Các lãnh đạo biểu tình ở Hong Kong đe dọa hủy đối thoại với chính phủ sau khi người biểu tình đụng độ với những người không đồng tình với họ.
Phe biểu tình nói chính phủ phải ngăn “các vụ tấn công có tổ chức”.
Trước đó họ chấp nhận đề nghị họp với đại diện chính phủ.
Quả thực nhiều người dân Hong Kong cũng giận dữ vì cuộc sống bị ảnh hưởng bởi biểu tình, nhưng phe biểu tình cáo buộc chính phủ đứng đằng sau hành động bạo lực.
Các vụ va chạm đã xảy ra ở một số nơi, khi người dân tìm cách gỡ bỏ rào chắn, lều của người biểu tình.
Ba nhóm biểu tình chính ra thông cáo quy trách nhiệm cho chính quyền.
Đặc khu trưởng Lương Chấn Anh đưa ra lời đề nghị đàm phán hôm thứ Năm ngày 3/10 theo thời hạn chót mà phe biểu tình ra cho ông.
Những người biểu tình đã chiếm giữ một số nơi trong thành phố trong vài ngày để phản đối việc Bắc Kinh kiểm soát các ứng viên trong cuộc bầu cử đặc khu trưởng vào năm 2017.
Bắc Kinh đã bày tỏ sự ủng hộ ông Lương và nói cuộc biểu tình là ‘bất hợp pháp’ và ‘chắc chắn sẽ thất bại’.
Hôm thứ Sáu ngày 3/10, Hong Kong đã tạm thời đóng cửa các cơ quan chính quyền ở những nơi bị ảnh hưởng nặng nhất. Các viên chức nhà nước được cho là có thể làm việc ở nhà.
Số lượng người biểu tình tăng lên vào ban đêm và giảm xuống vào ban ngày. Vào sáng thứ Sáu ngày 3/10, nhiều nhóm nhỏ vẫn còn ở trên đường.
‘Hậu quả nghiêm trọng’
Vào tối muộn ngày 2/10, khi mà thời hạn chót mà người biểu tình đặt ra cho ông để từ chức săp hết, ông Lương nói chính quyền của ông sẽ đàm phán với các lãnh đạo sinh viên.
Đổng lý Carrie Lam, viên chức dân sự cao nhất của Hong Kong, sẽ bắt đầu đối thoại với sinh viên càng sớm càng tốt, ông Lương nói nhưng không cho biết thời hạn cụ thể.
“Tôi sẽ không từ chức bởi vì tôi phải tiếp tục công việc chuẩn bị cho cuộc bầu cử,” ông nói và cảnh báo rằng bất cứ nỗ lực nào của người biểu tình nhằm chiếm giữ các trụ sở chính quyền đều sẽ dẫn đến ‘hậu quả nghiêm trọng’.
Những người biểu tình, trong đó có sinh viên, những người thuộc phong trào Occupy Central và nhiều người khác, đã phong tỏa ba khu vực ở Hong Kong kể cả trung tâm tài chính, kể từ hôm 28/9.
Họ đe dọa sẽ chiếm giữ các cơ quan công quyền nhưng giờ đây lại nói sẽ đàm phán với chính quyền.
Liên đoàn Sinh viên Hong Kong (HKFS) nói họ sẽ có một cuộc gặp công khai với ông Lam nhưng vẫn nhấn mạnh yêu sách ông Lương phải từ chức.
Trong khi đó, Occupy Central ra thông cáo nói rằng họ hy vọng ‘việc đàm phán sẽ đưa đến bước ngoặt cho tình hình bế tắc chính trị hiện nay’.
Tuy nhiên họ vẫn kêu gọi ông Lương từ chức vì cho rằng ông ‘phải chịu trách nhiệm cho sự bế tắc hiện nay’.
Trong lúc này, có báo dẫn các nguồn tin chính quyền Hong Kong cho rằng họ đang chờ cho phong trào biểu tình mất nhiệt sau khi đã thấy việc cảnh sát dùng hơi cay trấn áp đã khiến cho càng nhiều người tham gia biểu tình như thế nào.
Viết cho tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, ông Chris Patten, thống đốc cuối cùng của Hong Kong khi nơi này còn là thuộc địa của Anh, nói rằng tham vấn minh bạch là ‘cách duy nhất’ để tiến về phía trước.
“Theo kế hoạch hiện nay thì cần phải có giai đoạn đàm phán thứ hai về tiến trình dân chủ sau khi vòng đàm phán đầu tiên đã được nhận ra là sự khởi đầu giả tạo,” ông Patten viết.
“Chính quyền Hong Kong giờ đây phải tổ chức vòng tham vấn thứ hai một cách đàng hoàng cho người dân của họ – một cuộc tham vấn công khai và trung thực.”
“Đàm phán là cách giải quyết khả dĩ nhất. Người dân Hong Kong không hề tắc trách hay hành động phi lý. Một sự nhượng bộ đúng đắn để cho phép tiến hành bầu cử mà người dân nhìn nhận là công bằng chứ không phải sắp đặt là hoàn toàn có thể,” ông Patten nhận định.
No comments:
Post a Comment