Khó có thể tưởng tượng một thành viên nào của chính phủ Mỹ hiện thời đưa ra một so sánh giật gân như vậy. Nhưng vào lúc mà Hoa Kỳ đang phải vật lộn với những biến động tại vùng Trung Đông, lời than thở của Sir Philip - được dẫn trong cuốn sách The Long Shadow của David Reynolds - quả là tạo một âm hưởng.
Anh Quốc là đế quốc hàng đầu vào năm 1919 thành ra, trực tiếp hoặc gián tiếp dính líu đến một loạt những cuộc chiến trong giai đoạn 1919-1920 khi Thế Chiến Thứ Nhất chấm dứt, nhưng những cuộc chiến tranh nhỏ nổ lên một phần là vì những vấn đề nổ ra trong cuộc chiến hoặc sau cuộc chiến khi những đế quốc tiền chiến sụp đổ. Danh sách những cuộc chiến này nghe rất quen thuộc với tình hình hiện tại: Afghanistan, Waziristan, Iraq, Ukraine, các nước vùng Baltic. Chỉ có một cuộc chiến mà đế quốc Anh lúc đó dính líu vào là không tạo ra âm hưởng trong tòa Bạch ốc hiện nay, đó là Ireland. Những cuộc tranh cãi tại Washington lúc này cũng làm cho người ta nhớ lại những cuộc tranh cãi tại Luân Đôn lúc đó.
Những cố gắng quân sự của Anh tại Iraq trong những năm 1920, giống như những hoạt động của Mỹ hiện nay hầu hết là thực hiện qua oanh tạc bằng máy bay. Vào lúc đó cũng như lúc này có rất nhiều hoài nghi về khả năng đạt được ổn định chính trị lâu dài trong một môi trường không có gì là hức hẹn như vậy. A.J. Balfour ngoại trưởng Anh lúc đó than thở: “Chúng ta không thể nào bỏ tất cả tiền bạc và nhân lực vào việc khai hóa một số người không muốn được khai hóa.”
Trong một tình trạng mà người ta thấy âm hưởng trong chính sách Trung Đông của Mỹ tại đây, ngay cả những chính khách Anh thời đó cũng biết rằng họ đang theo đuổi những mục tiêu mâu thuẫn với nhau. Như David Balfour chỉ ra trong cuốn sách của mình:”Chính quyền Anh đã tự đẩy mình vào trong một vũng lầy khổng lồ tại Trung Đông, ký kết một loạt những thỏa hiệp mà chính Balfour sau phải công nhận là mâu thuẫn với nhau.”
Lúc đó cũng như bây giờ các nhà làm chính sách có vẻ bối rối về những lý do can thiệp quân sự vào vùng Trung Đông. Phải chăng là “gìn giữ hòa bình “ như tướng Chetwode nói, hay là vì tài nguyên dầu hỏa phong phú của vùng, hay là để bảo vệ cho một lãnh thổ mà mình coi là quan trọng (Ấn Độ đối với Anh lúc đó; Israel đối với Mỹ hiện nay), hay là một cảm giác mơ hồ về trách nhiệm của đế quốc mình phải gánh? Các cuộc tranh luận tại Luân Đôn cách đây gần một thế kỷ cho thấy tất cả những lý do đó đều quyện lại với nhau bằng những cách mà không ai có thể tách gỡ ra được. Washington hiện nay chắc cũng vậy.
Lúc đó cũng như hiện nay, các tướng lãnh đều than phiền về sự thiếu khả năng của các nhà chính trị. Sir Henry Wilson, tổng tham mưu trưởng quân đội Anh than phiền các nhà lãnh đạo chính trị “không có khả năng cai trị” nghe cũng giống như những lời chỉ trích tại Mỹ về sự thiếu khả năng lãnh đạo của Tổng Thống Barack Obama. Ngay cả cựu bộ trưởng quốc phỏng của ông Obama, ông Leon Panetta cũng than phiền trong cuốn hồi ký mới xuất bản của mình là ông tổng thống “quá nhiều khi dựa vào logic của một giáo sư luật hơn là những hăng say của một vị lãnh đạo.”
Những sự tương tự giữa nan đề mà đế quốc Anh gặp phải cách đây gần một thế kỷ và Hoa Kỳ hiện nay khiến ta có thể rút ra một số bài học.
Thứ nhất dù rằng các nhà chính trị có tài quyết đoán đến mức nào chăng nữa vấn đề thật sự sâu đậm và khó khăn hơn nhiều, vượt quá giới hạn khả năng mà các đế quốc có thể bỏ ra để giải quyết.
Thứ hai rất khó mà có thể giữ vai trò “sen đầm quốc tế” nếu nền tài chánh quốc gia của mình bị kiệt quệ và dân chúng chán ngán không muốn chiến tranh. Vào năm 1919 khi đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ Ottoman sụp đổ, đế quốc Anh trở thành lớn hơn bao giờ hết.
Nhưng đất nước Anh thì kiệt quệ vì chiến tranh Thế Giới Thứ Nhất và dân chúng mệt mỏi vì chiến tranh không muốn có một cuộc chiến mới nào. So với Thế chiến thứ Nhất, các cuộc chiến Iraq và Afghanistan của thập niên vừa qua không thấm vào đâu, nhưng chúng cũng tạo ra một tình trạng chán ngán chiến tranh tương tự trong lòng dân Mỹ dẫn đến một sự ngần ngại trong việc đưa nước Mỹ vào một cuộc chiến mới của giới lãnh đạo.
Thứ ba sự trùng hợp giữa những điểm nóng cách đây một thế kỷ và các điểm nóng hiện nay cho thấy rằng có một số vùng trên thế giới mà địa lý hoặc văn hóa khiến cho có một nguy cơ thường xuyên về bất ổn chính trị và chiến tranh: biên giới giữa Nga và phương Tây, Afghanistan, Iraq, vv..
Sau cùng nhìn sâu hơn vào những sự kiện lịch sử cách đây gần một trăm năm, ta thấy các xáo trộn chính trị quân sự của 1919 là dấu hiệu thế giới bước vào một giai đoạn bất ổn định mới mà - chỉ trong vòng chưa đầy một thế hệ - đưa thế giới đến một loạt các cuộc chiến tranh - lạnh và nóng kéo dài trên nửa thế kỷ. Một khi đế quốc chủ đạo mất đi khả năng kiềm chế thế giới có thể mau chóng trở thành rối loạn.
10-22- 2014 5:32:36 PM
Lê Mạnh Hùng
Lê Mạnh Hùng
No comments:
Post a Comment