Friday, October 24, 2014

Lén lút đem tài sản của dân đi thế chấp

QUẢNG TRỊ (NV) - Làm ăn thua lỗ sau khi cổ phần hóa, một công ty của nhà nước đã lén lút mang đất đai, tài sản của dân đi cầm cố ngân hàng, gây xáo trộn đời sống hàng trăm hộ dân.

Hơn 150 hộ dân nhận khoán đất trồng cà phê ở xã Hướng Tân, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, đứng ngồi không yên, khi hay tin công ty cổ phần nông sản Tân Lâm, trụ sở tại huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị, đang trong tình trạng ngừng hoạt động, nợ ngập đầu đem tài sản của họ đi thế chấp để vay vốn ngân hàng hàng chục tỉ đồng, và hiện chưa có biện pháp tháo gỡ.


Hơn 150 hộ dân nhận khoán đất trồng cà phê lo lắng trước nguy cơ bị ngân hàng phát mãi đất và cây cà phê. (Hình: báo Lao Ðộng)

Trả lời báo Lao Ðộng, ông Phạm Tường Lân, giám đốc công ty này cho biết, công ty đã đồng ý thế chấp tài sản đảm bảo là gần 200 hecta đất vườn ở huyện Hướng Hóa, để lấy hơn 18 tỷ đồng trừ nợ cho ngân hàng Nông Nghiệp huyện Cam Lộ trong số tiền 40 tỷ đồng (đến tháng 10, 2014 còn 23 tỷ đồng chưa trả được).

Ðiều đáng nói là phần đất tại vườn cà phê này thuộc quyền sở hữu của công ty, còn phần cây cà phê trồng trên đất là của hơn 150 hộ nhận khoán đã hợp đồng được sản xuất trước đó. Thế nhưng “do công ty chủ quan, nghĩ rằng vay rồi sẽ trả như những năm trước nên không bàn bạc với người nhận khoán-đồng sở hữu tài sản thế chấp,” ông Lân thừa nhận.

Phần lớn những hộ giao nhận khoán trồng cây cà phê tại huyện Hướng Hóa trước đây là công nhân của nông trường cà phê Tân Lâm. Từ năm 1989, họ bắt đầu nhận khoán đất trồng cà phê cho đến nay, mỗi hộ nhận khoán khoảng 1-2 hecta, đời sống phụ thuộc vào việc canh tác trên mảnh đất này.

Ðiều khiến hơn 150 hộ dân trồng cà phê ở đây đứng ngồi không yên, là năm 2016 sẽ kết thúc hợp đồng chu kỳ 2 nhận khoán đất trồng cà phê. “Nếu hết thời gian hợp đồng, công ty chưa trả được nợ dẫn đến ngân hàng phát mãi tài sản đã thế chấp, thì lúc đó chúng tôi biết lấy gì để sống?”, ông Lê Trung một trong những nạn nhân lo lắng.

Sau khi phát hiện việc công ty Tân Lâm đem một phần tài sản của mình đi thế chấp để vay vốn, những hộ nhận khoán đất trồng cà phê đã gởi đơn kiến nghị đến nhiều cơ quan ở tỉnh Quảng Trị.

Ông Trần Văn Bến, phó chủ tịch Liên Ðoàn Lao Ðộng tỉnh Quảng Trị khẳng định: “Nếu hết thời hạn hợp đồng, ngân hàng phát mãi tài sản, người dân có quyền kiện. Vì theo các điều khoản trong hợp đồng đã ký, nếu người dân không vi phạm các điều khoản, thì phải ký tiếp hợp đồng cho họ.”

Công ty Tân Lâm tiền thân là nông trường quốc doanh Tân Lâm, thành lập vào năm 1974. Từ năm 2014, công ty này chính thức hoạt động theo hình thức công ty cổ phần, người lao động chiếm 25% CP, nhà nước chiếm giữ 75% CP.

Từ năm 2012, công ty thua lỗ hơn 46 tỷ đồng. Ðến năm 2013, lỗ lũy kế là hơn 50 tỷ đồng và hiện đã ngừng hoạt động.

Ðể khắc phục tình trạng nợ nần, giám đốc Lân đưa ra giải pháp: “Công ty còn tài sản khá lớn như nhà xưởng, vườn caosu... Nếu bán sẽ trả được nợ (?!).” (Tr.N)
10-24-2014 1:17:35 PM
Theo Người Việt

No comments:

Post a Comment