RFI-Thụy My
Chiến dịch bất tuân dân sự kéo dài có nguy cơ gây mất lòng dân.REUTERS/Carlos Barria
Một ván bài tẩy hay chỉ là nhát gươm chém vào nước lạnh? Đa số các nhà phân tích đều dửng dưng trước thỏa thuận đối thoại giữa chính quyền Hồng Kông và sinh viên. Họ cho rằng không bên nào có ý định nhượng bộ.
Trưởng đặc khu Hồng Kông, ông Lương Chấn Anh (Leung Chun Ying) đã đưa ra đề nghị thương lượng tối 02/10/2014, lúc chỉ còn nửa giờ là hết hạn tối hậu thư do người biểu tình đưa ra, đòi ông phải từ chức. Loan báo trên đây đã tháo gỡ ngòi nổ về khả năng bùng nổ đối đầu giữa những người phản kháng và cảnh sát. Số người xuống đường hôm 03/10/2014 đã giảm xuống, nhưng sự phẫn nộ vẫn còn đó, và họ có thể biểu tình tiếp tục vào cuối tuần.
Một trong những khuôn mặt lãnh tụ sinh viên của phong trào đòi dân chủ là Yvonne Leung nói với AFP: « Điều mà chúng tôi muốn là một sự trả lời cụ thể về những đề nghị mà chính quyền có thể đưa ra ». Phong trào dân chủ đòi hỏi thiết lập tiến trình phổ thông đầu phiếu hoàn chỉnh, và ông Lương Chấn Anh, người mà họ coi là con rối của Bắc Kinh, phải từ chức.
Trung Quốc đã đồng ý cho người dân Hồng Kông có quyền bầu ra Trưởng đặc khu vào năm 2017 nhưng vẫn nắm quyền kiểm soát các ứng cử viên. Như vậy Bắc Kinh đã vi phạm những cam kết đưa ra khi Hồng Kông được Anh trao trả cho Trung Quốc vào năm 1997.
Các nhà phân tích đều khẳng định : về điểm này, Trung Quốc sẽ không nhượng bộ dù chỉ một ly ! Nhà chính trị học Hồng Kông Sonny Lo giải thích : « Bắc Kinh đã ấn định mục tiêu về luật pháp và chính trị (về việc cải cách bầu cử ở Hồng Kông), và các cuộc thương lượng phải nằm trong khuôn khổ này. Chính quyền Hồng Kông quyết định mở đối thoại, đó là điều tốt, nhưng sinh viên có thể cần đến các công cụ chiến thuật. Họ phải hiểu rằng đây là thương thuyết theo kiểu Tàu », và chấp nhận ý tưởng về một sự thỏa hiệp.
Giáo sư Lâm Hòa Lập (Willy Lam), chuyên gia về Trung Quốc cho rằng tất cả mọi biểu hiện hòa dịu của Đảng Cộng sản Trung Quốc chỉ là chiến thuật. Ông nói : « Bắc Kinh có thể chấp nhận một sự thay đổi bề ngoài, mà trên thực tế không hề có hiệu quả. Đó là một biện pháp ngoài mặt để làm cho người ta tin rằng Bắc Kinh đã có nhượng bộ, nhưng về phía các lãnh tụ phong trào sinh viên và phe Occupy Central thì hoàn toàn không thể chấp nhận được ».
Trong giả thiết này, những người biểu tình không có chọn lựa nào khác là tiếp tục chiến dịch bất tuân dân sự và chiếm đóng khu trung tâm Hồng Kông, với nguy cơ có thể bị mất lòng dân trong một thành phố mà các hoạt động đang bị rối loạn từ gần một tuần qua. Theo AFP ngày 03/10/2014, đã có những cư dân đứng ra phản đối những người xuống đường.
Chuyên gia Lâm Hòa Lập nhận xét : « Đó là một ván bài tẩy. Tất cả tùy thuộc vào khả năng của phong trào đòi dân chủ huy động được hàng chục ngàn người tham gia biểu tình. Sự ủng hộ của dư luận là sống còn đối với phong trào ».
Liên đoàn Sinh viên Hồng Kông (HKFS) là tổ chức duy nhất được mời thương thảo. Liên đoàn này đã gởi thư chấp nhận đối thoại đến chánh văn phòng chính quyền đặc khu là Carrie Lam, người được ông Lương Chấn Anh đề cử đứng ra thương thuyết. Nhưng trong phong trào tranh đấu còn có cả các nhóm khác không được mời tham gia tiến trình này. Đó là phong trào Occupy Central, Scholarism của giới học sinh, và các dân biểu đối lập.
Đối với ông Lâm Hòa Lập, chiến lược của chính quyền như vậy rất rõ ràng. Họ muốn gây chia rẽ để làm yếu đi phong trào đòi dân chủ, qua việc chìa tay ra với nhóm ôn hòa trong phong trào phản kháng. Theo chuyên gia trên, « điểm yếu của những người biểu tình là họ không có một bộ chỉ huy thống nhất ». Trong khi đó Lương Chấn Anh chìa ra khuôn mặt hòa hoãn đối với những người có thể chịu xuống nước nhất trong số phe dân chủ.
Theo ông Paul Zimmerman, một dân biểu Hồng Kông, một yếu tố có thể làm thay đổi thế trận là nếu các cuộc biểu tình bắt đầu có tác động đáng kể tại Trung Quốc, và Tập Cận Bình bị chỉ trích ngay trong nội bộ Đảng. Ông nhấn mạnh : « Nếu các thông tin từ Hồng Kông gây ra xáo trộn tại Trung Quốc và tác động đến đấu tranh chính trị, thì áp lực sẽ ngày càng mạnh mẽ hơn khiến cho chủ tịch nước phải hành động ».
Trong khi đó, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tăng cường kiểm duyệt các mạng xã hội gắt gao hơn bao giờ hết. Các tổ chức bảo vệ nhân quyền cho biết, gần hai chục người bị bắt vì bày tỏ sự ủng hộ phong trào biểu tình ở Hồng Kông.
No comments:
Post a Comment