẫn còn ám ảnh họ. Và đặc biệt, với loại cán bộ mê thịt chó, chuyện xử lý và phòng chống nạn bắt trộm chó, cướp chó chỉ là chuyện khôi hài.
Có lẽ chính vì vậy mà Thanh Hóa là địa phương đứng đầu trong vấn đề nhân dân bắt kẻ trộm chó, đánh hội đồng và đốt xe, đốt người.
Ông Luân kết luận, nếu thứ văn hóa ăn thịt chó vẫn còn tràn lan trên xứ Bắc thì đừng bao giờ nói thêm gì về nạn bắt trộm chó cũng như sự đối xử lạnh lùng, dửng dưng và đậm thú tính giữa người với người.

Lượng thịt gia cầm tiêu thụ mạnh ở phía Bắc

Ông Hùng, chủ một cửa hàng chuyên cung cấp thịt gia cầm, nói:
“Với lý do là Hà Nội hoặc các tỉnh phía Bắc thì không còn gì để mời nhau cả, như ăn các loại cá thì mời nhau hết rồi, nên phải tìm món gì đỉnh đỉnh một chút như thịt chó chẳng hạn, món ăn khỏe, món ăn tinh. Trước đây thì ở Nhật Tân trưng bao nhiêu biển, thịt chó nọ, thịt chó kia, to tướng. Giờ cũng thưa rồi, nó chuyển vào những quán nhỏ, nhưng ăn thì không giảm, gặp nhau thì vẫn đi ăn thịt chó. Thấy sức ăn ngày càng tăng. Vì nguồn cung thịt chó cũng nhiều, nhập từ Thái Lan qua, hoặc chó chết, nó tẩm ướp các loại. Bữa nay thì công nghệ rồi, nó bỏ vào lò vi sóng rồi giả vờ quay, nướng các loại. Thứ hai nữa là họ không còn gì để ăn nữa.”
Với lý do là Hà Nội hoặc các tỉnh phía Bắc thì không còn gì để mời nhau cả, như ăn các loại cá thì mời nhau hết rồi, nên phải tìm món gì đỉnh đỉnh một chút như thịt chó chẳng hạn.
-Ông Hùng
Theo ông Hùng, lượng gia cầm tiêu thụ ở Hà Nội hiện tại vẫn không có gì thuyên giảm, đặc biệt là từ lễ 2 tháng 9 đến nay có thêm nhiều lễ hội khác, lượng thịt gia cầm tiêu thụ có xu hướng tăng vọt mặc dù dịch cúm vẫn đang hoành hành ở một số tỉnh miền Bắc. Sở dĩ lượng thịt gia cầm được tiêu thụ nhiều vì các tỉnh miền Bắc vốn có thói quen ăn thịt chó và thịt gia cầm, đây là hai thứ thực phẩm tiêu thụ mạnh nhất từ xưa đến nay ở miền Bắc. Gần đây, có một số gia đình từ bỏ thói quen ăn thịt chó và dùng thịt gia cầm, thịt lợn để thay thế, trong đó, thịt gia cầm được ưu tiên dùng nhiều nhất.
Chỉ có miền Bắc mới có thói quen ăn phở thịt ngan, chỉ riêng đặc điểm này cũng cho thấy thói quen ẩm thực với thịt gia cầm của người xứ Bắc chiếm phần quán quân. Đặc biệt, các món vịt xiêm giả cầy, vịt ta giả cầy như một thứ hàng hóa thay thế nhằm lấp bớt những lổ hổng ký ức về thịt chó trên xứ Bắc. Và một khi các loại gia cầm được tiêu thụ mạnh, không có lý do gì mà người nhà buôn như ông Hùng không mạnh tay đầu tư để lấy lãi.
Hơn nữa, các cơ quan kiểm dịch phải là người chịu trách nhiệm về thị trường thịt gia cầm. Mặc dù nghe các phương tiện thông tin đại chúng loan tin về dịch cúm nhưng cơ quan kiểm dịch chỉ đến cửa hàng của ông nhắc nhở qua loa và nhận phong bì để tiếp tục đi nhắc nhỡ các cửa hàng khác. Với cách làm việc như vậy, ông Hùng không bán thì cũng có nhiều người khác bán, chính vì vậy mà ông tiếp tục bán.
Ông Hùng nói rằng chỉ riêng buổi sáng đi ”nhắc nhở” trong khu vực nhỏ, các cán bộ kiểm dịch kiếm được ít nhất mỗi người cũng được chục cái phong bì, mà mỗi phong bì thấp nhất cũng có 500 ngàn đồng. Như vậy, có thể nói dịch cúm đầu mùa là cơ hội ăn đút lót của cán bộ kiểm dịch, sau đó, khi dịch cúm chuyển sang báo động đỏ, có người bị chết hoặc nằm viện vì nhiễm dịch cúm, người ta mới đồng loạt kiểm dịch chặt chẽ, không cho gia cầm Trung Quốc sang miền Bắc.
Ông Hùng cho biết thêm là hiện tại, lượng gia cầm Trung Quốc nhập sang Việt Nam mỗi ngày chiếm từ 60% đến 70% trong các cửa hàng và quầy bán thịt ở các chợ miền Bắc. Và đây là những loại thịt không rõ chất lượng vì chưa bao giờ qua kiểm dịch. Mùa dịch cúm đã đến nhưng thị trường thực phẩm xứ Bắc vẫn náo loạn, không thể kiểm soát!
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.

No comments:

Post a Comment